Đại biểu Quốc hội: Cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa

VHO- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 24.10, thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của ngành Văn hóa đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời đề nghị cần chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội: Cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa - Anh 1

 Phiên thảo luận tại Tổ sáng 24.10 Ảnh: Q.H

 Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp tại tổ 3, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa và đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn suy thoái về đạo đức lối sống, chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cùng với đó, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn. Theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.

Phát biểu thảo luận tại tổ 16, các đại biểu đề xuất cần chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ lĩnh vực văn hóa; khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội.

Đề cập thêm nội dung này, đại biểu Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa thực sự chú trọng đến xây dựng văn hóa, chiều sâu văn hóa; chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục chưa được bảo vệ tốt, còn có sự lệch chuẩn trong đạo đức xã hội.

Đại biểu Quốc hội: Cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa - Anh 2

Đại biểu NGUYỄN THỊ SỬU, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

 Phải nói rằng những thành công, kết quả mà ngành VHTTDL đạt được trước hết dựa trên cơ sở là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Cùng với đó là sự điều hành với quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc của Bộ trưởng, các lãnh đạo Bộ VHTTDL và sự nghiêm túc trong thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, phạm vi quyền hạn được phân công của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL. Những thành tích mà ngành đạt được trong thời gian qua là đáng để ghi nhận.

Điều khiến chúng tôi hài lòng nữa là sự chuyển dịch từ tư duy, nhận thức đến hành động về văn hóa, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Văn hóa đã dần được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Nhận thức của giới trẻ về văn hóa và truyền thống cũng đã được nâng lên… Về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chủ trương của Đảng mà trực tiếp ở đây là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chấn hưng văn hóa và muốn chấn hưng văn hóa tốt thì phải có sự đồng lòng từ trên xuống dưới; từ trong ra ngoài; dọc, ngang thông suốt, tất cả các chiều phải hội tụ ở một điểm chung để phát huy tính nhân văn, tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Việc chấn hưng văn hóa sâu sắc nhất, giá trị nhất, bền vững nhất chính là chấn chỉnh bằng tư tưởng, bằng tư duy, lời nói để chuyển dịch hành động.

Đề án về Chương trình này đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để chấn hưng văn hóa. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của Quốc hội, Chính phủ là sớm khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa; bảo tồn phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, chấn chỉnh các hiện tượng lệch chuẩn về văn hóa...

(Đại biểu NGUYỄN THỊ SỬU, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế)

Tại tổ 2, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, chấn hưng văn hóa trước hết cần giáo dục trẻ em ngay từ ban đầu, mỗi gia đình phải trở thành gia đình văn hóa, bố mẹ phải là tấm gương mẫu mực cho con em để các em được phát triển và trưởng thành trên nền văn hóa tốt. Nếu mỗi công dân có văn hóa tốt thì đất nước sẽ ổn định, phát triển. Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Minh Đức, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần tìm đúng nguyên nhân vì sao cái xấu, cái ác đang lan rộng và ngày càng trẻ hóa, nhất là những nơi lẽ ra cái xấu phải cực thấp…, qua đó để hoàn thiện xây dựng pháp luật và đấu tranh chống lại cái xấu. Bạo lực học đường cũng là vấn đề đáng lo ngại, do đó cần tìm nguyên nhân sâu xa. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nguyên nhân có thể là do kinh tế. “Vì sao GDP trên đầu người tăng ngoạn mục như thế mà tội phạm lại gia tăng nhiều?”, đại biểu băn khoăn.

Tương tự, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, ba trụ cột quan trọng là kinh tế - văn hóa - môi trường. Hội nghị Trung ương 8 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã đề cập rất nhiều đến lĩnh vực văn hóa. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã khẳng định “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Trong Kết luận 76/ KL/TW của Bộ Chính trị ngày 4.6.2020 cũng đề cập đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Do đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần sớm thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung quan trọng này. 

 Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, hôm nay 25.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trước đó vào chiều 24.10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử và thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

 Lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến

Chiều cùng ngày, báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cần chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Trước đó, sáng 23.10, thẩm tra nội dung về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, “lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

 TÙNG QUANG - VÂN SA

Ý kiến bạn đọc