Phát triển văn hóa đọc trong gia đình: Bồi đắp tri thức, gắn kết thành viên

VHO- Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong gia đình có vai trò hết sức quan trọng, qua đó giúp nâng cao tri thức, cải thiện kỹ năng và là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Chính vì thế, tại Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ lần thứ IV năm 2023 vừa qua, BTC đã mang đến cuộc thi “Đọc sách cùng con” với mong muốn nâng cao văn hóa đọc trong gia đình hiện nay.

Phát triển văn hóa đọc trong gia đình: Bồi đắp tri thức, gắn kết thành viên - Anh 1

Gia đình tiêu biểu đại diện tỉnh Long An tại hội thi Đọc sách cùng con

Tạo thói quen cho con ngay từ bé

Đọc sách sẽ giúp phát triển trí tuệ, làm giàu thêm vốn tri thức, hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, việc chú trọng duy trì văn hóa đọc trong mỗi gia đình sẽ giúp các thành viên, đặc biệt là con trẻ tự tin hơn trong cuộc sống, hình thành thói quen lâu dài, hơn thế nữa là gắn kết, tạo nên “sức mạnh mềm” cho mỗi gia đình và cộng đồng. Thế nhưng ngày nay, phần lớn các gia đình, nhất là gia đình trẻ phổ biến tình trạng mỗi thành viên dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và ít chú trọng đến việc đọc sách. Vì vậy, để hình thành thói quen đọc sách mang tính “bền vững” phải đặt những viên gạch đầu tiên từ chính mỗi gia đình. Bởi mỗi đứa trẻ khi lớn lên, nếu được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ sớm sẽ giúp hình thành tính cách này đến lúc trưởng thành.

Việc 11 đội thi đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cùng tham gia hội thi “Cùng con đọc sách” do Văn phòng Bộ VHTTDL phối hợp cùng Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh tổ chức đã góp phần “ươm mầm” văn hóa đọc cho các gia đình nơi đây. Đánh giá về phần thi của các đội thi, ông Lâm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trà Vinh cho biết, các gia đình đã có sự đầu tư công phu, bám sát vào thể lệ của BTC, các tiết mục truyền tải được nội dung xây dựng phong trào cùng con đọc sách xây dựng phát triển văn hóa đọc trong gia đình. Các phần thi đa dạng với ca, múa, hát minh họa với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong gia đình. Từ đó, lan tỏa phong trào đọc sách, truyền tải thông điệp của cha mẹ quan tâm, chăm sóc định hướng thông tin cho con trẻ.

Mang đến cuộc thi cuốn sách Gia đình nơi để yêu thương và được yêu thương, anh Nguyễn Trọng Vinh và chị Bùi Thụy Ngọc Hân (tỉnh Bến Tre) hy vọng sẽ là lời nhắn nhủ về tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi thành viên, để từ đó chúng ta xác định được trách nhiệm của mình với ngôi nhà yêu thương. Chị Bùi Thụy Ngọc Hân cho biết gia đình rất chú trọng đến việc đọc sách và hình thành thói quen cho các con ngay từ nhỏ. “Mỗi ngày trước khi đi ngủ gia đình mình sẽ tạo thói quen đọc sách cho con. Đối với em bé nhỏ 4 tuổi, mình chọn những cuốn truyện cổ tích để qua đó bé sẽ được thỏa thích tưởng tượng, dần dà bé luôn nói với mẹ trước khi đi ngủ là “mẹ đọc sách cho con đi”. Còn với bé lớn, thì đến nay gia đình đã tạo riêng cho bé một tủ sách cá nhân và mình cảm nhận được sự phấn khởi của bé từ khi có tủ sách ấy”, chị Bùi Thụy Ngọc Hân chia sẻ thêm. Qua đó để thấy được, văn hóa đọc sách cần phải được lan tỏa rộng hơn đối với tất cả mọi gia đình, bởi gia đình chính là nơi tuyên truyền nhanh chóng nhất, dễ dàng nhất và hơn thế nữa, từ gia đình các bé sẽ lan tỏa đến bạn bè tại trường học.

Cũng đồng hành với con trẻ trong việc tạo dựng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, gia đình anh Đoàn Tấn Lực và chị Nguyễn Thị Thu Dưỡng (Long An) cho biết, mỗi gia đình cũng nên có không gian phù hợp như phòng đọc sách, tủ sách, góc sách, chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích, để nhóm tình yêu sách cho con trẻ ngay từ nhỏ. “Khi đảm nhận phần thi Ngày hội cùng con đọc sách, từ đó gia đình mình đã hiểu nhau nhiều hơn và được gắn kết nhiều hơn. Sau cuộc thi này, gia đình sẽ tiếp tục cố gắng dành nhiều thời gian hơn để cùng các con đến thư viện, đến các nhà sách. Gia đình cảm nhận được, việc đọc sách cùng con chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong ngày của tất cả thành viên trong gia đình. Mình cũng thấy được, việc đọc sách cùng con từ nhỏ đã và đang giúp con hình thành một thói quen tốt”, anh Đoàn Tấn Lực chia sẻ thêm.

Phát triển văn hóa đọc trong gia đình: Bồi đắp tri thức, gắn kết thành viên - Anh 2

Phần thi của các gia đình luôn có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên

Văn hóa đọc tạo “sức mạnh mềm”

Nói về văn hóa đọc hiện nay, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trà Vinh cho rằng, nhìn chung văn hóa đọc ngày nay chịu sự tác động của văn hóa nghe nhìn. Chính sự tiện ích của một số nền tảng, ứng dụng công nghệ trong việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và học tập. “Đặc biệt giới trẻ ngày nay có sự chuyển dịch từ đọc và suy ngẫm sang đọc, tìm những gì nhanh chóng nhất. Tuy nhiên văn hóa đọc không xuống cấp mà chuyển từ văn hóa đọc truyền thống sang những cách đọc thuận lợi hơn nhờ sự hỗ trợ của khoa học công nghệ”. Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa đọc trong gia đình đã và đang được các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mô hình thư viện điện tử, số hóa các tài liệu nhằm tạo môi trường đọc sách thuận tiện, thân thiện, cũng như đáp ứng nhu cầu của người đọc ở mọi giới, mọi lứa tuổi. Mặt khác, về phía trường học, các đơn vị cũng bổ sung, trang bị sách mới, hấp dẫn, bổ ích và thường xuyên lồng ghép hoạt động đọc sách nhằm lan tỏa tình yêu sách cho học sinh. Hệ thống thư viện, nhà sách, các câu lạc bộ, đoàn thể ở địa phương đã và đang tăng cường tổ chức các hoạt động khuyến đọc cho người dân như nói chuyện về sách, giao lưu giới thiệu sách, triển lãm sách, thư viện lưu động... qua đó góp phần xây dựng, phát triển bền vững văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, là sự phối hợp nhịp nhàng của mỗi gia đình, qua đó xây dựng một cộng đồng đọc xung quanh con trẻ. Bởi người lớn chính là những tấm gương phản chiếu lớn nhất của trẻ em. Muốn trẻ đam mê đọc sách, bản thân bố mẹ phải là người có thói quen ấy, để đọc sách cùng với con, giúp con hiểu và thích sách hơn mỗi ngày. Hiểu được tầm quan trọng của cha mẹ trong việc trở thành tấm gương để con trẻ học tập và noi theo, anh  Phạm Thanh Hùng (Vĩnh Long) cho biết: “Ở nhà, cha và mẹ sẽ hướng dẫn cho các bé tự đọc sách và bản thân cũng thường xuyên đọc sách, để qua đó các con sẽ thấy được gương của người lớn và sẽ làm theo. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng sẽ là người định hướng cho các bé cuốn sách phù hợp phù hợp, còn đối với những cuốn sách không phù hợp thì sẽ giải thích để các bé hiểu hơn”.

Việc hình thành thói quen đọc từ khi còn là hạt mầm, gốc rễ thì thói quen ấy sẽ theo bước đường trưởng thành của con mà lớn dần lên. Phát triển văn hóa đọc là một vấn đề lớn, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được, nhưng chỉ cần mỗi người, mỗi gia đình nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc đọc sách thì chắc chắn trong tương lai văn hóa đọc sẽ vững mạnh hơn.

Bài, ảnh: HỒNG HẠNH


 

Ý kiến bạn đọc