Nhịn ăn… để bù tiền điện

HUY AN

VHO - Những ngày đầu tháng 5, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, trào lưu “khoe” hóa đơn tiền điện lấn át các xu hướng mạng. “Khoe” đấy nhưng nhiều gia đình loay hoay giật chỗ nọ, vá chỗ kia để “ngân khố” gia đình không bị thâm hụt .

 Nhịn ăn… để bù tiền điện - ảnh 1

 Sử dụng điều hòa đúng cách sẽ góp phần giảm lượng điện tiêu thụ

 Cùng với trào lưu “khoe” hóa đơn điện, nhiều người cho biết đang “đau đầu” khi nhận thông báo hóa đơn tiền điện. Ít thì tăng thêm vài trăm ngàn đồng, nhiều thì tốn thêm một vài triệu đồng so với tháng trước. Chị Nguyễn Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tháng 4 vừa rồi, tiền điện tăng khoảng gần 40% so với tháng 3. “Nhà có 4 người, 1 tủ lạnh, 2 máy lạnh cùng ti vi và các đồ điện khác như máy giặt, bếp điện… Mấy ngày nắng nóng bật điều hòa liên tục, biết tiền điện sẽ tăng nhưng không ngờ lại nhiều như thế”, chị Hương nói.

Trong khi đó, anh Trần Mạnh Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, ngoài phần lương đưa cho vợ chi tiêu sinh hoạt thì anh được vợ “giao” thêm nhiệm vụ gánh phần thanh toán tiền điện, nước. Tiền lương có hạn, những tháng thanh toán tiền điện theo dự toán thì anh còn dư chút tiền ăn sáng, cà phê. Riêng tháng 4 vừa qua, khi nhận hóa đơn thông báo tiền điện, anh Thắng cho biết phải cắt khoản cà phê, có khi nhịn ăn sáng để bù tiền điện do hóa đơn tăng hơn tháng 3 khoảng 800 ng­hìn đồng. “Giá rau thịt tăng, giá gas tăng, chi phí học tập của các con tăng, tiền điện cũng tăng…, mà lương hai vợ chồng vẫn vậy. Không siết chặt chi tiêu, không tằn tiện lại thì khó mà đảm bảo cho sinh hoạt gia đình”, anh Thắng cho biết.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay đơn vị đang cung cấp điện cho hơn 2,8 triệu khách hàng. Trong đó, có hơn 2,52 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt và 280 nghìn khách hàng sử dụng điện vào mục đích khác. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2024 nắng nóng sẽ đến sớm, dự báo gay gắt hơn và có thể xuất hiện các kỷ lục nhiệt độ. Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tại Thủ đô Hà Nội tăng cao. Do đó, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện nên lưu tâm cách sử dụng để vừa tiết kiệm điện tối ưu, tránh hóa đơn tiền điện tăng vọt khi chuyển mùa. Trong đó, khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các khung giờ cao điểm từ 12h00 đến15h00 và từ 22h00 đến 24h00 hằng ngày. Bên cạnh đó, chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26°C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt); chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư…

Trong khi đó, tại TP.HCM, trong tháng 4, nhiều gia đình cũng nhận được thông báo hóa đơn điện tăng đột biến. Theo lý giải của Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN­HCMC), trong tháng 4, sản lượng điện sinh hoạt tại TP.HCM tăng 12% so với tháng 3 và tăng 20% so với tháng 4.2023. Trong tháng 4, toàn TP.HCM tiêu thụ hơn 2,75 tỉ KWh điện, tăng 12,44% so với tháng 3. Đỉnh điểm, ngày 26.4 tiêu thụ đến 103,46 triệu KWh - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn thành phố, có đến 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình). Số khách hàng sử dụng bậc 6 đã tăng lên 44% (tháng bình thường chỉ chiếm khoảng 25%). Chính vì điều đó, nhiều hộ gia đình có hóa đơn tăng cao so với tháng trước.

EVNHCMC cho biết thêm, ngay từ những ngày đầu tháng 4 đã dự báo tình hình và liên tục có những cảnh báo gửi tới các khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tình hình nắng nóng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt được dự báo kéo dài so với trung bình hằng năm. Tiêu thụ điện ở miền Bắc được dự báo còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay. Nếu nắng nóng diễn ra ở cả 3 miền cũng làm tiêu thụ điện của toàn quốc sẽ tăng mạnh, gây nhiều áp lực đối với việc vận hành và cung cấp điện trong giai đoạn cuối mùa khô. Theo dự báo của EVN, nhu cầu sử dụng điện hè năm 2024 trên cả nước có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhất là giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7, lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 13%, cao hơn nhiều so với dự báo trước đây. Riêng miền bắc, dự kiến lượng điện tiêu thụ tăng tới 17%.

Để tránh phải trả thêm tiền điện, trong những ngày nắng nóng, anh Mạnh Thắng thường xuyên áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện theo khuyến cáo của ngành điện như sử dụng điều hòa luôn để ở mức 26°C và dùng kèm quạt. Anh cũng chịu khó thay bóng điện trong nhà bằng bóng đèn LED, rút các phích cắm khi không sử dụng thiết bị điện... Đồng thời, anh chịu khó tìm hiểu thêm về các biện pháp tiết kiệm điện cho các thiết bị gia dụng trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt. Tuy nhiên, tiền điện nhà anh Thắng cũng chẳng giảm được bởi định mức tiêu thụ của gia đình anh chỉ tăng hoặc giữ nguyên chứ khó giảm.