A Lưới phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

VHO - Huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia và phấn đấu thoát khỏi 74 huyện nghèo của cả nước vào cuối năm 2023. Hiện nay, các nguồn lực cho công tác giảm nghèo đang tập trung cho xóa nhà tạm, hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện.

Nỗ lực xóa nhà tạm

Một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiệc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện A Lưới là xóa nhà tạm cho đồng bào, người dân. Theo thống kê, đến cuối năm 2022, huyện A Lưới có 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%; trong đó, hộ nghèo DTTS là 5.137 hộ, chiếm hơn 95%. Cũng theo rà soát của địa phương, trên địa bàn huyện A Lưới có khoảng 4.300 nhà tạm (chưa tính phát sinh).

A Lưới phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo quốc gia - Anh 1

Người dân ở xã biên giới Quảng Nhâm, huyện A Lưới đang xây dựng nhà từ các nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia

Từ các nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030, cùng với các nguồn lực lồng ghép và hỗ trợ của các mạnh thường quân, đến cuối năm 2023 huyện A Lưới phấn đấu sẽ xây dựng và sửa chữa khoảng 2.400 nhà ở cho các hộ dân, góp phần vào việc xóa nhà tạm. Đến năm 2025, sẽ có khoảng 4.400- 5.000 nhà ở được xây mới và sửa chữa, đảm bảo môi trường sinh sống của người dân. Trong đó, mỗi nhà xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng, nhà sửa chữa được hỗ trợ mức 30 triệu đồng/nhà, còn lại nguồn đối ứng của gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện đã triển khai xây dựng và  giải ngân đạt tỉ lệ khoảng 50%. Đặc biệt, nhiều hộ dân chủ động hiến đất, đóng góp ngày công, sức lực… tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các công trình. Vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện các chương trình  mục tiêu quốc gia là rất quan trọng.

“Huyện A Lưới xác định việc xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện quyết liệt. Qua đó, góp phần giảm tiêu chí về thiếu hụt nhà ở cho đồng bào DTTS. Có nhà ở rồi thì bà con cũng yên tâm với lao động sản xuất, phát triển kinh tế”- ông Nguyễn Văn Hải nói.

Ngôi nhà của gia đình chị Hồ Thị Pao ở xã A Ngo vừa được xây dựng bằng bê-tông bằng nguồn hỗ trợ về nhà ở của các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ hỗ trợ, vợ chồng chị bán thêm gia súc và mượn bà con để đối ứng, có được một ngôi nhà kiên cố, đảm bảo an toàn cho gia đình. Từ đó, có động lực để phấn đấu gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo.

Tuy nhiên theo lãnh đạo huyện A Lưới, kinh phí cho chương trình nhà ở năm 2022 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chậm bố trí kinh phí nên các hộ dân có danh sách được phê duyệt trong thời gian này chậm xây dựng, sửa chữa nhà. Huyện đã có kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho chủ trương hỗ trợ giải ngân kinh phí hỗ trợ nhà ở cho các hộ đã thoát nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở năm 2022 (của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). UBND tỉnh sớm ban hành mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng hưởng lợi như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ tham gia vào tổ cộng đồng để thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn (bê tông hóa hoặc cứng hóa) đến các xã, thôn bản đã được triển khai, từ năm 2022 có hơn 229 km đến năm 2023 là 235km; các công trình cấp nước sạch được xây dựng hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt cho gần 1.000 hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn; tiến hành xây dựng mới Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện… Đặc biệt, UBND huyện A Lưới vận động mỗi xã xây dựng một ngôi nhà truyền thống, trong đó huyện sẽ hỗ trợ một phần nguồn lực, và phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu này.

Tạo sinh kế bền vững

Mục tiêu trước mắt của huyện A Lưới là sẽ thoát khỏi 74 huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023, và đến năm 2025 thì tỉ lệ hộ nghèo sẽ còn khoảng 12%. Để giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo.

A Lưới phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo quốc gia - Anh 2

Nghề dệt Dèng truyền thống của đồng bào vùng cao A Lưới đã tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương

Thực hiện các giải pháp, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến nay huyện A Lưới đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề (gồm: may công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật trồng hòa ly ly, hoa tuy-lip). Đồng thời, kết nối với các công ty để đưa các lao động trên địa bàn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có 40 người đi xuất khẩu lao động, 28 người chờ xuất cảnh, hơn 50 người đang học tại các công ty.

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển sản xuất sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện cũng hỗ trợ bò cho hàng trăm hộ dân đặc biệt khó khăn của 11 xã, thị trấn trên địa bàn, mỗi hộ được nhận 2 con bò vàng A Lưới đã được xây dựng thương hiệu. Gần 700 hộ dân được hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề…

Huyện A Lưới đang thực hiện nội dung “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Trong giai đoạn 1, từ năm 2021- 2025, tập trung theo hướng khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường nhằm phát huy tiềm năng nguyên liệu và lao động tại chỗ nhất là lao động người dân tộc thiểu số, hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn huyện. Hai loại cây dược liệu sâm bố chính và cà gai leo được xác định phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của A Lưới và được chọn triển khai trồng tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, A Roàng.

Thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn huyện A Lưới còn thấp so với các huyện khác của tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân do xuất phát điểm thấp, hơn 70% người dân ở A Lưới sinh sống bằng nghề nông nghiệp nhưng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hạn chế. Doanh nghiệp liên kết sản xuất không có cơ sở chế biến, ký kết bao tiêu sản phẩm. Do đó, cùng với việc triển khai vùng trồng dược liệu quy mô lớn thì địa phương cũng kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến và có nguồn đầu ra, giúp người dân có sinh kế bền vững.

A Lưới phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo quốc gia - Anh 3

Chuối già lùn A Lưới là sản phẩm OCOP đạt 4 sao, được người tiêu dùng trên thị trường thiêu thụ

Huyện A Lưới đã 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao: vải Dèng A Lưới, chuối già lùn A Lưới; cùng 2 sản phẩm đạt 3 sao: thịt bò vàng A Lưới, và sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim). Việc quảng bá và khai thác các thương hiệu này đã đón nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng và du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hải thông tin: huyện đã phân công giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn để hỗ trợ sinh kế cho bà con đặc biệt khó khăn. Một số mô hình đã được đẩy mạnh triển khai và nhân rộng, như chăn nuôi bò vàng, trồng dược liệu, trồng chuối già lùn, phát triển mô hình du lịch cộng đồng…

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện A Lưới, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tích cực triển khai có hiệu quả việc xoá nhà tạm và tạo sinh kế cho người dân. Bám sát văn bản chỉ đạo triển khai kịp thời gian quy định; chủ động, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh để được hướng dẫn, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc