Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nghịch lý việc xây dựng nhà máy nước ở trên cao: Hàng ngàn hộ dân “khát”bên công trình nước sinh hoạt

Thứ Hai 06/07/2020 | 11:18 GMT+7

VHO- Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và bể chứa nước cộng đồng tại huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) được xây dựng từ Chương trình 134, 135 và một số chương trình khác hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Thiếu kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, nhiều công trình được đầu tư hàng chục tỉ đồng bị “đắp chiếu”…

Công trình nước tự chảy của người dân vùng cao huyện Vân Canh đã xuống cấp, hư hỏng

 Hoạt động “cầm hơi” của các công trình nước sinh hoạt nên cứ “đến hẹn lại lên”, vào mùa nắng hạn người dân vùng cao tại địa phương này lại đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Công trình nước sinh hoạt cạn khô

Thời điểm này, tại làng Cát (xã Canh Liên, huyệnVân Canh) trời ít mưa nên nhiều hộ gia đình đều thiếu nước sinh hoạt. Để có nước, nhiều gia đình phải đi bộ hàng cây số men theo những triền đồi đầy dốc mới tới nguồn nước. Anh Đinh Văn Thiêu cho biết, “làng Cát cũng có công trình cấp nước tự chảy do Nhà nước xây dựng, nhưng giờ công trình này đã xuống cấp, hư hỏng, mùa khô cạn nước. Bà con vất vả lắm, phải đi bộ thật xa mới lấy được nước đem về nhà”. Tương tự, tại làng Canh Tiến (xã Canh Liên) hiện có 9 bể nước sinh hoạt, cung cấp nước cho hơn 150 hộ gia đình, nhưng do công trình được xây dựng từ khá lâu nên một số bể nước đã bị hỏng khóa van xả nước và đường ống dẫn nước từ đập về làng cũng bị xuống cấp, rỉ sét, hư hỏng nên gây thất thoát nước. Vì vậy, chỉ có một số hộ dân sống gần hồ Núi Một còn nước sử dụng; còn lại khu vực giữa làng, người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại xã Canh Thuận cũng không khá hơn. Theo lãnh đạo UBND xã Canh Thuận, ở làng Hòn Mẻ các bể chứa nước sinh hoạt cộng đồng cũng xuống cấp nặng, đường ống bị rỉ sét, hoen ố. Riêng công trình nước sinh hoạt tự chảy La Da được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2006, cung ứng nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 nhân khẩu ở làng Kà Bưng, Hà Lũy và Hà Văn Dưới. Tuy công trình đã được đầu tư, sửa chữa nhưng việc cấp nước vẫn không bảo đảm, khiến người dân gặp khó khăn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt.

Còn tại làng Suối Mây, thị trấn Vân Canh, công trình nước sinh hoạt tự chảy Suối Mây nằm ở đầu nguồn được đưa vào sử dụng đầu những năm 2000. Đến nay, qua nhiều lần duy tu, sửa chữa, công trình đã ngưng hoạt động. Vào thời điểm mùa khô, các bể chứa nước tập trung ở làng Suối Mây cũng không có giọt nước nào. Đáng nói hơn, cũng tại thị trấn này một nhà máy nước được đầu tư hàng chục tỉ đồng, có công suất thiết kế 1.400m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 12.000 hộ dân nhưng lại nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay. Nguyên nhân khiến công trình hoạt động không hiệu quả là do vị trí đặt nhà máy nước sạch chưa hợp lý.

 Người dân thiếu nước sinh hoạt, phải đi thật xa đến suối múc và vận chuyển từng can nước về dùng

Đang chờ địa phương báo cáo…

Ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết công trình nước tự chảy tại làng Cát và bể nước sinh hoạt tại làng Canh Tiến được xây dựng cách đây hơn 10 năm, một số hạng mục của các công trình đã xuống cấp. Vào mùa khô, các công trình này không có nước nên hầu hết các hộ dân phải tự xoay sở tìm kiếm nguồn nước mặt và tự bỏ tiền ra mua ống nước, đấu nối ống từ nguồn rồi đưa nước về nhà, nhưng hiệu quả không cao.

Chính quyền địa phương và người dân mong muốn huyện quan tâm đầu tư, xây dựng một số giếng khoan tại các làng, để đảm bảo nguồn nước sử dụng cho các hộ gia đình. “Xã thường xuyên bố trí lực lượng và vận động người dân tự bảo quản, duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và bể cấp nước tập trung. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình đồi núi nên việc này gặp không ít khó khăn, các công trình thường nhanh xuống cấp. Thực trạng này khiến nhiều người dân ở làng Cát, làng Canh Tiến… bị thiếu nước sinh hoạt” ông Diễn chia sẻ. Theo ông Trần Văn Khổ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và bể chứa nước sinh hoạt cộng đồng xuống cấp do được đầu tư xây dựng cách đây đã nhiều năm. Trong khi đó, huyện khó khăn trong bố trí kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng. Địa phương đã và đang rà soát, tổng hợp các công trình xuống cấp, hư hỏng nặng để bố trí kinh phí khắc phục, bảo đảm việc cấp nước sinh hoạt cho người dân sử dụng.

Trong khi đó, ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh lại cho hay, “cứ đến mùa khô thì hầu như các địa phương trên địa bàn huyện đều thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bởi có một số nhà máy đặt ở vị trí cao, vào mùa nắng hạn, nhà máy không có đủ nước để hoạt động. Để nắm rõ thực trạng thiếu nước của người dân, tôi đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đi kiểm tra, có báo cáo đề xuất cho UBND huyện, từ đó có hướng giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con. Thế nhưng, đến thời điểm này, UBND huyện vẫn chưa nhận được báo cáo của các cơ quan liên quan và địa phương”.

Trong khi chính quyền địa phương chờ báo cáo và phương án giải quyết thì hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và bể chứa nước cộng đồng, cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn nắng nóng và khô hạn này. 

 THẾ HỮU

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top