Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

“Bệnh” thành tích trong giáo dục lại tái phát (Bài 4) Chỉ đạo một đằng, thực thi một nẻo!

Thứ Hai 17/12/2018 | 10:12 GMT+7

VHO-  Năm nào cũng vậy, nhiều văn bản chỉ đạo luôn được Bộ GD&ĐT đưa ra liên quan đến việc chống bệnh thành tích trong giáo dục. Nhiều người nhận xét, việc hô hào và thực hiện chống bệnh thành tích trong giáo dục dường như chỉ làm cho có nên hiệu quả không mấy khả quan. 

Khẩu hiệu có khắp nơi trong trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), nơi cô giáo đã áp dụng hình phạt tát 231 cái đối với một học sinh Ảnh: HOÀNG LONG

Trên thực tế nguyên nhân dẫn đến sức ép nặng nề đối với giáo viên, học sinh và cả người nhà của họ, cũng là nguyên nhân để bệnh thành tích trong giáo dục tái phát là những chương trình học tập, kế hoạch năm học, chỉ tiêu thi đua... quá nặng thì không được giải quyết và loại trừ tận gốc. 
Rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng bệnh vẫn tái phát
Có thể nói, từ khi phong trào “hai không- nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được phát động từ năm 2006 đến nay, Bộ GD&ĐT có rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nhắc nhở thực hiện nhưng hiệu quả được đánh giá không cao và thời gian gần đây bệnh thành tích trong giáo dục lại tái phát trầm trọng. Trong một văn bản mới đây, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ tập trung khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và coi đây là việc làm thường xuyên, không phô trương, hình thức, Bộ thừa nhận, hiện vẫn còn những biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích như thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thi và kiểm tra đánh giá xếp loại, nể nang, thiếu dân chủ trong bình chọn, xếp loại thi đua, khen thưởng, cào bằng, dễ dãi trong suy tôn, che giấu hạn chế, yếu kém. Từ đó, Bộ GD&ĐT cho rằng, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục là việc làm thường xuyên, không phô trương, hình thức; là giải pháp quan trọng để tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo... Văn bản chỉ đạo là vậy nhưng cứ đầu năm, các phong trào phấn đấu thi đua lại được đăng kí, nào là tập thể này phải tiến tiến, toàn học sinh giỏi, nào là trường kia phải đạt chuẩn quốc gia…? Nhưng có ai đặt vấn đề rằng những tiêu chí, mục tiêu đó có phù hợp, có tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, có hướng tới đối tượng chủ đạo là các em học sinh? Có ai đặt câu hỏi vì sao học sinh sợ đến trường, sợ học, sợ thầy cô giáo? Có ai đặt câu hỏi là vì sao lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo các trường và các thầy cô giáo cùng học sinh, tất cả đều liên kết với nhau bằng những văn bản chỉ đạo cấp trên cấp dưới cứng nhắc mà không phải là tương tác, bình đẳng trong việc khích lệ học tập, giảng dạy và ứng xử? Có ai tự đặt câu hỏi là khi có danh hiệu xong cả học sinh và cô giáo liệu có mang tới tầm vóc cao hơn?
Tại buổi tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất. “Trước đó, Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi nhưng tới đây, cả việc làm sổ sách đánh giá cũng phải giảm bớt, đặc biệt kiên quyết không đưa tiêu chí 100% học sinh phải lên lớp để “áp” thi đua cho giáo viên, như thế là không đúng với tinh thần giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng làm sao chuyển thành chính sách sớm để hỗ trợ các giáo viên yên tâm, cống hiến cho ngành giáo dục”, ông Nhạ nói. 
Áp lực từ “trường chuẩn”
Muốn đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, các trường phải đạt rất nhiều tiêu chí cụ thể được quy định bởi Bộ GD&ĐT. Đáng chú ý ở chỗ, đa số các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (nhất là các trường trong nội thành, khu vực đô thị) thường được đầu tư cơ sở vật chất tốt nên sẽ có khá nhiều học sinh xin vào học. Ðiều đó dẫn đến áp lực rất lớn với các trường và đã xảy ra tình trạng bằng mọi giá phấn đấu đạt trường chuẩn, rồi tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”. Hệ quả là nhiều trường được công nhận đạt chuẩn nhưng lại có lớp số học sinh/lớp học quá đông, chật chội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
Nhiều người đặt vấn đề, những chỉ tiêu của trường chuẩn liệu có mang tính hình thức không nếu như mỗi trường không thật sự đi sâu vào những giá trị của giáo dục, không có được triết lý giáo dục thực sự? Đồng thời việc công nhận đạt chuẩn đối với trường này nhưng trường khác trong cùng hệ thống, cùng địa phương lại không đạt chuẩn liệu có công bằng, có mang tính nhân văn vốn có của giáo dục? Và ở nhiều thành phố lớn trong đó có Hà Nội, đã xảy ra tình trạng trên cùng một địa bàn, để bảo đảm trường này đạt chuẩn, thì trường khác lại chịu bất công khi phải gánh áp lực sĩ số.
Đặc biệt, quy định khống chế tỷ lệ lưu ban, rồi áp lực “giữ chuẩn” để không “rớt chuẩn” khiến nhà trường và giáo viên buộc phải tìm mọi cách để cố “giữ chuẩn”, từ đó tạo áp lực học tập, phấn đấu rất lớn lên học sinh và xảy ra tình trạng một số trường học ở nhiều nơi “học sinh ngồi nhầm lớp”, thậm chí không được phép lưu ban... Gần đây nhất, lãnh đạo Trường THCS Duy Ninh cố tình che giấu vụ việc học sinh bị cô giáo bắt bạn cùng lớp tát 231 cái vì sợ trường không đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2!
Áp lực trường chuẩn còn đến từ nhiều hoạt động khác ngoài hoạt động giáo dục, cụ thể các trường chuẩn quốc gia buộc phải tham gia đầy đủ các phong trào cấp trên tổ chức, nhất là các phong trào mũi nhọn như thi Toán, tiếng Anh trên mạng, thi vở sạch chữ đẹp các cấp, thi sáng tạo trẻ... Sức ép thành tích, sức ép của cái mác trường chuẩn quốc gia không ai khác phải gánh chịu mà chính là giáo viên và học sinh cùng người nhà của họ. 

QUỐC HÙNG
 

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top