Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Hậu phương và tiền tuyến”

NGUYỄN LINH

VHO - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2024), tối 6.5, tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa), Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) đã tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hậu phương và Tiền tuyến”.

 Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hậu phương và tiền tuyến” đã tái hiện về vùng đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng, được dàn dựng công phu, rực rỡ sắc màu, không gian nghệ thuật lắng đọng.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Hậu phương và tiền tuyến” - ảnh 1
  Chương trình nghệ thuật “Hậu phương và tiền tuyến” với hoạt cảnh “Giải phóng Điện Biên”

Với các tiết mục hát múa, hoạt cảnh như: Đi cấy, Hò sông Mã, Hò kéo phá, Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên, Chào sông Mã anh hùng, Cô gái mở đường, Hát mừng các cụ dân quân, Người chiến sĩ ấy, Bước chân trên dải Trường Sơn...

Đồng thời, trong suốt dặm dài lịch sử, Thanh Hóa đã thực hiện tốt vai trò hậu phương lớn cho tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Đó là chặng đường 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa đã đóng góp sức người, sức của để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và 20 năm sau là công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để có được hòa bình và đất nước vững mạnh như hôm nay, nhiều người con Thanh Hóa đã anh dũng chiến đấu, hy sinh máu xương và mãi mãi nằm lại trên các chiến trường.

Từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân xứ Thanh đã thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, với ý chí: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trong những năm tháng kháng chiến, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa từng đùm bọc, chở che cán bộ, các cơ quan Trung ương, Nhân dân các địa phương bị địch chiếm đóng tản cư và thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”.

Trên các nẻo đường chiến dịch, nhiều tấm gương các Anh hùng, liệt sĩ Trần Ðức, Lê Công Khai, Trương Công Man, Tô Vĩnh Diện... và nhiều dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa đã ngã xuống để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

Những đóng góp và hy sinh của người dân xứ Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó...”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, nhưng Nhân dân hai miền Nam - Bắc vẫn sống trong cảnh chia cắt. Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, Nhân dân cả nước cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với địa thế là cầu nối giữa Bắc bộ và Trung bộ, Thanh Hóa trở thành huyết mạch giao thông quan trọng của miền Bắc. Cùng với quân, dân cả nước, quân và dân Thanh Hóa lại bước vào một trận chiến khác - trận chiến chống đế quốc Mỹ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, hậu phương lớn Thanh Hóa đã hăng hái thi đua sản xuất, chi viện hàng hóa cho chiến trường miền Nam.

Các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom” đã lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh, tạo nên khí thế hừng hực, hào hùng từ hậu phương ra tiền tuyến.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Hậu phương và tiền tuyến” - ảnh 2

Lắng động chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hậu phương và tiền tuyến”

Trong suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ đó, trên khắp các chiến trường, ở đâu cũng có sự đóng góp lớn lao và sự hy sinh quả cảm của những người con xứ Thanh.

Không chỉ giữ vai trò hậu phương lớn cho tiền tuyến, Thanh Hóa còn là tuyến lửa vững chắc bảo vệ vùng trời miền Bắc trong “Chiến tranh phá hoại miền Bắc” của không quân Mỹ.

Điển hình là trận chiến bảo vệ Cầu Hàm Rồng trong những ngày tháng Tư năm 1965. Cũng trong những năm tháng ấy, bao lớp thanh niên của Thanh Hóa đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với ý chí, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để non sông liền một dải, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hậu phương và tiền tuyến” nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn với các Anh hùng liệt sĩ và các thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng một phần xương máu cho Tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân không ngừng thi đua lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc