Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam

Thứ Tư 08/07/2020 | 21:07 GMT+7

VHO- Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học vừa được Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chiều ngày 8.7, nhằm khẳng định giá trị văn hóa, bản sắc và thương hiệu riêng có của quốc phục áo dài. Trong đó, nhấn mạnh “cái nôi” của Áo dài Việt Nam chính là từ thủ phủ Phú Xuân- Kinh đô Huế.

Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh và tri ân “ông tổ” Áo dài Việt, chúa Nguyễn Phúc Khoát nhân ngày húy kỵ của ông (vào 20.5 âm lịch).

“Cái nôi” của Áo dài Việt Nam

Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc Áo dài được chú trọng, trân quý và trở trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan không gian trưng bày Áo dài truyền thống 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Trang phục Áo dài Việt Nam sản sinh ở kinh thành Phú Xuân-Huế đã dần dần thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam. Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, Áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay, Áo dài Huế vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân. Và chắc rằng, sẽ không có một mẫu Áo dài nào bất biến, càng không có một mẫu Áo dài nào chỉ dánh riêng cho Huế. Có điều, dễ nhận thấy là, đứng trước vô vàn những kiểu Áo dài được biến tấu để phụ nữ Việt Nam chọn lựa, thì hầu như phần đông phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng mà giá trị đã được sàng lọc qua thời gian, những chiếc Áo dài tạo nên nét duyên dáng sinh động riêng có của người phụ nữ Huế.

Tại Hội thảo khoa học "Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam" chiều ngày 8.7

Ở góc độ lịch sử, TS. Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tra cứu khảo sát các nguồn thư tịch ghi chép về trang phục cung đình triều Nguyễn từ năm 1558 đến  năm 1945. Cùng  kết hợp với nghiên cứu về trang phục ở nhiều góc độ khác nhau đã cho thấy có sự thay đổi trang phục qua từng giai đoạn lịch sử; và những dấu ấn đặc biệt nhằm tạo ra bản sắc riêng có của từng vùng miền, bản sắc trang phục riêng cho dân gian và cung đình, đó chính là chiếc Áo dài Việt Nam.

TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng: thời gian qua, một số hội thảo đã tập trung làm rõ, đánh giá về những khía cạnh lịch sử,  xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề nhận diện Huế là cái nôi đã sản sinh, nuôi dưỡng chiếc Áo dài Việt Nam; và Áo dài cũng là một nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Huế vẫn còn bỏ ngõ, chưa nghiên cứu một cách toàn diện.

Nhiều tham luận và ý kiến của các đại biểu tại hội thảo một lần nữa nhấn mạnh giá trị văn hóa riêng có của Áo dài Việt Nam, và hơn hết là vùng đất Cố đô Huế chính là nơi “khởi đầu” cho quốc phục. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay không chỉ là xây dựng thương hiệu Áo dài Huế, mà còn lan tỏa nét đẹp văn hóa của cộng đồng đối với phục trang Áo dài ngay trên mảnh đất “tổ” của nó.

Các đại biểu nam mang Áo dài truyền thống đến dự Hội thảo

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, bên cạnh việc giữ gìn các nét văn hóa truyền thống Áo dài vẫn có những tiếp biến cách tân để phù hợp với thời đại nhưng Áo dài truyền thống là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Áo dài chưa được chính thức công nhận là di sản văn hóa, vì vậy, hội thảo lần này sẽ góp phần tạo tiền đề để xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật quốc gia; tiếp đến là đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đưa Áo dài vào trong đời sống của Huế

Từ thập niên 1990 trở lại đây, Áo dài dần được “hồi sinh” với diện mạo mới. Tại Huế, những lễ hội Áo dài gắn với Festival Huế đã tạo nên được “thương hiệu” trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

Kể từ năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã vận động cán bộ công chức nữ và giáo viên, nữ sinh của các trường THPT, Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh mang áo dài ít nhất 2 ngày/tuần. Tỉnh cũng có quyết định miễn phí tham quan cho phụ nữ mặc áo dài truyền thống khi đến các điểm di tích của khu di sản Huế dịp lễ; phục trang Ao dài xuất hiện nhiều tại các lễ hội, sân khấu... Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nhìn một cách tỉnh táo thì Áo dài vẫn chưa thực sự hồi sinh trong cuộc sống hàng ngày của người dân, chưa tạo được một chuyển động trong đời sống kinh tế xã hội ở Huế. Rất khó để bắt gặp lại hình ảnh Áo dài truyền thống khắp mọi nhà, mội đường phố, đường làng, trên sông, ngoài đồng... như một thời Huế từng có. Nhưng cần khẳng định Áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong Di sản văn hóa Huế, và quyết tâm xây dựng thương hiệu Áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc  sáng của vùng đất Cố đô.

Không gian trưng bày bộ sư tập Áo dài truyền thống thời nhà Nguyễn của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng

“Ngoài nỗ lực tiếp tục mở rộng các phương thức hướng dẫn nữ sinh, vận động phụ nữ thường xuyên mang phục trang Áo dài thì tỉnh Thừa Thiên Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của Áo dài Huế; khuyến khích xây dựng các show trình diễn Áo dài Huế; nâng chất lượng, gắn Lễ hội Áo dài ở mỗi kỳ Festival Huế với một không gian độc đáo của Quần thể Di tích Cố đô Huế”- ông Nguyễn Xuân Hoa góp ý.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng nói rằng, cần tập trung xây dựng thương hiệu Áo dài Huế gắn với Cố đô Huế và các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của xứ Huế, xây dựng thành các tour du lịch khám phá Kinh đô hấp dẫn. Xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may Áo dài  và kinh doanh Áo dài Huế. Trong đó, cần hình thành phố kinh doanh Áo dài Huế, hình thành các tiệm may Áo dài phục vụ du khách có đẳng cấp cao; tạo mội liên kết giữa các cơ sở du lịch và người làm dịch vụ may và kinh doanh Áo dài; tìm kiếm các thị trường để đưa các sản phẩm bộ Áo dài Huế “may sẵn”, áo Nhật Bình Huế, khăn vành Huế ra ngoại tỉnh...

Theo nhiều đại biểu, Thừa Thiên Huế cần hình thành và phát triển các khu phố may và kinh doanh Áo dài (Trong ảnh: một góc khu may đo Áo dài truyền thống trong khuôn khổ Hội thảo)

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt, cũng đề xuất một số phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Áo dài tại Huế. Trong đó, ông Bình cho rằng, với các tư liệu, hiện vật, căn cứ khoa học từ công trình nghiên cứu... cần sớm sớm thành lập Bảo tàng Áo dài Việt Nam. Đây sẽ là sản phẩm du lịch khá thú vị cho du khách khi đến Huế.

“Tại Huế, cần hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn chặt với thương hiệu Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy đây là yếu tố quan trọng và mấu chốt cho việc hình thành, phát triển và bảo lưu thương hiệu của Huế”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.

Đại diện CLB Đình Làng Việt cũng cho rằng, song song với việc bảo tồn Áo dài ngũ thân truyền thống, ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cần thường xuyên tổ chức cuộc thi thiết kế Áo dài (nam và nữ) hiện đại, nhằm tìm ra trang phục Áo dài đẹp, phát triển từ Áo dài truyền thống, phù hợp với đời sống đương đại.

SƠN THÙY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

VHO - Để chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tối 18.3, HLV trưởng Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự 2 trận đấu này.

Chi tiết
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top