Điều nghịch lý ở Singapore

THÁI AN

VHO - Hai năm lại đây, Singapore liên tục lọt vào danh sách quốc gia hạnh phúc nhất châu Á. Tuy nhiên, giới trẻ ở đảo quốc sư tử này đang kém hạnh phúc. Thanh niên Singapore được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm cao gấp 3 lần và chi tiêu phúc lợi công ty cho việc trị liệu cao gấp 5 lần.

Điều nghịch lý ở Singapore - ảnh 1

 Người trẻ Singapore cho rằng họ thiếu những mối quan hệ tin cậy và dài lâu

 Đây là kết quả nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ y tế Telus Health với trên 1.000 thanh niên Singapore. Bà Paula Allen, Phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và hiểu biết khách hàng tại Telus Health lưu ý rằng, những căng thẳng về tinh thần thường thấy ở những người trẻ tuổi. Xu hướng này có thể phản ánh một thế hệ người lao động kém hạnh phúc hơn tại đảo quốc sư tử. Cũng theo nghiên cứu này, người lao động ở đây mất ít nhất 60 ngày làm việc mỗi năm vì lo lắng, trầm cảm hoặc mất ngủ.

Những khó khăn về việc làm và tài chính là một trong những nguyên nhân chính làm giới trẻ Singapore không hạnh phúc. Tiền bạc là gốc rễ của nhiều vấn đề khiến người Singapore căng thẳng. Áp lực về công việc để kiếm tiền dễ làm họ rơi vào trạng thái tức giận, có đến 3/4 số người được hỏi nói rằng công việc đối với họ không mang ý nghĩa gì hơn ngoài công cụ kiếm sống. Ngay cả những vấn đề trong đời sống cá nhân của họ cũng xuất phát từ công việc. Ngày càng có nhiều người trẻ ở quốc đảo sư tử độc thân, nhiều người muốn hẹn hò nhưng không có thời gian vì bận rộn cho công việc.

Trên thực tế thu nhập trung bình ở quốc gia này đang tăng nhanh hơn mức lạm phát. Cục Thống kê Singapore vừa công bố thu nhập trung bình của hộ gia đình ở nước này đã tăng từ 9.189 USD vào năm 2020 lên 9.520 USD năm 2021. Với số liệu này, người dân đáng ra cảm thấy thoải mái hơn trong chi tiêu khi có mức thu nhập tốt hơn, thế nhưng thay vào đó họ lại cảm thấy chán nản và “ngày càng nghèo”.

Các chuyên gia đã chỉ ra các phát hiện tâm lý giải thích lý do thu nhập giới trẻ Singapore tăng nhưng họ không hề hạnh phúc hơn so với trước. Đầu tiên, số tiền mặt trong tài khoản ngân hàng ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của một người nhiều hơn so với tài sản ròng mà họ sở hữu. Tiếp đến là giá nhà thuê quá cao, khiến nhiều người trẻ chỉ chuyển khỏi nhà của cha mẹ khi đã đủ năng lực mua bất động sản riêng. Nhiều người có thể vay nợ để mua một bất động sản triệu đô, đồng nghĩa số dư tài khoản có thể ảnh hưởng bởi nó.

Cuối cùng là văn hóa Singapore rất coi trọng vật chất, có nghĩa mọi người có xu hướng chi tiền cho những món đồ hào nhoáng và đắt đỏ. Phải làm việc quá nhiều với áp lực lớn càng làm trầm trọng hơn chứng nghiện mua sắm của người dân quốc đảo sư tử. Mua đồ là cách nhanh chóng và dễ dàng để “tận hưởng cuộc sống” khi họ có quá ít thời gian rảnh rỗi.

Trong một báo cáo riêng vào tháng 3 năm nay, Telus Health nhận thấy 55% công nhân địa phương thiếu các mối quan hệ đáng tin cậy ở nơi làm việc. Nó khiến họ cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Những người lao động dưới 40 tuổi có nguy cơ cảm thấy như vậy cao hơn 50% so với những người từ 50 tuổi trở lên. Những người này cũng thường cảm thấy không có ai đủ tin tưởng để sống đúng với con người thật của mình. Khoảng 45% công nhân không nghĩ như vậy, hoặc không chắc chắn liệu họ có thể lên tiếng về những khó khăn của mình mà không bị trả thù hay sỉ nhục.

Anthea Ong, người sáng lập WorkWell Leaders, tổ chức từ thiện khuyến khích các nhà lãnh đạo nâng cao sức khỏe tinh thần cho biết: “Lần đầu tiên, chúng ta có cả một thế hệ bước vào lực lượng lao động với cái nhìn ảm đạm hơn trong mọi thước đo về hạnh phúc. Giới trẻ ngày nay đang trải qua thời kỳ bất ổn, bất an và đau khổ kéo dài, được đánh dấu bởi đại dịch, gián đoạn kinh tế và xung đột toàn cầu”.

Bà Anthea Ong nói thêm rằng, vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi những người trẻ tuổi đánh giá, so sánh thành công của họ so với hàng triệu người khác trong những bối cảnh rất khác nhau trên mạng xã hội.

Ý kiến bạn đọc