Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Festival Mỹ thuật trẻ: Đã đủ sức thu hút người trẻ?

Thứ Hai 03/08/2020 | 09:23 GMT+7

VHO- Festival Mỹ thuật trẻ 2020 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức diễn ra từ nay đến hết 5.8 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (Hà Nội). Trưng bày 91 tác phẩm của 74 tác giả, sự kiện này được giới nghề đón đợi với kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống mỹ thuật đương đại qua những ý tưởng, phong cách, xu hướng sáng tạo nghệ thuật mới mẻ...

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại Festival Mỹ thuật trẻ 2020

 Tuy nhiên, chất lượng, số lượng và loại hình các tác phẩm tham gia “sân chơi” năm nay một lần nữa khiến những người trong cuộc đặt lại câu hỏi: “Festival Mỹ thuật liệu đã đủ sức thu hút nghệ sĩ trẻ?”.

Cách nhìn đã rộng mở, phóng khoáng

Khởi động từ năm 2007, đây là lần thứ 5 Festival Mỹ thuật trẻ được tổ chức, tạo sân chơi để các nghệ sĩ trẻ phô diễn tài năng và sức sáng tạo. Giới nghề nhận định, mỗi kỳ đều có mức độ phát triển khác nhau, phản ánh tình hình thực tế của nền mỹ thuật nước nhà nói chung và của các nghệ sĩ trẻ nói riêng. BTC đã chấm chọn 21 tác phẩm để trao 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 9 giải khuyến khích. 2 giải nhất được trao cho Lò mổ #21 của tác giả Nguyễn Văn Đủ và Giấy tiền vàng bạc của tác giả Vũ Thành Thân. Ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, các tác phẩm tại triển lãm thể hiện sự phong phúvề ý tưởng sáng tạo, đa dạng trong hình thức biểu hiện, mang hơi thở của thời đại mới với những vấn đề như môi trường, việc làm, đời sống văn hóa tinh thần của những người trẻ trong thời đại công nghệ thông tin toàn cầu…

Hội đồng nghệ thuật đã bám sát các tiêu chí để chấm chọn các tác phẩm tốt về chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật biểu hiện và rõ nét trong nội dung đề cập. Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, dưới góc nhìn của Hội đồng nghệ thuật, đánh giá: “Sáng tác của các nghệ sĩ phản ánh khá rõ cá tính cũng như tâm trạng cá nhân của giới trẻ trong thế giới đương đại. Đơn cử, tác phẩm giải Nhất Lò mổ #21 được đánh giá là có kỹ thuật thể hiện tốt, ý tưởng sâu sắc, sử dụng cả máu bò tươi để điểm thêm vào tác phẩm, gửi gắm thông điệp về vấn đề nhân đạo đối với thế giới động vật”. Nhiều tác phẩm hội họa khác cũng cho thấy cái nhìn phóng khoáng và rộng mở khi đề cập tới các vấn đề xã hội ngày nay. Họa sĩ Võ Thành Thân, chủ nhân giải Nhất Giấy tiền vàng bạc cho hay: “Đây là tác phẩm trong sêri mới của tôi về đề tài đời sống tâm linh ở Huế. Qua đây, tôi muốn nói rằng, những thứ đôi khi tưởng như là không có giá trị, nhưng nếu biết trân trọng và kết hợp lại với nhau thì có thể làm nên những tác phẩm nghệ thuật tốt…”.

Nhu cầu phản ánh một cách nhanh nhất thực tế xã hội nhưng có chiều sâu là lý do khiến cho ngôn ngữ hội họa tả thực phát triển hơn so với tranh trừu tượng. Trong triển lãm có nhiều tác phẩm kỹ thuật số, tức là họa sĩ không vẽ trực tiếp mà sáng tác trên máy tính, sau đó tô màu bằng thuốc nước. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các tác phẩm tham gia Festival Mỹ thuật trẻ 2020 thể hiện cách nhìn cũng quan điểm sáng tác riêng của nghệ sĩ trẻ hiện nay. Do được đào tạo về kỹ thuật cơ bản tốt, có ngoại ngữ, nắm vững công nghệ thông tin, đội ngũ sáng tác trẻ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những ý tưởng táo bạo, giúp cho mỹ thuật Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong thời đại mới.

 Tác phẩm giải nhất “Lò mổ #21” của tác giả Nguyễn Văn Đủ

Nghệ sĩ trẻ có mặn mà?

Một vấn đề mà lần nào Festival mỹ thuật trẻ cũng đã đặt ra là “chất trẻ” trong các sáng tác đến đâu? Festival liệu đã đủ sức hấp dẫn đối với tác giả trẻ và những sáng tạo của họ có thỏa mãn được người xem như kỳ vọng? Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nghệ thuật có lúc thăng lúc trầm, vì thế, ông trân trọng tất cả những tác phẩm tham gia triển lãm vì người trẻ có điểm mạnh của riêng họ với kỹ thuật thể hiện tốt và những ý tưởng mạnh bạo. Điều khiến ông lăn tăn là so với những triển lãm trước, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 5 có số lượng tác phẩm ít đi. Các tác phẩm sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art... rất hạn chế. Đây cũng đồng thời là băn khoăn của nhiều khán giả khi đến triển lãm với hy vọng được chiêm ngưỡng những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ mới của nghệ thuật đương đại.

Trước những nhận định rằng chất lượng của triển lãm không được như kỳ vọng, cũng như sự thiếu hụt của số lượng các tác phẩm tham gia, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho biết, năm nay có nhiều cuộc triển lãm quy mô lớn như Triển lãm đồ họa châu Á, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc… và cũng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng tác phẩm cũng hạn chế hơn so với kỳ trước. Bên cạnh đó, ngoài sân chơi của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì còn nhiều sân chơi về nghệ thuật khác nên Festival chưa tập trung được nhiều tác phẩm tốt tham gia. Nghĩa là, khi có nhiều lựa chọn, nơi nào hấp dẫn hơn thì sẽ khiến các nghệ sĩ trẻ mặn mà.

Giám khảo trẻ Lê Trần Hậu Anh tỏ ra tiếc nuối khi ở triển lãm này, sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật đương đại rất ít. Anh chia sẻ, những năm 2010, hầu hết dự án video art của các nghệ sĩ trẻ đều có sự hỗ trợ của quỹ văn hóa nước ngoài, những sự kiện nghệ thuật có trình diễn, video art diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi không còn kinh phí hỗ trợ thì những sự kiện có loại hình này cũng ít hẳn đi. Họa sĩ Lê Trần Hậu Anh cũng cho biết, chính học sinh của anh có gửi tác phẩm video art tới tham dự nhưng BTC không có máy móc hiện đại để trình chiếu nên đành phải trả lại. Theo anh, để không còn những tiếc nuối tương tự ở những sân chơi sáng tạo trẻ sau này, cần có nhiều hơn những Mạnh Thường Quân đầu tư cho các nghệ sĩ trẻ và cùng hợp tác với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trong việc tổ chức sân chơi cho đối tượng này. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi phải có cơ chế thích hợp để xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật có đầu tư của Nhà nước.

Festival Mỹ thuật trẻ 2020 có thể nói là kỳ Festival “long đong” nhất về công tác tổ chức. Từng bị hoãn do Covid-19 nên BTC không thuê được phòng trưng bày của Đại học Mỹ thuật Việt Nam mà phải chuyển sang Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, thời gian trưng bày cũng chỉ vỏn vẹn được 8 ngày. “Địa điểm này chưa được như mong muốn của giới mỹ thuật, thời gian cũng không thể dài hơn. Năm nay, do dịch Covid-19 nên chúng tôi càng khó để có thể chủ động về mọi mặt…”, ông Mã Thế Anh chia sẻ. 

 Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nghệ thuật có lúc thăng lúc trầm, vì thế, ông trân trọng tất cả những tác phẩm tham gia triển lãm vì người trẻ có điểm mạnh của riêng họ với kỹ thuật thể hiện tốt và những ý tưởng mạnh bạo. Điều khiến ông lăn tăn là so với những triển lãm trước, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 5 có số lượng tác phẩm ít đi. Các tác phẩm sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art... rất hạn chế. Đây cũng đồng thời là băn khoăn của nhiều khán giả khi đến triển lãm với hy vọng được chiêm ngưỡng những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ mới của nghệ thuật đương đại.

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top