Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch tại vịnh Hạ Long: Cho tàu nằm bờ vì chạy cũng lỗ...

Thứ Tư 12/08/2020 | 11:28 GMT+7

VHO- Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm mạnh dù đến giờ tỉnh này vẫn là điểm đến an toàn, chưa có trường hợp nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng đợt 2.

Sau 2 tháng hồi phục, đội tàu tại vịnh Hạ Long lại vắng bóng khách

Tuy nhiên, các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long vẫn đồng loạt gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin dừng hoạt động vì thu không đủ nộp thuế.

Đội du thuyền đầu tư hàng nghìn tỉ đồng… “ngủ đông”

Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh, sau khi xuất hiện bệnh nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Đà Nẵng hôm 25.7, lượng khách đến vịnh Hạ Long mỗi ngày chỉ 100- 200 người. Có ngày chỉ có khoảng 10 tàu du lịch xuất bến ở Cảng tàu du lịch Tuần Châu, đưa khoảng vài trăm du khách thăm vịnh Hạ Long.

Với hơn 500 tàu du lịch (cả tàu theo giờ và tàu lưu trú đêm) đang hoạt động trên vịnh, tính ra hơn 2-4 tàu phục vụ 1 khách. Trong khi đó, khi dịch chưa bùng phát trở lại mỗi ngày thường vịnh Hạ Long đón trên 10 nghìn lượt khách; ngày cuối tuần đón từ 20- 30 nghìn lượt, tức là còn cao hơn cả thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 lần trước. Trong đợt dịch đầu, các chủ tàu ở Hạ Long đã lao đao vì không có khách, không có nguồn thu. Doanh nghiệp “đắp chiếu” đội tàu nghìn tỉ mấy tháng trời. Đến tháng 5, du lịch khởi động lại, giá tour trọn gói đã giảm tới 40- 50% (chỉ còn chưa đến 2 triệu đồng/ khách cho tour 2 ngày 1 đêm). Ông Đoàn Duy Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du thuyền Pelican Cruise cho biết: “Doanh nghiệp có khoảng 10 tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long và Lan Hạ, hầu hết hạng 4 - 5 sao. Dù vẫn đón khách nhưng gần như cả tuần nay phải nằm bờ. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long chủ yếu đón khách nước ngoài. Sau giãn cách xã hội, du lịch quốc tế chưa mở cửa trở lại, mấy tháng qua, chúng tôi chỉ phục vụ khách nội địa”.

Ông Phú còn chia sẻ: “Để kích cầu du lịch nội địa, hưởng ứng Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, hầu như các hãng tàu kinh doanh dịch vụ lưu trú đêm đều giảm giá 50- 70%. Tàu của chúng tôi trước đây bán cho khách nước ngoài 420 USD/ phòng/ 2 người (tương đương 10 triệu đồng/ đêm/ 2 người) nhưng từ tháng 5.2020 đến nay, giảm hơn 50% chỉ bán 2,2- 2,4 triệu/ đêm/người). Với mức giá này, trừ đi chi phí 500 nghìn đồng/ người giá vé nghỉ đêm trên vịnh, ăn 3 bữa, xe đưa đón từ Hà Nội- Hạ Long… thì doanh nghiệp chắc chắn lỗ. Nhưng thà thế còn hơn không có khách nào và như thế, mới thấy du lịch đã bắt đầu hồi sinh. Sau khi dịch bùng phát đợt 2, khách giảm đột ngột, đến nay gần như không còn. Trong khi đó, công ty mỗi tháng trả ngân hàng khoản vay 80 tỉ đồng, cả gốc và lãi 1,2 tỉ đồng. 497 lao động người Việt và 12 người nước ngoài thì giờ đã nghỉ thất nghiệp 80%, còn 100 người (60 người trực tàu, 10 nhân viên kỹ thuật, 2 kế toán, 1 kinh doanh, 2 lễ tân…). Mỗi tàu chúng tôi đóng mới 45- 50 tỉ đồng, có tàu mới đi vào hoạt động. Mỗi ngày, mở mắt ra chúng tôi mất hàng chục triệu đồng”.

Không phải chỉ cá nhân ông Phú, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tàu khác ở trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) cũng đang kêu cứu vì đứng trước nguy cơ phá sản. Biết là “thuyền lớn thì sóng to”, có gan làm thì có gan chịu nhưng các chủ tàu cũng chỉ còn cách “kêu cứu” Chính phủ và cơ quan chức năng để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Xin dừng vì càng hoạt động càng lỗ

Ông Bùi Công Hoan, Chi hội phó Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết: “Đến nay, hầu hết chủ tàu đăng ký hộ kinh doanh cá thể (tàu tham quan vịnh Hạ Long theo giờ) đều xin dừng hoạt động vì những hộ này nộp thuế khoán nên dù đón ít hay nhiều khách vẫn nộp từ 7-8 triệu đồng/tháng/tàu. Mặc dù các hộ đã có đơn xin được nộp thuế theo chuyến nhưng không được chấp nhận. Thu không đủ bù chi, việc các hộ cá thể này xin tạm dừng đón khách là dễ hiểu”.

Đối với tàu ngủ đêm còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Hiện nay trên vịnh Hạ Long có 187 tàu du lịch lưu trú với 2.181 phòng, thu hút khoảng 1.200 lao động trực tiếp trên tàu và hàng nghìn lao động gián tiếp. Tổng giá trị đầu tư của số lượng tàu lưu trú ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn vay ngân hàng chiếm phần lớn. Mỗi năm, đội tàu nghỉ đêm phục vụ hàng triệu khách quốc tế và trong nước, do ảnh hưởng dịch, công suất sử dụng buồng phòng của 187 tàu nghỉ đêm chỉ đạt hơn 10%. Tuy nhiên, trong đợt đầu dừng hoạt động vì dịch Covid-19 cho tới nay các chủ tàu cũng như các nhân viên hầu như không được hỗ trợ gì từ khoản hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ, và cũng chưa tiếp cận được gói vay ưu đãi 250.000 tỉ đồng do điều kiện, thủ tục rất bất cập.

Chi hội Tàu du lịch Hạ Long trong các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng đã kiến nghị với chính quyền, cơ quan chức năng đề nghị được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay; miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm chi phí điện, nước… Trong tình hình dịch phức tạp hiện nay, doanh nghiệp đã không có khách, không nguồn thu nhưng không được miễn giảm phí dịch vụ qua cảng, phí rác thải sinh hoạt, giá điện vẫn là giá kinh doanh (6.000 đồng/ số)… Trong bối cảnh mới, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành Du lịch Quảng Ninh, trong đó có các tàu du lịch đã xây dựng những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu và xu hướng mới của du khách. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh và phức tạp đã tác động đến tâm lý của du khách, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh chung.

Hầu hết các sản phẩm du lịch mới, chương trình, khu, điểm du lịch đều đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, kèm theo những tiện ích đáp ứng thị hiếu du khách. Nhưng dù cố gắng đến thế nào thì các doanh nghiệp kinh doanh du lịch rất khó để đảm bảo tiến độ cho một kế hoạch lớn trong thời gian dài vì phải phụ thuộc vào diễn biến của dịch. Doanh nghiệp thậm chí đã xác định tâm lý “chung sống với dịch Covid-19”, đồng thời nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc tuân theo quy định của Chính phủ, của các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động. Ở tất cả các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, xe vận chuyển khách du lịch, máy bay, nhà hàng… đều được khử trùng định kỳ, nhân viên luôn đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của Bộ Y tế; cung cấp miễn phí cho khách xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn; yêu cầu khách đeo khẩu trang... Do dịch diễn biến phức tạp, khả năng kéo dài nên nhiều khách du lịch lo ngại, thắt chặt chi tiêu, có xu hướng du lịch tiết kiệm để tăng nguồn quỹ dự phòng rủi ro cho gia đình.

Ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay, theo chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh, ngành Du lịch tỉnh đã rà soát các hoạt động du lịch, tạm dừng các điểm tham quan, khuyến cáo doanh nghiệp lữ hành đảm bảo an toàn không đón khách các vùng dịch; khai báo y tế bắt buộc... Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều khách sạn và doanh nghiệp lữ hành đến nay cũng đã tạm dừng hoạt động kinh doanh. Ông Thủy đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng chính sách tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP: gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tiền điện, nước, vay vốn, giảm lãi suất, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong ngành Du lịch...

Sở Du lịch Quảng Ninh cũng nghiên cứu những kịch bản hồi phục du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và tìm kiếm những giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất-kinh doanh, tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

THUÝ HÀ 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top