Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

THƠM NGUYỄN

VHO - Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) kết hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa tổ chức diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững”, nhằm chia sẻ, thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi cung ứng thông qua việc áp dụng các công cụ phát triển bền vững.

 Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ - ảnh 1

Diễn đàn nhằm chia sẻ, thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường

Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới nhưng chỉ đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu. Trao quyền cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng GDP tới 28 nghìn tỉ USD vào năm 2025. Hiện nay, Việt Nam có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI nhận định: Đa số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp khó khăn về vốn, công nghệ, quản trị, nên việc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là rất ít khả thi. Đó là lý do chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được đánh giá là năng động và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam: “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn.

Việc áp dụng công cụ phát triển bền vững như chính sách mua sắm có trách nhiệm giới và các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) bền vững là một trong những lựa chọn thông minh giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững”.

Cũng tại sự kiện, 22 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký ủng hộ các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, thể hiện cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Tại Diễn đàn, BTC cũng đã phát động Giải thưởng thực hiện Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ 2024 (WEPs Awards 2024), là một sáng kiến của UN Women được thực hiện từ năm 2020.

Ý kiến bạn đọc