Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bóng đá Việt Nam "xây" lại để ngôi nhà bền vứng (Bài 2): Phải theo lộ trình phù hợp

Thứ Hai 27/04/2020 | 10:33 GMT+7

VHO- Không chỉ nhận được ý kiến đồng thuận từ các chuyên gia, quyết định quy hoạch lại số đội tham dự giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023 do Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải ký còn nhận được sự ủng hộ lớn từ các nhà báo có “thâm niên” theo dõi bóng đá Việt Nam.

 Bình luận viên Quang Huy cho rằng đây là quyết định khả thi và có thể triển khai ngay trong năm sau Ảnh: HẢI ĐĂNG

 Nhận định rằng đây là một quyết định đúng, kịp thời, các nhà báo mong muốn sẽ có một lộ trình thích hợp để quyết định này đi vào cuộc sống.

Khả thi và có thể triển khai ngay từ năm sau

“Trước hết phải nói rằng tôi rất vui vì quyết định này. Đây là quyết định đúng và chúng ta phải cố gắng trở lại mô hình phát triển như hình tháp trước đây. Trong quá khứ, Bóng đá Việt Nam từng phát triển các giải đấu theo hình tháp, như mô hình của các nền bóng đá tiên tiến nhưng sau đó do khó khăn về kinh tế, các đội bóng bị teo tóp đi nên thành hình tháp ngược”, bình luận viên được đông đảo người hâm mộ yêu mến Vũ Quang Huy mở đầu.

Cũng theo bình luận viên Vũ Quang Huy, khi đưa ra quyết định này VFF đã tính toán kỹ lưỡng đến vấn đề thời điểm để áp dụng, sao cho đảm bảo được số CLB tham gia vào mỗi giải đấu đủ 14 đội, từ năm 2021 trở đi. Quyết định của VFF cũng ghi rõ, trên cơ sở được sự đồng thuận cao từ các CLB và sự thông qua của Ban chấp hành, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát triển phong trào, VFF quyết định điều chỉnh quy hoạch số lượng đội tham dự giải bóng đá VĐQG, hạng Nhất quốc gia và hạng Nhì quốc gia giai đoạn 2021-2023. “Gần đây công tác đào tạo trẻ của Bóng đá Việt Nam đang rất tốt, nên việc xây dựng một đội bóng sẽ không tốn kém như trước đây. Kinh phí để đầu tư cho một đội bóng ở V.League thì rất tốn kém, nhưng với việc đầu tư cho một đội hạng Nhất, hạng Nhì, nếu biết chăm sóc, đào tạo tốt từ nguồn cầu thủ “cây nhà, lá vườn” thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí. Bên cạnh đó, trong những mùa giải gần đây, VFF đã quy định các giải đấu này không có ngoại binh nên lại càng đỡ hơn. Hiện nay cũng có nhiều CLB, trung tâm đào tạo trẻ tốt, có được nhiều lứa cầu thủ trẻ có chất lượng có thể cho các CLB mượn để đá các giải hạng dưới như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An... Với điều kiện kinh tế như hiện nay, nhất là sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì không thể nói các CLB giàu hơn xưa nhưng nếu biết căn cơ hơn trong việc đào tạo cầu thủ trẻ hoặc mượn thêm cầu thủ từ các CLB, các trung tâm đào tạo, thì các CLB sẽ xây dựng được đội bóng và giải đấu sẽ ổn định.

Bình luận viên này cũng cho rằng đây là một quyết định khả thi và sẽ thực hiện được ngay trong mùa giải 2021. “Chỉ có điều các CLB vẫn phải đảm bảo được yếu tố tiên quyết đầu tiên là vấn đề kinh phí, tránh lãng phí và đào tạo nguồn tại chỗ”, bình luận viên Quang Huy nói.

Nên áp dụng tiêu chuẩn cho các đội

Nêu lên một thực tế là vẫn còn một số đội ăn đong, kinh phí phụ thuộc vào hầu bao của các ông bầu nên khi mất nguồn tài trợ, các đội sẽ khó duy trì đội bóng và phải bỏ giải. Bình luận viên kỳ cựu Ngô Quang Tùng cho rằng trước hết muốn giải đấu ổn định, VFF phải đưa ra quy định về tiêu chuẩn để phát triển bền vững với các CLB ở giải hạng Nhất, hạng Nhì và giám sát việc thực hiện theo tiêu chuẩn này. “Ngay như một CLB giàu truyền thống ở V.League như SLNA mặt sân vẫn chưa đủ tiêu chuẩn, hay một CLB hàng đầu như CLB Hà Nội lại bỏ đào tạo lứa U15. Đấy là ở V.League, chúng ta vẫn phải loay hoay với những khó khăn như thế chứ chưa nói đến các CLB ở giải hạng Nhất, hạng Nhì, sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn hơn nữa. Chính vì thế nếu muốn quyết định trên có thể thực thi được thì nên chăng VFF sẽ đưa ra lộ trình hợp lý từng bước một để các CLB có thể thực hiện được. Bài học từ V.League đã lên chuyên gần 20 mùa rồi nhưng vẫn loay hoay trong những thứ gọi là tiêu chuẩn cho thấy rõ, nếu không kỹ càng ngay từ đầu thì sẽ rất dễ vỡ thế trận”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nói.

Cũng theo bình luận viên này, việc VFF đưa ra mô hình 14 đội mỗi giải là đã căn cứ vào thực tế hiện nay của bóng đá Việt Nam. “Đó là một sự hợp lý tương đối phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Chứ còn mô hình phát triển chuẩn, theo tôi vẫn là số đội ở các giải đấu càng cấp thấp thì càng nhiều hơn số đội ở phía trên. Đây là điều mà các nhà quản lý bóng đá, các chuyên gia đều đã nhìn ra nhưng phải căn cứ vào thực tiễn để đưa ra mô hình mang tính tương đối ở thời điểm này thôi”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nói và cho rằng ngoài việc phải đưa ra quy chuẩn cho các đội bóng, lộ trình thực hiện phù hợp, cũng phải tính toán đến yếu tố tiên quyết là tạo thêm nguồn kinh phí để có thể nuôi được các đội bóng, tạo sự ổn định lâu dài cho hệ thống giải đấu. 

 Việc tăng số đội giải hạng Nhất quốc gia và điều chỉnh số lượng đội tại giải hạng Nhì sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tăng chất lượng các giải đấu, đúng với lộ trình trong việc quy hoạch số lượng đội bóng tại các giải Bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp quốc gia từ năm 2021. Bên cạnh đó, tăng số lượng đội thi đấu tại giải hạng Nhất và hạng Nhì cũng giúp cho đội tuyển quốc gia có thêm nhiều cơ hội tuyển chọn nhân tài bên cạnh “mặt trận chính” là giải vô địch quốc gia.

(Phó Chủ tịch VFF CAO VĂN CHÓNG)

 

 Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và bóng đá Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đó là lý do đáng quan ngại bởi sức mạnh của các đội bóng, mức độ đầu tư toàn diện, từ sân bãi đến y tế, từ dinh dưỡng đến chuyển nhượng và nhất là đào tạo trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu ngân sách bị cắt giảm. Đó là chưa kể đến một viễn cảnh đáng phải lưu tâm là các doanh nghiệp, các tập đoàn - nơi nuôi các đội bóng - bị ảnh hưởng kinh tế và buộc phải cắt giảm đầu tư bên ngoài. Chúng ta đã quyết định nâng số đội tham gia các giải hạng Nhất, hạng Nhì lên con số 14, kết thúc mô hình phát triển theo hình tháp ngược. Yếu tố quan trọng nhất là quy chuẩn hoá mô hình hoạt động, tiêu chuẩn hoá các yếu tố như sân bãi, giàn đèn, mức lương… Các đội bóng cần có lộ trình để thực hiện những yêu cầu mang tính cơ bản để trở thành đội bóng chuyên nghiệp một cách thực chất, chứ không chỉ chuyên nghiệp ở cái tên.

(Vlogger MINH HẢI)

 THU SÂM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top