Việt Nam rất quan tâm dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia

TÙNG QUANG

VHO - Ngày 5.5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia về việc triển khai dự án kênh đào Funan Techo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:

Việt Nam rất quan tâm dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia  - ảnh 1

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. Ảnh: BNG

Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình, mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước. Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã khẳng định truyền thống lịch sử quan hệ đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Campuchia là nhân tố hết sức quan trọng, là nguồn sức mạnh to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước ngày nay.

Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau.

Liên quan nội dung này, trước đó, ngày 11.4, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Thủ tướng Campuchia Hun Manet mới đây cho biết nước này sẽ thúc đẩy dự án xây dựng kênh đào Funan Techo (kênh đào Phù Nam), Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:

Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước ven sông Mekong, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng đồng người dân trên lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.

Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.

Việt Nam rất quan tâm dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia  - ảnh 2

Đường đi dự kiến của kênh Funan Techno. Ảnh: VGP

Theo Khmer Times, kênh đào Funan Techo dự kiến dài 180km, nối từ Prek Takeo trên sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia.

Kênh đào đi qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên có khoảng 1,6 triệu người sinh sống.

Funan Techo dự kiến có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m, gồm độ sâu điều hướng (navigation depth) 4,7m và biên an toàn 0,7m, cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa. Kênh có hai làn, các phương tiện có thể ra vào và tránh nhau an toàn.

Dự án có chi phí ước tính 1,7 tỉ USD, gồm 3 đập đường thủy, 11 cầu và 208km đường hai bên, dự kiến do công ty Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao. Hình thức này cho phép bên thi công vận hành và thu lợi nhuận trong khoảng 50 năm. Thời gian xây dựng kênh đào dự kiến kéo dài trong khoảng 4 năm.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc