Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Hồi ký, dấu ấn trên văn đàn nước nhà

Thứ Sáu 08/05/2020 | 11:41 GMT+7

VHO- Nhiều cuốn hồi ký, nhật ký, tự truyện với những câu chuyện chân thực, sống động, mang ước vọng hòa bình và đoàn tụ, mang hoài bão vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai... đã thu hút sự quan tâm của độc giả tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020.

Bìa cuốn “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

 Cuối tuần qua, trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, hội thảo “Xu thế viết tự truyện, hồi ký, nhật ký hiện nay” đã được tổ chức. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, gần đây trào lưu viết tự truyện, hồi ký, nhật ký nở rộ và chiếm vị trí nhất định trong đời sống văn học. Tuy nhiên, để có những tác phẩm mà ở đó ta bắt gặp những điều quá đỗi riêng tư nhưng mang ý nghĩa cộng đồng, hướng đến những giá trị tốt đẹp thực sự là một thách thức lớn với người viết.

Những mạch nguồn ký ức đẹp

Bốn tập Nhật ký thời chiến Việt Nam do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên vừa được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là tấm lòng yêu thương, là ước vọng hòa bình và đoàn tụ, thể hiện khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng... “Ở đó, ta bắt gặp những gì quá đỗi riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc”.

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, sẽ không chỉ có niềm vui, tinh thần phơi phới như “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (thơ Phạm Tiến Duật), đây đó, ta bắt gặp “nỗi buồn chiến tranh” qua các trang viết thấm đẫm nước mắt. Đã có lúc người lính phân vân, thậm chí hoang mang, vì bản năng sống, vì sự phũ phàng của chiến tranh tàn khốc, thậm chí, đã có phút giây họ nghĩ tới cái chết. Đó là những cung bậc cảm xúc rất thật của con người, chẳng hạn Nhật ký chiến trường của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý; Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh; Vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị; Bê trọc của Phạm Việt Long hay Nhật ký đi B của Triệu Bôn… Mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi. Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn hôi hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh. Sẽ không có bút mực và cũng không có nhà văn nào sáng tác được tác phẩm như thế, trừ người trong cuộc, trong một khoảnh khắc nào đó ghi lại những cảm xúc riêng tư.

Cũng là những hồi ức về một thời đã xa, cuốn truyện ký Những thước phim trong suốt của NSND Nguyễn Hữu Tuấn do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đã gây bất ngờ lớn cho giới văn nghệ nước nhà. Cả cuộc đời gắn bó với chiếc máy quay, tạo nên những thước phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, như Thương nhớ đồng quê, Thị xã trong tầm tay, Ngã ba Đồng Lộc, Hoa ban đỏ…, ở tuổi ngoài 70, NSND Nguyễn Hữu Tuấn mới viết cuốn sách đầu tiên kể lại cuộc đời cầm máy của mình. Cuốn sách hấp dẫn ởchỗ, đãlâu lắm, độc giảtrong nước mới thấy cómột truyện kývềđiện ảnh vànghềlàm phim. Hơn thếnữa, NSND Nguyễn Hữu Tuấn như một nhân chứng của nền điện ảnh nước nhà, từ thời những bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng đến tận những năm 2000. Ởđókhông chỉcóphim, màcòn làcâu chuyện vềnhững con người ông đãgặp trong cuộc sống, với vô vàn chuyện hậu trường màcông chúng chưa bao giờthấy trên những khung hình.

Hay cuốn hồi ức tập thể Tuổi thanh xuân còn mãi của 48 tác giả cựu lưu học sinh những năm 1980 tại các nước Đông Âu, được NXB Văn học giới thiệu tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, là những câu chuyện chân thực, sống động được kể bằng ngòi bút thông minh, hóm hỉnh, lãng mạn và không kém phần sâu sắc. Cuốn sách giúp người đọc cảm nhận về một thế hệ người Việt mang đầy hoài bão vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai. Cũng qua đây, cuộc sống tại các nước Đông Âu - nơi đã đào tạo nhiều người con ưu tú cho Tổ quốc Việt Nam đã hiện lên đầy đủ, rõ nét. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, cuốn sách giúp đánh thức tiềm năng sáng tạo và những kỷ niệm của người viết, rồi kỷ niệm đó lại thôi thúc những người đã từng ở nơi này viết tiếp, tạo nên những mạch nguồn ký ức đẹp đẽ, nhân văn.

Phải viết vì cộng đồng và hướng đến giá trị tốt đẹp

Theo nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ (Báo Nhân Dân), chủ biên và đồng tác giả cuốn Tuổi thanh xuân còn mãi: “Viết hồi ký, tự truyện hiện nay được thể hiện dưới nhiều hình thức, có thể là hồi ức, tự sự của một cá nhân hoặc một tập thể về một giai đoạn hoặc cả cuộc đời; có thể là những trang nhật ký, truyện ký về những sự kiện, câu chuyện mình đã trải qua, chứng kiến. Chính vì thế, đòi hỏi người viết hồi ký, tự truyện phải viết vì cộng đồng, hướng đến những giá trị tốt đẹp…”

Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng cho rằng, việc ghi nhật ký, kể cả của các nhà văn, không phải là viết văn mà trước hết là cuộc đời. Không một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa, chúng sẽ được in thành sách... Bởi thế, tất cả đều rất chân thực và sinh động. Người lính ra trận, coi nhật ký như một người bạn để chia sẻ những cảm xúc riêng tư, những niềm vui, nỗi buồn. Họ viết về chiến tranh, những điều mà trong suốt một thời gian dài, trong văn thơ, sách báo... vì nhiều lý do mà chưa thể nói ra. Bởi vậy, những trang nhật ký chiến tranh cho độc giả một “lăng kính” để nhìn ngược về thời đã qua, “nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng”, nhưng còn một điều nữa, đó là sự phóng chiếu về hiện tại, để mỗi người suy ngẫm về trách nhiệm với thời đại chúng ta đang sống! Có nhà nghiên cứu đánh giá, nhật ký thời chiến chính là pho sử của nhân dân, là người dân chép sử, mỗi người một góc nhìn khác nhau, nhưng đều mang hơi thở thời đại.

Nguyễn Hy Hoài Nam, đồng tác giả cuốn Tuổi thanh xuân còn mãi chia sẻ, dù hồi ký, tự truyện là kể câu chuyện của mình, nhưng qua đó phải gửi gắm hoài bão, lý tưởng của cả một thế hệ hoặc một thời kỳ thì mới được coi là thể loại văn học thực sự. Đồng tình với quan điểm này, nhà phê bình Ngô Văn Giá nhấn mạnh, hồi ký, tự truyện là thể loại bộc lộ cái tôi cá nhân rõ nét, song nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ thất bại. Một tác phẩm muốn thành công, có sức sống lâu dài phải thể hiện được mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, cộng hưởng với đời sống, khiến người đọc phải suy ngẫm và thu lượm được những giá trị xã hội, văn hóa, lịch sử, từ đó có chuyển biến tích cực hơn, sống nhân ái hơn… 

HÀ MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top