Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xuân với cô Thoa ở điểm bản Nậm Pan

Thứ Năm 07/02/2019 | 00:00 GMT+7

VHO- Mường Nhé - mảnh đất ở cực Tây Tổ quốc xa diệu vợi, với nhiều người chỉ nhắc tên thôi đã thấy xa lắm rồi! Vậy mà bao ngày qua trên miền biên giới ấy, lớp lớp giáo viên vẫn cùng nhau bám bản, bám trường, gieo cái chữ cho học sinh thân yêu. Thanh xuân của các thầy cô gắn trọn trên biên giới. Và mỗi khi tết đến xuân về họ lại cười và động viên nhau “mùa xuân biên giới có chúng mình”…

Cô giáo Đào Thị Thoa, uốn từng nét chữ cho các em học sinh ở điểm bản Nậm Pan 2

Chiều ngày làm việc cuối cùng của tháng 1 (đã là 27 Tết), ghé thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Huổi Lếch ở xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tôi vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt thấy cảnh quang, không gian nơi này. Trên sân trường, hoa đào hoa mận đua nhau nở dưới nắng vàng rực rỡ; các thầy cô giáo cùng các em học sinh thì hối hả thu dọn sách vở, đồ dùng học tập trước kỳ nghỉ dài. Những lời chào tạm biệt, lời chúc năm mới rộn vang cả sân trường.

Khác mọi người và khác cả chúng tôi, cô giáo có cái tên thật đẹp là Đào Thị Thoa lại chào mọi người rồi ngược dốc theo con đường dẫn về bản Nậm Pan 2, cách điểm trường trung tâm vài cây số. Thấy lạ tôi bèn hỏi mấy thầy cô giáo thì mới biết, năm nay cô Thoa ở lại đón Tết cùng học sinh và bà con dân bản. Chia tay mọi người xong cô Thoa trở về điểm bản ngay vì học sinh đang chờ cô.

Theo con đường mòn vắt ngang ngọn núi, tôi đến được lớp học của cô Thoa ở điểm trường Nậm Pan 2 sau gần một giờ đánh vật cùng chiếc xe. Từ xa nhìn về căn nhà cấp bốn ở ngọn đồi đầu bản, tôi thấy rõ dáng cô Thoa đang thoăn thoắt dọn đồ.

Trong căn phòng chừng hai chục mét vuông lợp tôn thưng ván, bàn ghế được kê ngăn nắp, gọn gàng. Đưa tay chỉ về từng góc học tập, cô Thoa giới thiệu với chúng tôi: Điểm trường Nậm Pan 2 có hai cấp: mầm non và tiểu học. Cấp tiểu học có một lớp ghép trình độ 1+2 (lớp 1 và lớp 2) do cô Thoa giảng dạy. Lớp của cô Thoa có 10 học sinh. Theo lịch giảng dạy của Ban giám hiệu, sáng nay là buổi học cuối cùng nhưng vì họp xong phải về trường trung tâm tổng kết, chia tay mọi người nên bây giờ cô mới thu dọn. Thương cô giáo một mình, mấy học sinh lớp 2 cũng cõng em đến dọn cùng cô. Nhìn cảnh mấy cô trò bưng bê, lau dọn từng ngăn bàn khay nước trong buổi chiều mà người người đoàn viên sum họp, trong tôi trào dâng niềm thương cảm thật khó nói thành lời. Miên man tôi tự hỏi, xuân này, cô mong ước gì không?

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm, cô Thoa thoáng suy tư khi kể chuyện của mình. Cô sinh ra ở Hưng Yên, lớn lên ở Lai Châu (nay là Điện Biên), năm 2003 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cô đã tình nguyện về biên giới công tác từ ngày đó. “Cùng nhận công tác với em dịp ấy, có 26 giáo viên đi bộ gần 100km từ Chà Cang (trung tâm huyện lỵ) vào đến trường Mường Toong 2. Bọn em đi bộ mất một tuần nên cả tháng sau không nhấc được chân lên vì cơ bị căng cứng”- cô Thoa kể.

Thời gian đầu, như nhiều thầy cô khác, cô Thoa bỡ ngỡ và nhiều khi… nản lắm. Đường sá xa xôi, đi lại khó khăn lại cắm rịt ở bản nên nhiều khi mấy tháng trời không gặp một người… Kinh. Người thân ở xa, bà con nhân dân ở gần mà không biết tiếng, nhiều khi cô chỉ thèm được nghe tiếng phổ thông mà không được. Tối đến, chỉ có ánh đèn dầu leo lét, sóng điện thoại không, đêm trên biên giới như dài hơn nơi khác khiến nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ thầy cô trong trái tim người cắm bản như cô Thoa cứ ngày lại đầy thêm.

Thế rồi thời gian trôi cuốn cùng bao nỗi nhớ. Ngày lại ngày nhìn ánh mắt nụ cười và chứng kiến cảnh nghèo khó của học trò thì tình yêu nghề trong cô giáo Thoa cứ lớn dần lên. Nhìn về tương lai về tháng ngày phía trước, cô Thoa luôn tự nhủ, sẽ mãi gắn bó với nơi này, sẽ đem hết vốn tri thức mình có để truyền dạy cho đàn em khôn lớn trưởng thành. Trong ước mơ, cô hằng mong học sinh vùng cao biên giới sẽ không chỉ biết biên giới, mà bước chân các em sẽ vững vàng in dấu trên các vùng đất xa.

Nói về việc dạy và học những tháng ngày qua, cô Thoa tâm sự: còn nhiều khó khăn lắm. Vì là lớp ghép nên khi cô giảng lớp 1 thì học sinh lớp 2 nghe, nhiều em không tập trung học được. Với học sinh lớp 1 chưa sõi tiếng phổ thông thì cô phải giảng đi giảng lại nhiều lần các em mới hiểu. Vào mùa nương rẫy, bố mẹ các em đi nương cả tuần thì cô còn kiêm cả việc nấu ăn, tắm giặt cho các em. Cứ như thế hết tháng này sang tháng khác, hết năm này qua năm khác cô Thoa làm bạn với phấn trắng bảng đen và gắn bó với nơi này mà chẳng đếm thời gian. Chỉ những khi xuân về nghe lời chúc “năm mới sức khỏe” cô mới giật mình và bấm đốt ngón tay. 16 năm qua và 16 năm cô đứng lớp trên điểm bản ở vùng cao biên giới, dẫu không nhiều song cô cũng nhận thấy phần nào đổi thay trên biên giới sau mỗi mùa thắm sắc hoa xuân. Và cô tự nhủ, cô thuộc về nơi này - nơi có học trò nghèo với khao khát đổi thay.

Chia tay cô Thoa và các em nhỏ ở điểm bản Nậm Pan 2 trong chiều biên giới tím đẫm, tôi trở về và nhớ mãi những bàn tay nhỏ xíu vẫy chào. Và hôm nay khi ngồi viết bài trong không khí xuân rộn rã thì tâm hồn tôi lại gửi về chiều biên giới Nậm Pan. Nơi ấy, bao xuân qua có cô giáo Đào Thị Thoa và bao thầy cô vẫn hát “Mùa xuân ai đi hái hoa, còn em đi nuôi dạy trẻ…” với một tình yêu tha thiết dạt dào…

Theo LÊ LAN/Nhân dân

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top