Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số

VHO - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn ra từ ngày 15– 17.4, chương trình Tọa đàm "Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số" thu hút sự chia sẻ, bàn luận sôi nổi của diễn giả và độc giả.

Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số - ảnh 1

Tọa đàm “Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số”

Em Nguyễn Lê Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết chia sẻ, sách là tri thức, là nơi lưu giữ truyền thống lịch sử - văn hóa của cha ông, là điểm tựa để hướng đến tương lai. Hiện nay, chúng em đang sống trong thời đại công nghệ số, sự phát triển của Internet và truyền thông là không hề nhỏ và là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống.

“Bản thân em đã từng lên kế hoạch thật tỉ mỉ, thật chi tiết để đọc một cuốn sách nhưng những gì em làm hằng ngày lại là lướt Tik Tok, Facebook hoặc Instagram, rồi lại tự hứa với bản thân mình sẽ chỉ lười thêm 5-10 phút nữa thôi, nhưng kết quả nhận lại vẫn là một sự trì hoãn đáng buồn? Hoặc có đôi khi, bắt đầu một ngày mới bằng việc mang sách ra quán cafe ngồi học. Nhưng điều đầu tiên làm lại là chụp một tấm ảnh check-in cùng quyển sách mới, và rồi lại vô tình đắm chìm vào những like, share, comment”, Ngọc bày tỏ.

Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số - ảnh 2

Em Nguyễn Lê Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết chia sẻ

Theo Ngọc, văn hoá đọc của giới trẻ hiện nay lại là vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội, cũng như những người có tâm huyết với nó. Đa số các bạn thích xem truyện tranh hơn là đọc các tác phẩm viết, thích xem những bài viết với tiêu đề giật tít, nghèo nàn về thông tin, vụng về trong biên tập hơn là dừng lại ở những trang viết đầy tính nhân văn về cách đối nhân xử thế hay những cuốn sách kinh điển… Hậu quả chúng có thể làm thô ráp đi những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ. Rồi hiện tượng đọc sách theo “phong trào” theo tuyên truyền quảng bá. Chẳng hạn cách đây mấy năm, hai cuốn nhật kí của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành hiện tượng và được tuyên truyền để nhanh chóng trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của giới trẻ.

Trong chương trình, các diễn giả cùng các độc giả đã bàn luận sôi nổi các vấn đề xoay quanh chủ đề như đọc sách vì thói quen hay mục tiêu, cách ứng dụng sách vào thực tế cuộc sống để đạt hiệu quả cao. Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sự vươn lên mạnh mẽ của Internet khiến sách dường như bị bỏ quên trong một góc khuất nào đó. Nhiều người không tìm đến sách nữa mà thay vào đó là những trò chơi, hay xu hướng thời đại hơn như Game, Facebook, Zalo, Instagram, Tinder... Vì thế, văn hóa đọc cũng dần ngủ quên trong tiềm thức của đa số người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số - ảnh 3
Văn hóa đọc trong thời đại số

Bà Huỳnh Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi cho rằng, sự ra đời của Internet và sự phát triển của các mạng xã hội đã có tác động mạnh mẽ đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có cả phương thức đọc và thói quen tìm hiểu, học hỏi tri thức thông qua đọc sách. Văn hoá đọc truyền thống đang bị lấn át bởi xu thế sử dụng Internet và các phương tiện nghe - nhìn. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng và khai thác các ưu thế của thời đại công nghệ số thì đây chính là “cơ hội vàng” giúp đẩy mạnh văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại 4.0.                     

Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số - ảnh 4
Hình thành thói quen đọc sách cho các em học sinh

Các diễn giả cho rằng, với người yêu sách hoặc người mong muốn đọc sách để học tập, họ có xu hướng đọc sách ở mọi nơi để giết thời gian cũng như học được thêm một chút gì đó. Nhưng việc cầm theo một cuốn sách dày cộm hay nhiều cuốn sách như thế là một bất cập lớn, và sẽ như nào nếu ta muốn nghiên cứu song song 2 hoặc nhiều cuốn sách cùng một lúc? Các loại hình đọc sách mới trong thời đại số hóa là câu trả lời cho vấn đề này.

Theo chị Ngô Thị Thu Liễu, Bí thư Đoàn trường THPT Số 2 Nghĩa Hành, sự phổ biến rộng khắp của những thiết bị thông tin truyền thông là “con dao hai lưỡi”, tuy đem đến các mặt tích cực nhưng đồng thời cũng dễ khiến trẻ tiếp xúc với nhiều thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng.

Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số - ảnh 5
Tuyên truyền đọc sách đa đạng hình thức

Để trẻ ngày càng yêu sách hơn, các tranh ảnh, khẩu hiệu vẽ tuyên truyền trong khuôn viên nhà trường, trước cổng trường,... nên có khẩu hiệu, hình ảnh về phát triển văn hóa đọc. Các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, ngoài giờ lên lớp,... thỉnh thoảng nên lồng ghép nội dung rèn luyện kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (học tập, nghiên cứu, giải trí...), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc, ...

Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hóa đọc trong thời đại số - ảnh 6
Các em học sinh trong giờ đọc sách

“Tiếp tục tổ chức các chương trình, dự án đưa sách đến với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa như “1001 thư viện bản xa”, “Sách hóa nông thôn”, “Tủ sách vùng cao”, “Tủ sách yêu thương”, “Sách cho trẻ em vùng cao”… Từ những tủ sách, thư viện hay các hoạt động quyên tặng sách cho các em thiếu nhi vùng khó khăn, hàng chục nghìn trẻ em được tiếp cận nguồn tri thức quý giá từ sách, là cánh cửa để mở ra những chân trời kiến thức, giúp các em thiếu nhi có thêm hiểu biết, nhận thức, “giảm nghèo” thông tin”, chị Liễu chia sẻ.

Ý kiến bạn đọc