Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tuyên án vụ tranh chấp bản quyền Thần đồng đất Việt: Gây tiếng vang lớn

Thứ Tư 20/02/2019 | 10:33 GMT+7

VHO- Ngày 18.2 vừa qua, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ kéo dài 12 năm đối với 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong truyện tranh Thần đồng đất Việt, giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh với phần thắng thuộc về ông Lê Phong Linh. Việc phán xét của tòa cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ đang được thực thi một cách nghiêm túc.

 Thắng kiện do chứng cứ đưa ra phù hợp hơn

Theo vụ kiện này, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Thông qua các tập truyện tranh Thần đồng đất Việt, bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Công ty Phan Thị đã thừa nhận tác giả Lê Linh trực tiếp sáng tác ra các hình tượng nhân vật trên. Đến nay, Công ty Phan Thị không đính chính thông tin này. Theo lời trình bày của bị đơn, các hình ảnh nhân vật đã có sẵn trong đầu của bà Hạnh. Vì bà Hạnh không phải là họa sĩ nên cần người vẽ lại và bà đích thân kèm ông Linh vẽ lại hình tượng bốn nhân vật trên theo hình dung của bà. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng chỉ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện ra bằng một hình thức nhất định mới được pháp luật bảo hộ. Tác giả là người sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Những điều nằm trong suy nghĩ, tồn tại dưới dạng ý tưởng thì không phải là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Trước khi tác phẩm Thần đồng đất Việt xuất hiện thì trên thị trường chưa hề có sự hiện diện của 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Trong nhiều năm liền, trên bìa sách đều thể hiện ông Linh là tác giả của 4 nhân vật này. Bên cạnh đó, chứng cứ các tập truyện ông Linh đưa ra đều phù hợp, khẳng định ông Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt. Trong thời gian đó, bên Phan Thị cũng không hề lên tiếng cải chính về việc họa sĩ Lê Linh không phải là tác giả. Công ty này trả tiền nhuận bút cho ông Linh, đây cũng là điều chứng minh bị đơn thừa nhận vai trò của ông Linh.

Việc bị đơn cho rằng bà Hạnh đã hình dung ra nhân vật Thần đồng đất Việt trong suy nghĩ, nhờ ông Lê Linh vẽ lại, điều này không có cơ sở. Từ những lập luận này, HĐXX nhận thấy ngoài ông Lê Linh thì không còn bất kỳ ai tham gia vào quá trình sáng tạo ra tác phẩm Thần đồng đất Việt. Bị đơn cho rằng ông Linh ký tên vào văn bản đăng ký ở Cục Bản quyền thừa nhận cả hai là đồng tác giả, HĐXX cho rằng, văn bản trên có chữ ký của cả 2 bên đề nghị Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu cho Công ty Phan Thị; văn bản có chữ ký của cả ông Linh và bà Hạnh, không có nội dung ghi ai là tác giả hay đồng tác giả mà chỉ ghi chủ sở hữu là của Phan Thị…

Với yêu cầu của Lê Linh buộc Phan Thị chấm dứt quyền tạo ra các biến thể khác, xét trong quá trình giải quyết vụ án, 2 bên đều thừa nhận Phan Thị tạo ra các tập truyện sau dựa vào 4 hình tượng do ông Linh sáng tạo; việc sáng tạo từ tập 79 trở về sau là việc làm tác phẩm phái sinh. Xét thấy Phan Thị là chủ sở hữu 4 hình tượng Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo nên có quyền làm tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên bị đơn lại không có quyền cắt xét tác phẩm, làm các hành động gây phương hại đến uy tín tác giả. Đối chiếu quy định của pháp luật, việc Phan Thị tiếp tục sáng tác các tập truyện (từ tập 79) là hành vi sửa chữa tác phẩm, không được sự đồng ý của tác giả. Ngay cả khi ông Linh là đồng tác giả thì việc làm này là xâm phạm quyền nhân thân… Từ những điều này, HĐXX tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau; buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp trên 2 tờ báo; buộc Phan Thị phải thanh toán chi phí 15 triệu đồng chi phí luật sư cho ông Lê Linh.

Sau phiên tòa, đại diện bị đơn là ông Nguyễn Vân Nam cho biết phía bị đơn sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm này.

Các vụ kiện tụng phần lớn thiếu cơ sở pháp lý

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, xưa nay việc vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan xảy ra quá nhiều, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, phần nhiều do thiếu cơ sở pháp lý giữa các đối tác khi làm việc với nhau, lúc làm việc thì thiếu thỏa thuận, hợp đồng rõ ràng, đến khi xảy ra chuyện thì thiếu cơ sở pháp lý. Việc phán quyết của HĐXX trong vụ kiện lần này nhằm tránh tạo ra tiền lệ, sau này các bên khi làm việc với nhau cần cụ thể hóa các hợp đồng, văn bản pháp lý liên quan, tránh việc “nhùng nhằng”, thiếu minh bạch dễ xảy ra kiện tụng, tranh chấp, đồng thời qua đây sẽ giảm dần các vụ việc vi phạm bản quyền trong thời gian tới. Theo nhà văn Phong Điệp, muốn việc bảo vệ quyền lợi cho các tác giả cũng như làm lành mạnh môi trường văn hóa nghệ thuật ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, thì vấn đề bản quyền cần phải được tôn trọng, phải xây dựng ý thức của cả cộng đồng, của từng nghệ sĩ, cá nhân… Nhà văn Phong Điệp cho rằng; “Thực tế hiện nay, ở rất nhiều lĩnh vực, vi phạm bản quyền, đạo ý tưởng của nhau vẫn diễn ra hết sức bình thường. Vì thế, dưới góc độ của một người sáng tác, một công dân, tôi nghĩ vấn đề bản quyền cần thiết phải được minh bạch. Tôi biết, bất kỳ người sáng tác nào hay văn nghệ sĩ nào cũng đều muốn bản quyền của mình được bảo vệ, nhưng thông qua những vụ kiện bản quyền thời gian qua khiến cho nhiều nghệ sĩ cảm thấy nản vì việc phải mất qua nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vào việc kiện tụng, đấu tranh. Văn nghệ sĩ họ sống theo cảm xúc và điều này đã làm cho họ mệt mỏi, không sáng tác được nữa nên phải buông tay. Do đó, tôi thiết nghĩ, ngoài việc các nghệ sĩ phải tự bảo vệ bản quyền của mình thì cần phải có những cơ quan, tổ chức chuyên sâu trong từng lĩnh vực đứng ra hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo, giữ được sự lành mạnh trong môi trường sáng tạo”.

Nhà văn Nguyễn Quang Hưng cũng cho hay, việc HĐXX phán quyết họa sĩ Lê Linh thắng kiện đã thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật trong việc bảo vệ bản quyền cũng như bảo vệ quyền lợi cho những người trực tiếp sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Không chỉ có vậy, đây còn là một tín hiệu tốt, sự khích lệ, cổ vũ những người sáng tạo phải luôn kiên định bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bởi lâu nay các nghệ sĩ, tác giả vẫn hay dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, tặc lưỡi cho qua hoặc nếu có thì nhận lời xin lỗi là xong, mặc dù những vi phạm này đúng nghĩa là phải đưa ra pháp luật để xử lý triệt để. Sự việc của họa sĩ Lê Linh giống như một sự nhắc nhở đối với các đơn vị sử dụng các tác phẩm nghệ thuật. Phải có ý thức tôn trọng sản phẩm và những người sáng tạo ra sản phẩm đó, thực hiện vấn đề bản quyền một cách nghiêm minh, bình đẳng trước pháp luật.

Chia sẻ ý kiến liên quan đến vụ kiện, họa sĩ Khánh Dương nói rằng, thông qua sự việc của họa sĩ Lê Linh, thấy rằng, trước khi kết hợp làm việc cùng nhau, các bên phải có một sự thống nhất nhất định. “Bản thân khi bắt đầu làm một tác phẩm, tôi luôn cố gắng trao đổi với anh em họa sĩ để cùng nhau đưa ra một hợp đồng hay thỏa thuận nào đó phù hợp và thoải mái nhất. Phải thừa nhận, ở Việt Nam các anh chị em nghệ sĩ đôi khi chỉ mong muốn được sáng tác còn nếu gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến bản quyền, kiện tụng còn rất ngần ngại hay không biết phải phải làm thế nào dù muốn theo đến cùng sự việc. Trong vụ việc đấu tranh đòi lại quyền sở hữu tác phẩm của họa sĩ Lê Linh vừa qua cho thấy, cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết sự việc một cách hợp tình, hợp lý và các anh em nghệ sĩ đều cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, để làm được việc này, họa sĩ Lê Linh phải rất quyết tâm, đồng thời có sự hỗ trợ, động viên của nhiều người”, họa sĩ Khánh Hưng nói. Ông cũng chia sẻ thêm, nghệ sĩ họ luôn muốn dành 100% thời gian cho sáng tác nên việc phải bỏ thời gian, công sức đi đấu tranh, kiện tụng sẽ rất ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Vì thế, muốn làm tốt vấn đề này cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các đơn vị, cơ quan chức năng, chứ nếu anh em nghệ sĩ vừa phải chuyên tâm làm công việc sáng tác lại vừa phải lo đi tranh đấu, kiện tụng một mình thì thực sự rất khó khăn nên ai cũng ngại. 

  Vụ kiện này đã gây được tiếng vang lớn trong xã hội, đặc biệt là trong giới luật sư và những nhà sáng tạo văn học nghệ thuật, cho thấy các vi phạm về bản quyền, về quyền sở hữu trí tuệ cần phải được quan tâm nhiều hơn. Vụ việc dù chưa phải kết thúc nhưng tuyên án của HĐXX đã cho thấy có nhiều vấn đề cần suy ngẫm.

Người ta hay nói những nước mới phát triển như Việt Nam chẳng hạn, thì việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ luôn luôn chậm, từ vụ án này cho thấy, tuy có chậm - kéo dài đến 12 năm nhưng cũng đã xét xử một cách khá thỏa đáng, trên cơ sở quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, qua đây cũng cho thấy, để thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và các luật có liên quan, mỗi thành viên trong xã hội cần phải được giáo dục nhiều hơn để tránh những hành vi trộm cắp, vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ như trong thời gian vừa qua, đó là lòng tự trọng, là văn hóa đạo đức của mỗi con người.

(Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

 THUỲ TRANG - NGỌC NHIÊN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top