Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Khuyến học chưa “chuyển động” do nhận thức còn hạn chế

Thứ Sáu 14/09/2018 | 09:58 GMT+7

VH- Khuyến học, khuyến tài là việc làm cần thiết trong việc hỗ trợ khuyến khích tài năng trẻ, nhất là giúp đỡ kịp thời học sinh nghèo khó hiếu học, xây dựng xã hội học tập... Tuy nhiên, tại tọa đàm “Vai trò của chi hội khuyến học trường học trong công tác khuyến học - khuyến tài và xây dựng các mô hình học tập” do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức ngày 12.9 vừa qua, các đại biểu cho rằng công tác này còn nhiều bất cập.

Các đại biểu cho rằng một số đơn vị nhầm lẫn việc vận động ban đại diện cha mẹ học sinh để lấy quỹ khuyến học. Ảnh minh họa một buổi họp phụ huynh tại TP.HCM

Đừng nhầm lẫn…

Theo các đại biểu, nhìn lại hoạt động này trong thời gian qua nhận thấy còn nhiều hạn chế, một số trường vẫn chưa hiểu vai trò, nhiệm vụ của chi hội khuyến học trong nhà trường. Thực tế hiện nay trong số hơn 100 trường THPT trong toàn TP thì có đến hơn 40 trường chưa có chi hội khuyến học, điều đó cho thấy các trường chưa quan tâm đến công tác này. Do đó hoạt động dễ rơi vào các vi phạm liên quan đến điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Gò Vấp cho hay, một số đơn vị nhầm lẫn việc vận động ban đại diện cha mẹ học sinh để lấy quỹ khuyến học, trong khi cần phải xác định rõ ràng, khuyến học là một tổ chức có tư cách pháp nhân, được cho phép hoạt động, được cho phép đóng quỹ. Do đó nếu trường xây dựng chi hội khuyến học trong nhà trường thì việc hoạt động quỹ khuyến học rất thuận lợi, không có gì là vi phạm pháp luật, nhưng nếu không xây dựng quỹ khuyến học mà lại đi vận động quỹ từ ban đại diện cha mẹ học sinh góp quỹ thì lại “vướng”. “Cái này là do chúng ta chưa hiểu, vì vậy thay vì cái nên thực hiện (thành lập chi hội khuyến học) thì không làm, trong khi cái không được phép (vận động ban đại diện cha mẹ học sinh để lấy quỹ) làm thì chúng ta lại làm. Chỉ thị Trung ương và Thành ủy đều có nhưng công tác tuyên truyền vẫn còn chưa tới”, ông Thanh nói.

Theo bà Lê Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khuyến học TP.HCM, thực tế cho thấy từ nhận thức đến triển khai còn nhiều bất cập ở mọi cấp, từ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, cán bộ công chức đến người dân. Theo đánh giá của ban nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đề xuất mô hình tổng thể về thành phố học tập ở TP.HCM” đã chỉ ra rằng, ngành GD&ĐT chưa phát huy đầy đủ vai trò thường trực ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của thành phố; năng lực quản lý của cán bộ giáo dục phụ trách xây dựng xã hội học tập còn nhiều hạn chế… Hạn chế lớn nhất là công tác tuyên truyền, cần thiết nghiên cứu đưa chỉ tiêu khuyến học khuyến tài vào công tác thi đua để đánh giá các trường học.

Hội khuyến học chỉ có người về hưu?

Nhiều đại biểu đặt vấn đề, trong khi nhiều công tác khác ngay cả cán bộ đương chức làm còn chưa tốt, chưa phát huy được sức mạnh thì các hội khuyến học hiện nay chỉ có người về hưu mới làm thì sao tránh khỏi hạn chế. Bởi khi cán bộ về hưu thường có tâm lý rào cản, rất khó để phát huy được sức mạnh…

Bà Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội khuyến học quận Bình Thạnh thẳng thắn: “Hiện nay trong nhận thức của các cơ quan, đơn vị, công tác khuyến học chỉ có hội khuyến học, mà hội khuyến học thì chỉ có những người về hưu làm. Vì thế tôi nghĩ rằng Sở GD&ĐT cần nghiêm túc nhận trách nhiệm, không thể thờ ơ như thời gian qua mà nên “ra tay”, phải đưa công tác khuyến học trở thành nhiệm vụ chính trị thì mới “chuyển động”, không thể cứ để cho các đơn vị loay hoay như hiện nay”. Bà Mai nói thêm, thực tế cho thấy có một tâm lý nữa là người ta chỉ quan tâm đến việc học trong nhà trường, quỹ khuyến học cũng chỉ tập trung lo trong nhà trường, còn người lớn tham gia học tập hoặc hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng còn khó khăn, học ngoài nhà trường chưa được đầu tư nhiều.

Nhiều đại biểu cho rằng, công tác khuyến học giữa nhà trường và các địa phương chưa gắn kết. Theo lãnh đạo một phòng GD&ĐT, các hội khuyến học ngoài việc chăm lo khuyến học - khuyến tài trong nhà trường thì cần mở rộng xây dựng được phong trào khuyến học tại địa phương, vì công tác khuyến học không chỉ thực hiện tại đơn vị học tập mà phải lan tỏa ra cả xã hội học tập.

Bà Lê Thị Vuông, Chủ tịch Hội Khuyến học quận 6 chia sẻ thêm, việc gắn kết giữa trường học và địa phương còn hạn chế ở chỗ các trung tâm học tập cộng đồng. “Hiện nay hiệu trưởng của trường được cơ cấu kiêm chức phó giám đốc trung tâm học tập cộng đồng của phường, nhưng thời gian qua công tác này hạn chế vì hiệu trưởng thường sẽ rất bận nên cử giáo viên chuyên trách đứng chân thì không đạt hiệu quả. Trong khi trung tâm học tập cộng đồng là một thiết chế của ngành giáo dục, là nơi tạo điều kiện cho người dân cần gì học nấy, rất cần thiết và quan trọng trong cộng đồng, nhưng sự phối hợp lại rời rạc. Tương tự vậy, Phó chủ tịch phụ trách văn xã của phường cơ cấu chức danh là giám đốc trung tâm học tập cộng đồng…, sự phối hợp này chưa mang lại hiệu quả”. 

Thuỳ Trang

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top