Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nếu học sinh “ngủ say” với Facebook, hậu quả sẽ khôn lường

Thứ Tư 12/09/2018 | 09:36 GMT+7

VH-  "Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng tạo ra tác động thật. Nếu các em không đủ tỉnh táo và bản lĩnh để sử dụng hiệu quả sẽ trở nên lệ thuộc và gây ra những hậu quả khôn lường”, Ths tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn đã nhận định như vậy khi mở đầu buổi trò chuyện với gần 1.500 học sinh cấp 3 Trường THPT Nguyễn Du vào ngày 10.9.

Đây cũng là chương trình đầu tiên trong chuỗi hoạt động trang bị kỹ năng ứng xử văn hóa khi sử dụng mạng xã hội do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp tổ chức tại 15 trường THPT đầu năm học mới này.

 Chuyên đề “Ứng xử văn hóa mạng xã hội” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp với Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 tổ chức vào ngày 10.9

Khi giáo viên tha thiết đề nghị…

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) Huỳnh Thanh Phú chia sẻ, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,... như hiện nay thì việc cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng quản lý hình ảnh bản thân trên trang cá nhân là rất cần thiết. Ở lứa tuổi này, học sinh chưa định hình được bản chất thông tin mà các em tiếp nhận trên mạng xã hội hằng ngày, hằng giờ, do đó chỉ cần thiếu thận trọng sẽ rất dễ sa vào việc cổ súy cho những trào lưu sai lệch, bị hiệu ứng đám đông làm cho thiếu tỉnh táo… Chính những buổi trao đổi thế này sẽ giúp học sinh nhận thức vấn đề tích cực và trưởng thành hơn.

Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm mới đây, cô Đỗ Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 6P, Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) đã tha thiết đề nghị các phụ huynh không nên cho con em mang và sử dụng điện thoại di động có kết nối internet vào lớp học, vì ở lứa tuổi này, học sinh chưa biết sử dụng thông tin từ mạng xã hội một cách hiệu quả. Theo cô Hà, quan sát học sinh trong tuần lễ đầu năm cho thấy, mỗi khi ra chơi các em thường tụ tập lại chơi game và hình thành các nhóm chat trên mạng. Tuy trong năm học mới này chưa xảy ra các sự cố nghiêm trọng nhưng trong năm học trước có tình trạng các học sinh nói tục, chửi thề, nói xấu thầy cô trên các nhóm chat, gây hiềm khích giữa phụ huynh với nhau từ các cuộc trò chuyện của học sinh mà ra.

“Thậm chí đã có trường hợp một học sinh nữ bị các bạn cởi áo rồi quay clip đăng lên facebook, rất may nhà trường kịp thời phát hiện và yêu cầu học sinh tháo xuống”, cô giáo Hà cho biết.

Cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Lữ Gia (quận 11), cho biết từng chứng kiến các trường hợp, học sinh sẵn sàng chia sẻ ngay trên dòng trạng thái facebook, zalo của mình những lời nói khiếm nhã, thiếu văn hóa khi không hài lòng về thầy cô giáo nào đó. Khi trên mạng xuất hiện những phát ngôn gây sốc, thì các học sinh lầm tưởng đó là cách gây được sự chú ý, lập tức tung hê và áp dụng ngay vào trong trường học.

 ​Nhiều học sinh nghĩ rằng mạng xã hội chỉ là ảo và cho đó là quyền tự do mình muốn nói gì thì nói mà không cần biết nó có tác động xấu ra sao. Khi tham gia lập tài khoản trên mạng xã hội, các bạn thường bỏ qua giai đoạn đọc các luật liên quan đến quy định tài khoản, nên thường hành xử theo cá nhân chứ không sử dụng theo quy ước chung đó.

(Ths tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn)

Làm gì để học sinh kiểm soát và nhận diện được thông tin?

Nhận định về mạng xã hội hiện nay, ThS tâm lý Nguyễn Ngọc Duy bày tỏ, hiện mạng xã hội đang chi phối mạnh mẽ cuộc sống của con người, đặc biệt là học sinh cấp 2, 3, ngày càng có nhiều vấn đề tiêu cực bắt nguồn từ mạng xã hội. “Nhiều học sinh nghĩ rằng mạng xã hội chỉ là ảo và cho đó là quyền tự do mình muốn nói gì thì nói mà không cần biết nó có tác động xấu ra sao. Khi tham gia lập tài khoản trên mạng xã hội, các bạn thường bỏ qua giai đoạn đọc các luật liên quan đến quy định tài khoản, nên thường hành xử theo cá nhân chứ không sử dụng theo quy ước chung đó. Do vậy, thông điệp mà tôi muốn đưa ra là các học sinh phải biết cách kiểm soát và nhận diện thông tin trên mạng xã hội, phải biến đó trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ học tập, dùng để đẩy nhân cách mình lên cho hoàn thiện hơn, là nơi giao lưu chia sẻ thông tin tích cực, nhân các điểm sáng để cuộc sống tốt đẹp hơn”, ThS Duy cho hay.

Anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cho biết, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tập trung triển khai các chuyên đề kỹ năng về ứng xử văn hóa khi sử dụng mạng xã hội dành cho học sinh tại 10 trường THPT trên địa bàn TP. Nội dung chuyên đề xoay quanh cách tiếp nhận và xử lý thông tin trên mạng xã hội, xây dựng hình tượng cá nhân, quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Từ đó, học sinh chủ động xây dựng văn hóa giao tiếp mạng xã hội phù hợp với lứa tuổi và trình độ hiểu biết. Ngoài chuyên đề “Ứng xử văn hóa mạng xã hội”, Trung tâm tổ chức các chuyên đề về Kỹ năng giao tiếp - ứng xử trong môi trường học đường, Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng tạo lập và duy trì các mối quan hệ, Kỹ năng hội nhập và thích nghi môi trường mới, Phương pháp học tập hiệu quả,...

Ngoài ra, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cũng cho hay đang phối hợp với Ban An toàn giao thông TP, Đội Tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt – Công an TP.HCM tổ chức chương trình “Hành trình văn hóa giao thông” trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12.2018.

Trong chương trình, các chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ hỗ trợ học sinh tiếp cận kiến thức pháp luật, xử lý tình huống và ứng xử văn hóa thông qua việc tái hiện các tình huống sai phạm khi tham gia giao thông qua các vở kịch, sân khấu hóa.

Song song với hoạt động nói trên, Trung tâm phối hợp với Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức “Tư vấn pháp luật” tại 15 trường THPT. Chương trình xây dựng các vở kịch tình huống pháp luật hoặc sân chơi kiến thức pháp luật trong giờ sinh hoạt dưới cờ, cũng như thông qua hoạt động “Phiên tòa giả định”… 

 Bài, ảnh: THÙY TRANG

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top