Hà Nội: Nối dài không gian văn hoá, nghệ thuật từ phố cổ sang Phúc Tân

Q.HOA

VHO - Tối 3.5, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức “Lễ khai mạc Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân”.

.
Hà Nội: Nối dài không gian văn hoá, nghệ thuật từ phố cổ sang Phúc Tân - ảnh 1
UBND quận Hoàn Kiếm tặng hoa các hoạ sĩ và nhà tài trợ

 Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Cầu vượt dành cho người đi bộ bắc ngang qua đường Trần Nhật Duật phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, phục vụ các em học sinh tại Trường Tiểu học Trần Nhật Duật cũng như là người lao động ở xung quanh.

Tuy nhiên, cây cầu cũng là nơi chứa khá nhiều rác do người đi bộ thải ra cũng như không đảm bảo vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, quận Hoàn Kiếm đã đề xuất và được sự hỗ trợ của nghệ sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên khoa Liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng với các nghệ sĩ và nhà tài trợ đã tạo nên không gian nghệ thuật tại cầu đi bộ.

“Với một không gian vừa phải và chiều dài gần 100m chúng tôi muốn giới thiệu về lịch sử, vai trò của sông Hồng đối với Thủ đô Hà Nội.  Đặc biệt là các hoạt động sầm uất của người dân trong khu phố cổ từng diễn ra từ thế kỷ XIII - XIX gắn với nghề thủ công. Thứ hai là lan toả thông điệp bảo vệ môi trường

Với sự tài hoa của các hoạ sĩ, các tác phẩm trang trí trên cầu bằng sản phẩm nhựa tái chế, nhựa đã qua sử dụng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác tại nguồn, cũng như tái sử dụng và hạn chế sử dụng rác thải nhựa trong sinh hoạt”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.

 Theo hoạ sĩ giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, cây cầu đi bộ với chủ đề “Nước” giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực Phố Cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê. Từ đó, một không gian nghệ thuật công cộng nối dài từ không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân (được thực hiện từ năm 2019) và khu phố cổ với địa điểm Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm với cầu nối là cầu Trần Nhật Duật.

Hà Nội: Nối dài không gian văn hoá, nghệ thuật từ phố cổ sang Phúc Tân - ảnh 2
Đông đảo khách tham quan cầu đi bộ phố Trần Nhật Duật

 Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách thăm quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hoá và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân địa phương.

Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hoá nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây.  

“Lấy ý tưởng chung về chủ đề Nước và chất liệu bằng khung sắt, nilon, màng nhựa trong, nhựa tái chế, màu vẽ xuyên sáng, tác phẩm Thuỷ cung gợi lại sự sống của các loại vật dưới biển như Cá voi xanh, cá heo, cá đuối, cá kiếm, cá ngựa, sao, sứa, san hô… Tất cả cùng hoà vào một dòng chảy của sự sống, chảy ra biển cả mênh mông, giống như những dòng người xưa và nay đã từng nhộn nhịp gồng gánh từ bờ sông Hồng vào phố cổ, từ phố thị trở về bên sông Cái vĩ đại, rồi lên thuyền bên bến Phúc Tân xuôi ra biển khơi.

Tất cả nhịp điệu của sự sống nơi biển cả trên một cây cầu xinh xắn nối liền phố cổ và bờ sông nhắc nhở những người sinh sống trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm về câu chuyện của Nước luôn có vai trò vị trí đặc biệt  với Thăng Long - Hà Nội, với những người đang sống và yêu trên mảnh đất ngàn năm văn hiến...”.

Hoạ sĩ Vũ Xuân Đông