Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng: Sở Du lịch nói gì trước một số bất cập du ngoạn sông Hàn ban đêm?

Thứ Tư 01/07/2020 | 10:32 GMT+7

VHO- Du ngoạn sông Hàn trải nghiệm thành phố biển về đêm là nhu cầu của rất nhiều du khách khi đến với Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số chủ tàu, các thủ tục lên tàu du lịch hiện nay còn khá rườm rà, mất nhiều thời gian của khách. Bên cạnh đó tình trạng “phá giá” đã diễn ra trong thời gian dài mà không có cơ quan nào quản lý đã dẫn đến nhiều xung đột, cạnh tranh làm xấu môi trường du lịch. 

Khách trải nghiệm sông Hàn về đêm

Phá giá trong cạnh tranh? 

Hiện nay, tại bến du thuyền Đà Nẵng có 16 tàu du lịch neo đậu, T.V - một chủ tàu cho rằng, việc “gom” 16 chiếc tàu này chung một “lồng” mà không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng đã tiếp tay cho tình trạng mạnh ai nấy làm, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. 

“Quá nhiều cơ quan nhà nước quản lý nhưng chỉ quản lý đếm đầu người trên tàu. Khi khách vào, biên phòng đếm, xong tới cảng vụ kiểm tra xong tàu mới được đi, quy trình thời lượng 45 phút thôi nhưng thủ tục ban đầu nếu nhanh cũng phải mất 15 phút. Nhiều khách phàn nàn vì chờ đợi lâu, nhưng thủ tục phải thế nên các tàu đành chấp hành. Vấn đề nữa là đầu vào là khách thì đã gặp khó khăn, vì các tàu sát cạnh nhau, có quá nhiều sự lựa chọn. Không đi tàu này thì khách lại đi tàu khác, bên môi giới cho dù dẫn khách sang tàu này, nhưng “làm giá” được với tàu khác lời hơn thì lại dẫn khách qua bên đó. Giá rẻ thì đi đôi với chất lượng dịch vụ rẻ, mà khách vẫn trả 150.000 đồng theo giá niêm yết”, T.V nói. 

Phàn nàn về thủ tục xuất bến, G.M (chủ tàu) cho biết, khách lên tàu của chị nhiều khi không thông cảm phản ánh rằng tàu chậm trễ, mất thời gian của họ. Họ chỉ biết lên thuyền ngồi thôi, còn các tàu lo thủ tục đón khách, báo cảng vụ, đầu người, có 3 cơ quan kiểm tra là cầu đường soát vé vào cổng, biên phòng kiểm số lượng và phát phiếu, cảng vụ kiểm soát giấy tờ thủ tục, thông tin khách… thiếu một chữ ký của 3 bộ phận này là tàu không đi được, chừng đó thủ tục nếu nhanh cũng mất 15 phút, trong khi đó thời gian khách trải nghiệm trên tàu chỉ là 45 phút. 

Nói về tình trạng cạnh tranh, chị G.M cho biết ảnh hưởng của sự phá giá, cạnh tranh là khách hàng sẽ không được lợi: “Phá giá nhiều quá dịch vụ trên tàu bị cắt giảm, ví dụ trên tàu có nước, trái cây, múa, karaoke… Nếu giá cao thì trái cây nhiều hơn, rẻ thì làm sơ sài hơn, giảm tiền và giảm luôn chất lượng. Hiện nay du khách không có chỗ chơi ban đêm nên họ phải sử dụng dịch vụ, tuy nhiên những hoạt động này không thu hút khách và họ sẽ không quay lại, không có hiệu ứng về sau. Các công ty lữ hành cũng không muốn “dính” vào mảng tàu thuyền này vì các công ty quá cạnh tranh, chủ yếu khách là do hướng dẫn viên đưa đến”, chị G.M nói. 

Dịch vụ kém hấp dẫn 

Theo quy định của thành phố Đà Nẵng, hoạt động ca múa, nghệ thuật bắt buộc phải diễn ra trước khi xuất bến, nghĩa là ca múa khi thuyền đang neo đậu, còn khi thuyền đã ra ngoài là cấm tất cả các hoạt động di chuyển của khách. Nhưng theo phản ánh của các tàu, khi khách chưa ổn định chỗ ngồi diễn viên đã vội vàng lên múa để xuất bến cho kịp giờ nên tạo ra sự lộn xộn rất thiếu chuyên nghiệp: “Nhiều khi khách thấy phong cảnh đẹp, muốn thay đổi vị trí để chụp ảnh cũng bị điện đàm nhắc nhở, bắt khách ngồi xuống, như thế rất mất hứng và bất cập. Họ đi chơi cần chụp ảnh kỷ niệm là nhu cầu chính đáng, bắt họ ngồi không thì họ rất chán và không muốn quay lại. Trải nghiệm kém hấp dẫn khiến cho hoạt động của tàu du lịch giống một hình thức vận chuyển hơn là mục đích du lịch”, chị G.M nói. 

Chủ tàu T.V cho rằng thành phố nên đầu tư phát triển thêm ở hai bên bờ sông những dịch vụ du lịch văn hóa cuốn hút để khách nhìn thấy, thay chỉ họ chỉ ngồi không ngắm sông Hàn. Nếu thành phố muốn có kích cầu du lịch thì sản phẩm phải có giá trị, nếu sản phẩm dịch vụ không đạt được kỳ vọng thì không thể thu hút khách quay lại. Khi hỏi về sự an toàn của du thuyền nếu diễn ra những hoạt động văn nghệ, chị G.M khẳng định những hoạt động múa hát, di chuyển của khách trên tàu là an toàn vì khi thành phố bắt đóng mới, các tàu đã được bảo đảm về sức chứa trọng tải: “Khách nhảy hay múa cũng không ảnh hưởng bởi vì trọng tải thực của tàu có thể chứa được 500 người, nhưng chỉ đăng ký (đón) 90 người”. 

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định tất cả những quy định hiện hành đối với các tàu du lịch là đúng pháp luật, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách cũng như tàu thuyền. Trước đây thành phố cũng cho phép các hoạt động ca múa trên tàu, nhưng sau đó thuyền trưởng các tàu đã phản ánh với cảng vụ về hoạt động múa, di chuyển làm che khuất tầm nhìn, mất an toàn giao thông nên bắt buộc phải dừng lại. 

“Tất cả các quy định về xuất bến thì phải tuân theo quy trình 3359, căn cứ trên quy định của pháp luật, bắt buộc phải báo cáo tình trạng nhân viên và hành khách trên tàu. Bến neo đậu thuyền hiện nay là cảng tạm nên không đảm bảo an toàn, sự kiểm tra là để đề phòng hành khách lên tàu mà không có trong danh sách, các quy định chỉ nhằm để đảm bảo an toàn. Về luật giá doanh nghiệp tự quyết định giá, đăng ký công khai niêm yết qua Sở Tài chính và cơ quan Quản lý thị trường. Việc cạnh tranh giá chỗ nào cũng có cạnh tranh, để quản lý vấn đề này thì Sở Du lịch cũng đã có công văn về việc thực hiện an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ khách, chấn chỉnh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như trên”, Sở Du lịch cho biết.

 Bài, ảnh: NGỌC HÀ 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top