Quảng Ngãi:

Linh hoạt trong công tác giảm nghèo ở huyện Tư Nghĩa

VHO - Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) quan tâm thực hiện bằng nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương và các giải pháp của địa phương. Linh động, sáng tạo từ thực tiễn các giải pháp giảm nghèo của huyện đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Linh hoạt trong công tác giảm nghèo ở huyện Tư Nghĩa - ảnh 1
Gia đình anh Nguyễn Thanh Minh (áo đen) có cuộc sống ổn định nhờ đi xuất khẩu lao động

Cải thiện đời sống nhờ xuất khẩu lao động

Anh Nguyễn Thanh Minh (SN 1980), xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa là một trong số những thanh niên đi xuất khẩu lao động đầu tiên của địa phương. Anh Minh cho biết, trước khi đi xuất khẩu lao động anh công tác tại UBND huyện Sơn Tây, thời điểm đó lương thấp, đi làm xa không đủ chi phí sinh hoạt. Khi nghe thông tin về xuất khẩu lao động của Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Ngãi tư vấn, qua tìm hiểu về công việc, mức lương anh Minh đã quyết định đi học và thi.

“Tháng 8.2007, tôi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, sau đó về quê có vợ và tôi cùng với vợ qua làm việc. Sau thời gian đi hơn 7 năm tôi cũng tích lũy được một số vốn. Hiện tại, đã mua đất, làm nhà ổn định, mua xe tải chở keo và nuôi con cái ăn học. Nếu không đi xuất khẩu lao động thì không biết đến bao giờ gia đình mới có cuộc sống như hiện nay”, anh Minh chia sẻ.

Linh hoạt trong công tác giảm nghèo ở huyện Tư Nghĩa - ảnh 2
Sau khi xuất khẩu lao động vợ chồng chị Thành trở về địa phương buôn bán phát triển kinh tế gia đình

Cách đó không xa là nhà của chị Nguyễn Đặng Kim Thành (SN 1988), đến nay vợ chồng chị đã có cuộc sống ổn định nhờ nguồn vốn tích luỹ được từ những năm tháng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Chị Thành cho hay, năm 20 tuổi chị đã quyết định đi xuất khẩu lao động, thời điểm đó với mức lương 24 triệu đồng/ tháng là số tiền rất lớn. Chị đã tích lũy và gởi tiền về gia đình để xây nhà. Sau 4 năm đi Hàn Quốc trở về quê, chị lập gia đình và cùng chồng xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Hiện vợ chồng chị kinh doanh, buôn bán tại địa phương.

Linh hoạt trong công tác giảm nghèo ở huyện Tư Nghĩa - ảnh 3
Nhờ xuất khẩu lao động các gia đình về quê đầu tư kinh doanh, dịch vụ

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Võ Tấn Bông, nhờ có con em, người thân đi xuất khẩu lao động mà các hộ gia đình có cuộc sống khấm khá, ổn định hơn. Họ không những xây dựng được nhà cửa khang trang mà còn có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh để từng bước nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu chính đáng. Với kiến thức, kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình cùng với nguồn vốn tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài, phần lớn lao động hồi hương sẽ tự tạo việc làm hoặc tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài. Một bộ phận đầu tư sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ, chuyển đổi sang các công việc khác có thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp.

“Địa phương hiện có khoảng 60 thanh niên đi xuất khẩu lao động, những thanh niên sau khi về nước, điều kiện kinh tế của gia đình người lao động được cải thiện đáng kể. Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu lao động đã góp phần chủ lực vào công tác giảm nghèo của địa phương”, ông Bông cho biết.

Linh hoạt trong công tác giảm nghèo ở huyện Tư Nghĩa - ảnh 4
Nông thôn xã Nghĩa Sơn từng bước thay đổi, phát triển

Hỗ trợ vùng đồng bào Hrê phát triển kinh tế

Nghĩa Sơn là xã miền núi của huyện Tư Nghĩa, với 100% là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Để thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập bình quân của vùng đồng bào thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở xã Nghĩa Sơn, giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Thếch, từ các nguồn vốn vay và các nguồn hỗ trợ của các chương trình dự án, kinh tế của người dân được ổn định và phát triển, nhờ tính chất thiết thực của các chương trình dự án và các đợt đào tạo nghề đã tạo việc làm nâng cao thu nhập cho giảm nghèo, ổn định đời sống… Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 là 6 /362 hộ, tỷ lệ 1,64%; hộ cận nghèo là 24/362 hộ, tỷ lệ 6,57%; tỷ lệ người sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; 100% hộ dân có điện lưới thắp sáng.

Linh hoạt trong công tác giảm nghèo ở huyện Tư Nghĩa - ảnh 5
Hỗ trợ sinh kế cho người dân vươn lên trong cuộc sống

Địa phương đã hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Tập trung phát triển các mô hình nuôi heo ky, bò Zebu và nuôi dê, hướng dẫn trồng các loại cây phù hợp... Trong năm 2023, thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo với mô hình nuôi bò Zebu cho 10 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Các hộ dân được hỗ trợ bò đều xây dựng chuồng trại đảm bảo, trồng cỏ để có thức ăn xanh, chăn nuôi đúng hướng dẫn nên bò giống sinh trưởng tốt, từng bước tăng thu nhập cho gia đình.

Linh hoạt trong công tác giảm nghèo ở huyện Tư Nghĩa - ảnh 6
Huyện Tư Nghĩa phấn đấu trong năm 2024 tỷ lệ lao động có việc làm mới 1.800 người

Theo UBND huyện Tư Nghĩa, ngay từ đầu năm địa phương đã chỉ đạo các ngành phối hợp cùng các địa phương rà soát và nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của hộ nghèo từ đó tìm ra những biện pháp cụ thể. Giới thiệu những mô hình hay cách làm ăn hiệu quả, áp dụng mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp… Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,23%, giảm 85 hộ so với đầu năm; tỷ lệ hộ cận nghèo đạt 2,93%, giảm 280 hộ so với đầu năm. Tỷ lệ lao động có việc làm mới 1.800 người.