Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam

VHO – Sáng 10.4 tại Hà Nội, Viện Phim Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo khoa học Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Giá trị nghệ thuật, lưu trữ, khai thác và phổ biến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ Sự vận động của nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ sau năm 1975.

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 1

TS. Ngô Đặng Trà My, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, chủ nhiệm đề tài

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà cho biết, phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam đã trở thành “di sản” cần được phát huy các giá trị. Do đó, hội thảo được tổ chức với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, giúp lan toả những giá trị lịch sử, nghệ thuật của phim truyện đề tài chiến tranh lịch sử. 

Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ là cơ sở để các bên liên quan tham khảo, phục vụ công tác tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, giúp phim đề tài chiến tranh lịch sử của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói riêng và điện ảnh cách mạng Việt Nam nói chung phát triển.

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 2

Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng theo bà Lê Thị Hà, Hội thảo diễn ra với 4 nội dung chính gồm Giá trị nghệ thuật, những đóng góp, thành công và hạn chế của phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ của điện ảnh Việt Nam; Tình trạng lưu trữ, bảo quản tư liệu hình ảnh động, trong đó có khối lượng lớn tác phẩm phim truyện đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam tại các đơn vị lưu trữ trên cả nước; Thực trạng khai thác, phổ biến phim truyện đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam qua hình thức truyền thống và trên không gian mạng: Những đề xuất, giải pháp, kiến nghị; Đề xuất hệ thống giải pháp phát triển phim truyện điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh, góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 3

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thế Hùng phát biểu 

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định, trong tiến trình hình thành và phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đề tài chiến tranh đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các nghệ sĩ điện ảnh khai thác những nội dung phong phú, đa dạng qua rất nhiều bộ phim truyện Việt Nam nổi tiếng. 

Gắn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, những thước phim tài liệu đã ghi lại trực tiếp những trận chiến đấu một mất một. Đồng thời, trở thành chất liệu sinh động, khơi nguồn cảm hứng cho muôn vàn những ý tưởng được ấp ủ, thai nghén cho những tác phẩm phim truyện điện ảnh sau này.

GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, đề tài chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn, xuyên suốt một dòng chảy liên tục trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, trong thời gian chiến tranh và sau chiến tranh. 

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 4

Nguyên Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Hoàng Như Yến

Đề tài chiến tranh là một chuyện dài. Nhìn lại, những tác phẩm làm về đề tài chiến tranh Việt Nam đã giúp tạo ra những giá trị tinh thần, nội lực và cả bài học cho điện ảnh dân tộc phát triển trên chặng đường sắp tới.

Song song với những giá trị mang lại, phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam đang đứng trước những  thách thức không nhỏ. PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho hay, ngày nay với nền kinh tế thị trường, khi các hãng phim tư nhân được tham gia hoạt động sản xuất phim thì phim truyện chiến tranh lại không phải sự lựa chọn số một với các nhà đầu tư.

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 5

GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

Do thể loại phim truyện chiến tranh bị cho là kén khách, đòi hỏi mức đầu tư tốn kém mà khả năng thu hồi vốn lại rất khó khăn. Vô hình trung, hoạt động sản xuất phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước. Do đó, rất cần những giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư cho dòng phim này.

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 6

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam

Nhà báo Ngô Minh Nguyệt, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá nghệ thuật cho hay, mảng phim về đề tài chiến tranh khó huy động nguồn vốn xã hội hoá do đặc trưng về chủ đề, sự kén khách nên Nhà nước cần bố trí nguồn ngân sách cho mảng đề tài này. 

Việc bố trí ngân sách có thể xem xét ở nhiều mức độ từ bao cấp toàn bộ đến đầu tư một phần hoặc bao cấp, trợ giá bao nhiêu phần trăm kinh phí sản xuất, phát hành. Việc cấp kinh phí cũng cần có sự tính toán hợp lý của bộ phận thẩm định dựa trên nội dung kịch bản, bối cảnh đặc thù hay độ khó của các cảnh kỹ xảo, mức độ thu hút, sự tham gia của các nhà đầu tư cho mỗi dự án cụ thể…

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 7

TS. Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thế Hùng đánh giá, các ý kiến tại hội thảo đều hướng đến mong muốn điện ảnh Việt Nam sẽ có sự phát triển, tạo ra những tác phẩm chất lượng trong bối cảnh đang thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao về văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, hội thảo đã có sự đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam và phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Hùng, điện ảnh Việt Nam cần có những giải pháp để phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Phát huy giá trị di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam - Anh 8

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh những vấn đề tại hội thảo, một trong những vấn đề ông Nguyễn Thế Hùng mong muốn các bên tiếp tục nghiên cứu là đào tạo nhân lực cho điện ảnh Việt Nam. Ngoài đào tạo diễn viên, đạo diễn, đào tạo lý luận, phê bình điện ảnh dường như đang có sự “đứt quãng”. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm và sớm đưa ra giải pháp khắc phục.

ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc