Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

19 Tháng Ba 2024

Rực rỡ Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019

Thứ Hai 07/10/2019 | 10:55 GMT+7

VHO- Chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 6.10, tại tượng đài Cảm tử, Liên hoan Múa rồng Hà Nội đã diễn ra rực rỡ và sôi động với sự tham gia của 15 quận, huyện có đội rồng mạnh.

Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019 mang đến những phần biểu diễn chất lượng, có sức lôi cuốn đặc biệt tới người xem Ảnh: HS

 Đây là dịp để các đội phô diễn những nét đẹp, kỹ thuật tinh xảo nhất của bộ môn nghệ thuật múa rồng tới công chúng Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước.

Múa rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, các sự kiện đặc biệt quan trọng. Theo Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019 là một trong những sự kiện văn hóa - nghệ thuật lớn, có ý nghĩa đặc biệt trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, đồng thời đánh dấu lần thứ 5 Liên hoan Múa rồng được tổ chức với quy mô lớn, rộng khắp toàn TP Hà Nội. “Liên hoan năm nay góp phần tạo nên một lễ hội văn hóa truyền thống rộn ràng, vui tươi cho đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và du khách nước ngoài với những màn trình diễn ý nghĩa, góp phần giáo dục nâng cao ý thức trân trọng và giữ gìn các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc cho các thế hệ mai sau”, bà Hiền cho biết.

Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội Dương Minh Châu, Liên hoan Múa rồng năm nay có quy mô lớn hơn, nhiều rồng đẹp hơn. Các đội do tập dượt công phu, kỹ càng hơn các năm trước nên chất lượng được nâng lên đáng kể; ngoài những màn biểu diễn chính của các đội múa rồng còn có các điệu múa long, lân, quy, phượng, tạo nên sự phong phú cho nội dung chương trình. “Đây là lần thứ 5 tổ chức nên nhiều đơn vị tham gia múa rồng đã rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình, kịch bản rất công phu, từ việc thiết kế rồng, lân, sư đến thực hiện ý tưởng trình diễn; các màn diễn có nội dung và thông điệp rõ ràng. Điều đó mang đến sức hấp dẫn đặc biệt đối với người xem”, ông Châu nhấn mạnh.

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội rồng đến từ huyện Bắc Từ Liêm; giải Nhì cho đội rồng đến từ các huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Cầu Giấy; giải Ba cho đội rồng đến từ các huyện Hoàng Mai, Đan Phượng, Nam Từ Liêm. Riêng đội rồng đến từ huyện Chương Mỹ được trao thêm giải rồng thiết kế, trang trí đẹp nhất. Quận Cầu Giấy được trao giải sáng tạo nghệ thuật múa xuất sắc nhất.

Để có được màn múa “Tứ quý Hưng Long” xuất sắc nhất, ông Nguyễn Đức Tài, phụ trách đoàn biểu diễn múa rồng của quận Bắc Từ Liêm cho biết, “Tứ quý Hưng Long” là điệu múa lâu đời của các làng xã trong huyện Từ Liêm xưa (nay là quận Bắc Từ Liêm), thường được dùng để phục vụ lễ hội truyền thống và biểu diễn hầu Thánh trong các đình, đền, miếu, phủ… Điệu múa còn có sự kết hợp giữa rồng và lân, gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, xanh tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc. Đây là điệu múa dân gian được người dân trong huyện Từ Liêm xưa sáng tạo và thể hiện một cách nhuần nhuyễn, tinh tế và điêu luyện. Điệu múa không chỉ thể hiện sự ấm no hạnh phúc mà còn thể hiện sự sinh sôi nảy nở, trường tồn của một quốc gia, sức sống vĩnh hằng và sức mạnh phi thường của con người Việt Nam.

Không mang tới đội rồng vải dài nhất tại Việt Nam như những lần biểu diễn trước, đội rồng của huyện Thanh Oai góp mặt tại Liên hoan lần này bằng màn trình diễn ấn tượng của 50 thành viên thuộc 2 xã Dân Hòa và Thanh Mai. Theo Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Nguyễn Hữu Hồng, đội đã dành hơn một tháng tập luyện để có được những pha biểu diễn ăn ý, nhịp nhàng; sự mềm mại, dẻo dai của các thành viên trong đội múa. Đây cũng là dịp để các thành viên giao lưu, học hỏi, cùng nhau xây dựng những chương trình biểu diễn hay hơn nữa.

Trong khi đó, huyện Đông Anh mang đến Liên hoan tác phẩm múa chủ đề “Loa thành cổ kính - Linh khí rồng thiêng” với ý tưởng Loa thành ngàn năm bất tử đã 3 lần là Kinh đô của nước Việt. Mở màn là 5 lá cờ thần múa thay phần lễ để giáo đầu cho cặp rồng xuất hiện và múa. Sự uyển chuyển của rồng để mô phỏng diễn biến không khí và thể hiện sức mạnh và trí tuệ của đại quân Âu Lạc có sự trợ giúp của nỏ thần đã đánh bại quân tướng Triệu Đà sang xâm lược. Màn trình diễn đưa người xem trở về những năm tháng lịch sử hào hùng của cha ông ta hàng nghìn năm trước, như nhắc nhở các thế hệ tinh thần quyết tâm chiến đấu chống giặc, giữ nước.

Đội nghệ thuật lân - sư - rồng Võ đường Thanh Phong quận Ba Đình thể hiện chủ đề “Thăng Long Việt Nam bay lên” kết hợp với màn võ thuật và tiếng trống ầm ầm nổi dậy như linh khí đất trời vang vọng. Các màn múa: Rồng cuốn, ấp, cuộn thể hiện nét mềm mại, duyên dáng luôn mở lòng yêu thương và gắn bó với tất cả bạn bè bốn phương. Rồng lăn, rồng lộn thể hiện sức mạnh mãnh liệt cho ý chí vươn lên trong công cuộc đổi mới. Trong khi đó, đội rồng đến từ huyện Chương Mỹ dàn dựng chương trình múa rồng 3 chương: Việt Nam con cháu Tiên Rồng, Quá trình đấu tranh, phát triển và Những thành tựu nổi bật, kể câu chuyện xuyên suốt từ thuở hồng hoang Lạc Long Quân gặp Âu Cơ đến những thành tựu trên chặng đường phát triển của thủ đô Hà Nội hôm nay. 

 HƯƠNG NGUYỄN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top