Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”

PHẠM NGÂN

VHO - Xã Phúc Trạch (Hương Khê – Hà Tĩnh) được mệnh danh là thủ phủ của cây dó trầm. Từ cây dó trầm, người dân đã năng động, sáng tạo chế tác ra những sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Đến xã Phúc Trạch, chúng tôi bị hút hồn với mùi trầm hương khi vào một trong những vườn trầm đẹp tại xã Phúc Trạch của gia đình ông Phạm Văn Phương (87 tuổi).

Chủ khu vườn phấn khởi chia sẻ: “Hiện gia đình tôi sở hữu hơn 1ha diện tích trồng dó trầm với hàng trăm cây lớn nhỏ khác nhau. Vào những năm thập niên 90 thế kỷ trước, người dân nơi đây tự lấy giống dó trầm gieo trồng ngay tại vườn nhà. 

Trước đây, cây dó trầm mọc tự nhiên, nhưng chúng tôi chưa biết đến giá trị của loài này cho đến khi nhiều thương lái đến săn lùng tìm mua. Từ đó, người dân xã Phúc Trạch bắt đầu tìm hiểu đến giá trị thương phẩm mà cây dó trầm mang lại.

Sau đó bà con ồ ạt phá bỏ đồng hoang, tận dụng các khoảnh đất trống ươm giống, trồng cây. Giá bán cây dó tùy thuộc vào độ tuổi của cây và chất lượng trầm có trong từng cây. Cây có tuổi trên 30 năm ít nhất cũng bán được hơn 100 triệu đồng, cây 8 – 10 năm tuổi trung bình 10 triệu đồng/cây”.

Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”  - ảnh 1

Cây dó trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình tại xã Phúc Trạch

Có trên hơn 50 năm trồng dó trầm, ông Phương am hiểu đặc tính về cách chăm sóc, cách tạo trầm. “Lượng trầm không phụ thuộc vào độ tuổi của cây mà quan trọng là, người trồng phải tự tạo hoặc do sâu đục phá tạo thành “vết thương” trên cây dó trầm.

Còn về chất lượng trầm thì không phải vùng đất nào trồng cây dó trầm cũng mang lại hương thơm đặc biệt như ở xã Phúc Trạch bởi phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Về kỹ thuật lấy giống và gieo trồng dó trầm đó là mùa quả chín người trồng sẽ lấy quả, tách hạt và giâm trong cát ẩm hoặc cát pha đất.

Sau khi hạt mầm xuất hiện một lá thì cấy vào bầu. Khi cây con lớn khoảng bốn đến năm tháng tuổi có thể đem trồng. Sau 10 đến 15 năm tích tụ bởi thời gian, nắng và gió từ đó tạo thành trầm hương. Ở vùng khai thác trầm, vết thương này thường do con người tác động vật lý như đục, khoan, khoét.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là trầm không phải khi nào cũng xuất hiện. Có những cây đường kính lớn 50-80cm nhưng chưa hẳn đã có trầm, trong khi có cây chỉ 20 -25cm đã kết tụ. Trầm thường xuất hiện nhiều ở các cây già cỗi, u bướu hoặc có bệnh, thường ở gốc rễ và đoạn thân trên 3m.

Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”  - ảnh 2
Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”  - ảnh 3

Từ cây dó trầm, người dân chế tác nhiều sản phẩm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu của khách hàng

“Trước đây người dân nơi đây trồng bán nguyên liệu, còn nay nhiều cơ sở tại địa phương đã chế tác, tạo ra những sản phẩm từ trầm. Đến nay loại cây này trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương, đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, thu nhập lãi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Nhiều cây trong vườn tôi có chất lượng trầm rất tốt, có nhiều cây khách hàng trả giá từ 100 – 120 triệu đồng nhưng chúng tôi chưa muốn bán”, ông Phương cho biết thêm.

Ngoài hương trầm, trầm hương còn được chế tác, trưng bày trong nhà, làm các đồ trang sức, mỹ nghệ, tinh dầu…đều mang lại giá trị kinh tế cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Phúc Trạch có gần 200 gia đình trở nên khá giả từ việc bán dó trầm.

Hàng năm, thu nhập từ việc bán dó trầm mang lại cho họ hàng tỷ đồng. Nhiều hộ dân Phúc Trạch mở cơ sở chế tác sản phẩm trầm hương tại nhà. Gia đình chị Nguyễn Thị Lan (33 tuổi, thôn 8, xã Phúc Trạch) có hơn 7.000m2 đất trồng cây dó trầm, trong đó có những cây có giá trị cả trăm triệu đồng khi đạt độ tuổi hàng chục năm. Mỗi năm, gia đình thu về hơn 500 triệu đồng từ chế tác sản phẩm như vòng trầm, hương trầm…

Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”  - ảnh 4
Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”  - ảnh 5

Những cây dó trầm bị sâu đục, để làm lành vết thương, cây tiết ra một loại dầu đặc biệt bịt các lỗ hổng do sâu tạo ra, dần dần tinh dầu đó tích tụ lại tạo thành trầmcó thể sẽ cho trầm tự nhiên

Gia đình chị Võ Thị Nga chủ cơ sở chế tác dó trầm Thọ Nga chia sẻ: “Trầm được chế tác ra rất nhiều sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, hương trầm, nụ trầm. Đặc biệt đối với các mặt hàng mỹ nghệ chế tác từ trầm được bán với giá rất cao.

Các công đoạn chế tác trầm đòi hỏi sự tỉ mỉ và có kinh nghiệm. Dùng đục để khoét những phần thân bên ngoài, những phần vân đen còn lại được xác định là trầm sẽ được chế tác theo các mặt hàng khác nhau. Dịp cận Tết, có ngày cơ sở bán được cả trăm triệu đồng. Còn cây trầm cảnh được chế tác từ dó trầm rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây cao lớn, thế đẹp, nhiều dó có giá 50 - 100 triệu đồng, cây "gia bảo" có giá lên tới nửa tỷ đồng.

Nhiều hộ chế tác như chúng tôi đã có đơn từ nước ngoài đặt để xuất khẩu. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền có các chính sách hỗ trợ để người dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật và từng bước xây dựng thương hiệu trầm hương Phúc Trạch - Hà Tĩnh phát triển hơn".

Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”  - ảnh 6
Khách hàng đến xã Phúc Trạch tìm hiểu sản phẩm trầm hương

Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) cho biết: “Năm 2020 làm việc với hội trầm hương Hàn Quốc IFA, hội trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây gió trầm tại xã Phúc Trạch.

Kết quả đã bước đầu xác định chất lượng cây dó bầu (tên gọi khác của cây dó trầm) và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch có chất lượng rất cao, “thuộc tốp đầu thế giới”. Nghề trồng, khai thác, chế biến cây dó trầm là nghề truyền thống lâu đời của địa phương, nhưng chỉ phát triển mạnh mẽ vào khoảng 20 năm trở lại đây.

Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hiện có 1.700 hộ dân trồng cây dó trầm. Chỉ tính riêng năm 2023 doanh thu từ bán cây dó trầm mang về cho các hộ dân 91 tỷ đồng. Những năm qua, nghề trồng trầm đã làm các hộ dân “đổi đời”, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn 2,7%.

Nếu như trước đây người dân chủ yếu làm ruộng, thu nhập bấp bênh thì nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của người dân phát triển, có nhiều hộ từ nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng cây dó trầm. 

 Điển hình như hộ ông Lê Thọ ở xóm 8 thu nhập hằng năm từ việc ươm gió trầm hơn 300 triệu đồng. Đi kèm với việc ươm cây giống, nhiều hộ ở Phúc Trạch cũng đã tự nhân tạo trầm tại vườn nhà rất thành công. Nhờ cây dó trầm mà nhiều gia đình xây nhà tầng, sắm xe hơi.

Cây dó trầm giúp người dân miền núi “thoát nghèo”  - ảnh 7

Hộ dân xã Phúc Trạch giới thiệu về vườn cây dó trầm

Tuy vậy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cũng lo lắng trước thực trạng vì lợi nhuận gấp nhiều lần mà hiện nay người dân đang đổ xô trồng cây dó trầm. Tình trạng tự phát nhổ bưởi trồng trầm tạo ra nguy cơ cao cho sự tuyệt chủng của giống bưởi “đặc sản” Phúc Trạch rất nổi tiếng.

Gần 10 năm trở lại đây, người dân đã “ồ ạt” chặt bỏ cây bưởi chuyển sang trồng cây dó lấy trầm. Bởi trầm từ loài cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp rất nhiều lần so với bưởi.

Hiện nay, trên địa bàn có nhiều hợp tác xã đạt chuẩn OCOP 3 sao với sản phẩm từ dó trầm. Định hướng của chính quyền địa phương là có chiến lược quy hoạch dài để các cơ sở sản xuất có sự liên kết, cho ra chất lượng đồng đều, phát triển bền vững.

Ý kiến bạn đọc