Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Văn hóa phải là hồn cốt của doanh nghiệp

Thứ Tư 07/08/2019 | 09:40 GMT+7

VHO- Phát triển văn hóa doanh nghiệp không chỉ giúp cải thiện bộ mặt của doanh nghiệp, mà đó còn là hình ảnh của quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cónhiều biến động cũng như xu hướng toàn cầu hóa, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp chính là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh và là linh hồn của mỗi doanh nghiệp trong công cuộc đẩy lùi tiêu cực.

 Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển văn hóa doanh nghiệp

 Tại Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động với 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng, bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng do Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp và UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 6.8, đại diện các doanh nghiệp đều nêu bật vai trò của văn hóa doanh nghiệp đồng thời nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp phải gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Linh hồn của thương hiệu

Phát biểu tại diễn đàn, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Đồng quan điểm trên, ông Josep Lee, đại diện Koica Hàn Quốc cho rằng, ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là tương lai phát triển kinh tế. Một công ty cần có cả “phần cứng” và “phần mềm”. “Phần cứng” là tiền đầu tư cơ sở vật chất, còn “phần mềm” chính là sự thể hiện của nhân sự. Mỗi doanh nghiệp là tập hợp của những con người có trình độ, tính cách, văn hóa khác nhau nên văn hóa doanh nghiệp có vai trò định hướng mọi người về cùng một định hướng phát triển lợi ích công ty.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với những doanh nghiệp có chỉ số văn hóa doanh nghiệp thấp, sự hài lòng của khách hàng dành cho những doanh nghiệp đó rất cao. Chính vì vậy, văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn tới sự sống còn của mỗi doanh nghiệp kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tạo lập những doanh nghiệp kiểu mới

Tạo lập môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh cũng chính là cách thức các doanh nghiệp đang làm để chủ động kết nối kinh doanh, tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Theo bà Bùi Nguyễn Phương Châu, Giám đốc truyền thông tập đoàn FPT chia sẻ, sứ mệnh của công ty sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp mở một công ty kinh doanh chỉ để tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường mà quên rằng chúng ta tồn tại để làm gì và phục vụ điều gì. Mỗi doanh nghiệp phải đưa ra được hệ thống giá trị cốt lõi vào ứng dụng thực tiễn để mỗi nhân viên phải tuân thủ, gìn giữ và phát huy liên tục.

Bà Châu cũng cho biết thêm ở FPT, lãnh đạo đóng vai trò làm đầu tàu trong văn hóa doanh nghiệp. Theo đó, lãnh đạo phải thể hiện rõ tinh thần doanh nghiệp, sáng suốt, có tầm nhìn xa và quyết đoán. Đồng thời, chính lãnh đạo cũng sẽ là người thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của doanh nghiệp. Môi trường làm việc cũng phải có tính dân chủ, nhân viên hoàn toàn có quyền được nói ra tâm tư, nguyện vọng của mình và tuyệt đối không có chuyện “đi sếp”. Cũng chính việc tạo lập được một nền văn hóa doanh nghiệp vững mạnh đã giúp cho FPT có được thành công như hiện nay với tổng doanh thu đạt hơn 23 nghìn tỉ đồng.

Có thể thấy văn hóa doanh nghiệp là “hồn cốt” cho sự thịnh vượng của doanh nghiệp. Bên cạnh việc kinh doanh để thu lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng phải đặt câu hỏi, kinh doanh còn với mục đích nào khác? Kinh doanh không chỉ phục vụ cho chủ sở hữu mà kinh doanh còn phải giúp đỡ cho nhân viên và gia đình của họ cũng như tạo sức lan tỏa hình thành môi trường kinh doanh, đề cao đạo đức doanh nghiệp và giúp kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới.

Để văn hóa doanh nghiệp đi vào thực tiễn của Việt Nam, các doanh nhân, doanh nghiệp cần kết hợp đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào văn hóa doanh nghiệp của mình để tăng tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tiến đến hội nhập và để làm được điều này, chúng ta cần học hỏi những quy trình từ nước ngoài. Tuy nhiên dù quy trình như thế nào thì vẫn phải mang bản sắc của văn hóa truyền thống, mang những điểm mạnh của người Việt kết hợp với những tiêu chuẩn thế giới. Có như vậy, doanh nghiệp khi bước đến cánh cửa toàn cầu hóa sẽ rất thành công. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top