Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nghệ thuật biểu diễn đang vào đường đua lớn

Thứ Tư 03/06/2020 | 11:38 GMT+7

VHO-  Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, các Nhà hát của Bộ đã đồng loạt triển khai các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau đại dịch Covid-19. 

 Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ với Văn Hóa về những tín hiệu đáng mừng từ việc triển khai một cách tích cực, hiệu quả các chương trình này. 
P.V: Trong khi các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc còn đang tính toán về việc tổ chức biểu diễn ngay sau mùa dịch Covid-19 thì các Nhà hát của Bộ VHTTDL lại đồng loạt đỏ đèn ở các sân khấu lớn của Thủ đô. Xin ông chia sẻ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về chủ trương này? 
- Quyền Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh: Thị trường nghệ thuật biểu diễn đã bị đóng băng suốt những tháng diễn ra đại dịch Covid-19. Bộ VHTTDL chủ trương muốn các Nhà hát của Bộ phải là những đơn vị tiên phong kéo khán giả quay lại với rạp hát, tạo một cú hích đối với những người làm nghệ thuật cũng như người thưởng thức nghệ thuật. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, ngay sau chấm dứt giãn cách xã hội, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã có cuộc họp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát của Bộ để tìm phương án, giải pháp khắc phục khó khăn. 

Khán giả đến xem xiếc “Cướp biển 2020” đã tạo nên thành công cho đêm diễn Ảnh: ĐỨC ANH 

Có thể thấy, so với các ngành nghề, lĩnh vực khác trong xã hội thì nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn hết sức lạc quan, âm thầm tự luyện tập, tái tạo năng lượng và đó là lý do ngay từ những ngày đầu hết giãn cách, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn thành công vở Bệnh sĩ, Điều còn lại tại Nhà hát Lớn; Liên đoàn Xiếc diễn Cướp biển 2020 tại Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Tuổi Trẻ với đêm diễn Ngày hội của bé tại Rạp Tuổi Trẻ và hàng loạt các chương trình nghệ thuật của các nhà hát sẽ tiếp tục được giới thiệu trên các địa điểm biểu diễn của Hà Nội. Tuy nhiên, rạp hát đỏ đèn không có nghĩa là khán giả sẽ đi xem ngay lập tức. Vì vậy, chủ trương hỗ trợ kinh phí dàn dựng, giảm giá vé, quảng bá sâu rộng các tác phẩm chất lượng cao đã đạt được những kết quả khả quan khi kéo được khán giả đến nhà hát và đó là những tín hiệu đáng mừng cho sự trở lại thói quen đi xem biểu diễn nghệ thuật. 

 Khán giả khi vào xem chương trình Xiếc được hướng dẫn thực hiện công tác phòng dịch Covid-19 Ảnh: ĐỨC ANH 

Sự ra quân hiệu quả của các Nhà hát trên nhiều sân khấu chắc hẳn đã củng cố niềm tin cho nhiều đơn vị nghệ thuật mạnh dạn tổ chức biểu diễn và hoạt động trở lại? 
- Đã làm nghệ thuật thì phải được biểu diễn vì đó là khao khát chung của các nghệ sĩ. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự phấn khích của họ khi được trở lại sân khấu, được diễn trước khán giả. Không chỉ với 12 Nhà hát của Bộ mà ngay sau khi hết giãn cách, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng khởi động và nhập cuộc trở lại, trước tiên là xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và chào mừng những ngày lễ lớn. Có thể nói một cách hình ảnh rằng, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang vào  “đường đua” lớn để mang tới cho công chúng những chương trình, tác phẩm chất lượng, giá trị và hấp dẫn… 
Cho đến thời điểm này, các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc đều đã khởi động trở lại sàn diễn để tập trung xây dựng các chương trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã phối hợp với các địa phương để tham gia biểu diễn cùng với những hoạt động du lịch, tạo nên những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đơn cử như để kích cầu du lịch, Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Gala Xiếc ba miền 2020, thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia. Ở Hà Nội, TP.HCM, các sân khấu công lập và xã hội hóa đều đã rục rịch đỏ đèn. Một số đơn vị cũng đã khởi công đàn dựng chương trình mới để tham gia các liên hoan nghệ thuật và bổ sung vào kịch mục biểu diễn. Đơn cử như Sân khấu kịch Lệ Ngọc cũng đã trình làng vở diễn mới Hoa sen lửa được dàn dựng nghiêm túc, công phu để tham dự Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân”. 

 Chương trình “Cướp biển 2020” của Liên đoàn Xiếc VN được dàn dựng công phu, hấp dẫn dẫu là chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi Ảnh: ĐỨC ANH 

Ngoài việc hỗ trợ tổ chức biểu diễn một số buổi cho các nhà hát để giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt, được biết Cục đã đưa ra một giải pháp song hành đó là xây dựng Nghệ thuật online. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng điều đó không mấy khả quan và phù hợp với nghệ thuật biểu diễn, vốn dĩ phải xem trực tiếp ? 
- Đây mới chỉ là chủ trương và chúng tôi chưa thật sự bắt tay vào triển khai mà cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng. Chúng ta sẽ không làm theo mô hình Nhà hát truyền hình là bê nguyên một chương trình lên Nghệ thuật online, khán giả chắc chắn sẽ không có nhiều thời gian để xem một vở diễn dài hàng tiếng đồng hồ và dĩ nhiên cảm hứng mang lại cũng không thể được như thưởng thức trực tiếp tại rạp hát. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn. Có thể sẽ là một clip ngắn về những nét độc đáo của một chương trình mới được dàn dựng, có thể là một chương trình giới thiệu những sản phẩm nghệ thuật của một nhà hát, cũng có thể là một chương trình gồm tổ hợp các tiết mục hay, đặc sắc của từng loại hình nghệ thuật riêng biệt... Cũng có thể qua kênh online, các đơn vị nghệ thuật sẽ mời ê kíp sáng tạo tác phẩm, các nhà phê bình phân tích về sản phẩm nghệ thuật nào đó. Điều này sẽ rất có lợi cho việc tiếp cận và quảng bá về từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... lâu nay vẫn khó tiếp cận với khán giả. 

 Vở diễn “Điều còn lại” về đề tài hậu chiến của Nhà hát Kịch VN đã lấy rất nhiều nước mắt từ khán giả Ảnh: THÚY HIỀN 

Kênh Nghệ thuật online mang tính toàn cầu, Cục sẽ hỗ trợ để đảm bảo chất lượng ghi âm, ghi hình cho các sản phẩm đưa lên kênh. Tuy nhiên, dẫu có áp dụng công nghệ và đầu tư về kỹ thuật thì cuối cùng vẫn phải là tính hấp dẫn của sản phẩm. Nếu nghệ thuật cứ giữ cách làm cũ, không chịu thay đổi từ tư duy lựa chọn kịch bản cho tới lối dàn dựng cũ kỹ thì vô hình trung lại đưa tới tác dụng ngược. Cục sẽ cùng các đơn vị nghệ thuật thẩm định các sản phẩm trước khi được giới thiệu công khai trên kênh Nghệ thuật online. Đơn cử như trước và ngay sau giãn cách xã hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức hai chương trình nghệ thuật đặc biệt và tạo được những dấu ấn đậm nét, đó là Mùa xuân dâng Đảng và Dâng Người tiếng hát mùa Xuân. 
Những chương trình nghệ thuật đặc biệt như vậy cũng có thể được phát lại trên kênh Nghệ thuật online. Như chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thì con đường duy nhất để sinh tồn của nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường chính là các đơn vị nghệ thuật phải xây dựng thương hiệu riêng bằng chất lượng nghệ thuật và được đánh giá bằng thước đo từ khán giả. 

  Không chỉ với 12 Nhà hát của Bộ mà ngay sau khi hết giãn cách, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng khởi động và nhập cuộc trở lại, trước tiên là xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và chào mừng những ngày lễ lớn. Cho đến thời điểm này, các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc đều đã khởi động trở lại sàn diễn để tập trung xây dựng các chương trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã phối hợp với các địa phương để tham gia biểu diễn cùng với những hoạt động du lịch, tạo nên những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc… 
(Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NGUYỄN QUANG VINH) 

 THÚY HIỀN (thực hiện) 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top