Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu Việt đi tìm người xem...đã mất

Thứ Ba 05/02/2019 | 11:32 GMT+7

VHO- Có thể nói chưa bao giờ sân khấu hiện đại Việt Nam lại hao tổn tâm sức, nhọc nhằn tìm mọi phương cách, chiêu trò, nhằm tìm lại người xem đã mất như bây giờ. Không thể không đau lòng khi đối diện cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” ở các rạp hát.Sân khấu khủng hoảng người xem đã thật nhãn tiền. Vì sao lại ra nông nỗi này và làm cách nào lấy lại người xem đã mất?

Sân khấu Việt từng được người xem coi là thánh đường

Rất tiếc, việc thiết lập và tồn tại một quan hệ cộng sinh, cộng hưởng đẹp đẽ giữa sân khấu và người xem Việt hiện đại, từng có thời coi sân khấu là thánh đường này, về cơ bản đã bị phá vỡ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Vào thời điểm ấy, khi sân khấu lớn là những vở diễn được đầu tư bằng tiền nhà nước, được bao cấp hoàn toàn đã bị dứt khỏi bầu sữa nhà nước hoặc toàn phần hoặc không toàn phần, để bước vào thời kinh tế thị trường thì chính là lúc sân khấu lớn này đã bị lao đao, chao đảo và bỡ ngỡ trước tình thế mới.

Sân khấu lớn kiểu bao cấp này đã không thích ứng ngay được với sự chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Vậy nên, một cuộc khủng hoảng lớn về người xem đã diễn ra, dẫn đến cuộc khủng hoảng của sân khấu lớn. Chính vì thế, sự ra đời và lên ngôi của hình thái sân khấu nhỏ trong thập kỷ cuối thế kỷ XX đã trở thành một giải pháp tình thế. Và sân khấu nhỏ, với hình thái gọn nhẹ, nhỏ xinh của mình đã thích ứng với tình thế, để thành giải pháp cơ bản và sáng giá, đặng lấy lại người xem đã mất, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Sự xuất hiện đúng lúc và kịp thời của sân khấu nhỏ, vào chính thời điểm sân khấu lớn đang rơi vào tình trạng đau ốm, khủng hoảng người xem, đến mức, chưa bao giờ sân khấu vắng người xem đến thế, và cũng chưa bao giờ cái mạch đập kịch trường hằng đêm, vốn là mạch đập của sự sống sân khấu đã bị đứt đoạn trong một thời gian dài đến thế, kể từ sau hội diễn sân khấu toàn quốc 1990.

Để cứu nguy cho sân khấu, không ngẫu nhiên hình thái sân khấu nhỏ đã xuất hiện đầu tiên ở TP.HCM như một khởi đầu năng động, với thành công liên tiếp… Tất nhiên, sân khấu nhỏ không phải là sân khấu lớn, nó vốn nhỏ về đầu tư, về kỹ thuật, về cả số lượng người xem và chủ yếu dùng để thử nghiệm. Nên hình thái này hoàn toàn thích hợp với thời điểm mà chính nó đã ra đời, như một giải pháp tình thế mà khả thi cho sự vãn hồi mạch đập kịch trường và tìm lại khán giả đã mất của một thời vàng son sân khấu…

Sau hàng thập kỷ vắt từ cuối thế kỷ XX sang đầu XXI, sân khấu nhỏ đã là một hình thái biết tự vượt lên chính mình, với sự thử nghiệm, nghiệm sinh cho sân khấu lớn quay lại, đã chính thức hội nhập vào sự phát triển của sân khấu Việt hiện đại trong một thời tiết sân khấu bất thường, thích ứng nhanh với khẩu vị thẩm mỹ mới của công chúng đô thị thời kinh tế thị trường.

Song, khi đã làm trọn sứ mệnh của mình, theo quy luật phát triển, sân khấu nhỏ đương nhiên phải nhường chỗ cho một hình thái khác phù hợp hơn với thời tiết sân khấu mới, đó là hình thái mới “sân khấu xã hội hóa”, được khởi đầu mạnh mẽ, có hiệu ứng tốt, trước hết là với công chúng TP.HCM. Đó là biện pháp mới của sân khấu đô thị Hồ Chí Minh, muốn tự thân đổi mới để đi tìm khán giả, bằng cách tự đứng ra tổ chức đơn vị sân khấu tư nhân, hoàn toàn không trông chờ vào bao cấp của Nhà nước, trên một tinh thần lành mạnh “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vì thế sân khấu TP.HCM trong thập niên đầu thế kỷ XXI đã được xã hội hóa rộng rãi và đã thành sân khấu sáng đèn hằng đêm, không bị đứt mạch kịch trường, nhất là vở diễn thể loại kịch. Tuy nhiên, có một điều oái oăm xảy ra, vì muốn giữ mạch đập kịch trường hằng đêm, đêm nào cũng có vở diễn cho khán giả thưởng thức nên các đơn vị sân khấu xã hội hóa không thể tham dự các Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc của thế kỷ XXI. Các nghệ sĩ kịch của sân khấu này vì vậy phải chịu thiệt thòi, không có huy chương vàng, bạc để xét tặng danh hiệu.

Vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”

Ai sẽ là người cứu sân khấu hôm nay khỏi cuộc khủng hoảng người xem?

Sẽ thật thú vị khi nhìn sang sân cỏ, để thấy nhân vật giải cứu nền bóng đá Việt, tạo nên thành công chưa từng có của lịch sử bóng đá Việt Nam hôm nay là ông Park Hang Seo, huấn luyện viên người Hàn Quốc. Nhân vật này khi cứu nguy cho sân cỏ của bóng đá Việt đã hoàn toàn mang mẫu số chung với nhân vật quan trọng nhất cho việc cứu nguy sân khấu Việt hôm nay, đó là đạo diễn sân khấu.

Quay lại nhìn sân khấu của hai trung tâm sân khấu lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, có thể thấy rằng, sở dĩ người xem, nhất là khán giả trẻ trở lại với sân khấu Hà Nội năm 2017, 2018 là nhờ những đạo diễn đã làm mới hình thái vở diễn thể loại kịch, đặng làm “khoái khẩu” thẩm mỹ khán giả Hà Nội. Đó là Nguyễn Phi Phi Anh, Trần Lực và Sĩ Tiến, với các vở diễn rộn ràng người xem: Chùm nhạc kịch 3 vở: Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối Hạnh phúc không xa của Nguyễn Phi Phi Anh, diễn tại Trung tâm văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền suốt 35 đêm đỏ đèn, trai xinh gái lịch Hà thành tíu tít đi xem, đêm nào cũng đầy ắp người xem, đến cháy vé. Đạo diễn Trần Lực với vở Quẫn Cơn ghen của Lọ Lem gây sóng gió mới cho người thưởng thức, và đạo diễn Sĩ Tiến với xử lý không gian sân khấu đẹp lạ, bắt mắt, khi duyên dáng kể chuyện Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ trên sân khấu NH Tuổi Trẻ,

Và ở sân khấu TP Hồ Chí Minh, với vở kịch Yêu là thoát tội của đạo diễn trẻ Cao Đức Xuân Hồng; Tổ quốc nơi cuối con đường của đạo diễn Lê Nguyên Đạt và Tiếng giày đêm của đạo diễn Trần Minh Ngọc... Rồi sự vững vàng tồn tại, vượt qua sóng gió của sân khấu kịch IDECAP, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B đã gây nhiều phấn hứng cho người xem thành phố, vốn đã yêu mến và nhiều nặng lòng với nền kịch nghệ phóng khoáng và năng động của chính thành phố mình. Trong thời gian cuối năm 2018, Sân khấu của NSND Lệ Ngọc, từ Hà Nội du Nam và Nhà hát Kịch Thế Giới Trẻ của NSƯT Hoàng Yến, Trường ĐH SK&ĐA TP HCM, đã chẳng ngại xông pha biểu diễn ở các trường đại học tại TP.HCM và đã chiếm được lòng yêu mến, ngưỡng mộ của một tầng lớp khán giả trẻ rất đặc biệt, đó là công chúng sinh viên. Có lẽ phải khuyến khích và ủng hộ tối đa cái hướng đi tìm và cái cách đã tìm tầng lớp khán giả đặc biệt trẻ trung đầy nhiệt huyết này!

Và có lẽ, sân khấu Việt hiện đại vẫn phải miệt mài và nỗ lực đi tìm người xem đã mất, và cần nuôi hy vọng lớn về cuộc tìm kiếm này, bởi đã có công đi tìm người xem thì tất có ngày gặp mặt. Mà đã có vở diễn hay thì “hữu xạ tự nhiên hương” người xem sẽ tấp nập đến mua vé, khán phòng sẽ lặng yên bị cuốn theo vở diễn, không cách gì cưỡng chống.

Và sân khấu Việt hiện đại sẽ lại thành thánh đường, đúng như sân khấu Việt đã từng, trong thời hoàng kim của chính mình…

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top