Có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS với chiến dịch K=K

VHO- K=K là chiến dịch quốc gia Không phát hiện = Không lây truyền mang ý nghĩa người sống chung với HIV đang điều trị và có tải lượng virus không phát hiện được sẽ không thể lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục, từ đó tiến tới đẩy lùi và loại bỏ dịch HIV.

Theo thống kê, tính đến ngày 31.12.2018 cả nước có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó 2.150 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong. 63% số người nhiễm HIV ở Việt Nam lây nhiễm qua con đường tình dục, chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-49. Tại hội thảo Không phát hiện bằng không lây nhiễm (K=K) do Cục Phòng chống HIV, AIDS (Bộ Y tế) tổ chức với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế như Dự án VAAC- US, CDC (Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ) và tổ chức Prevention Access, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV, AIDS cho biết, những người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có hiệu quả đến mức có số lượng virus thấp nên không thể làm lây truyền được qua đường quan hệ tình dục, kể cả khi không sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su. Điều này được gọi là K=K (Không phát hiện = Không lây truyền).

Có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS với chiến dịch K=K - Anh 1

Chiến dịch K=K được khởi động tại Hà Nội

“Mục tiêu của chiến dịch K=K là tăng cường nhận thức về mối quan hệ giữa sự ức chế virus và lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục. Cụ thể, những người uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ không thể lây truyền HIV sang bạn tình”, ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV, AIDS, K=K không phải là vĩnh viễn mà khi đạt đến kết quả K=K phải tiếp tục duy trì, tuân thủ điều trị nếu không tải lượng virus HIV sẽ tăng lên trong cơ thể người bệnh. Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng. Do đó, người bệnh cần vượt qua sự tự ti, tuân thủ điều trị và tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ người có H; đòi hỏi sự nỗ lực của cả bệnh nhân, bác sĩ và cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam có khoăng 135.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị. Ông Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng chống HIV/AIDS) cho hay, chiến dịch quốc gia K=K do Cục Phòng chống HIV/AIDS làm đầu mối sẽ tập trung ở trung ương và 11 tỉnh, thành phố và triển khai lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, tập huấn cán bộ, vận động chính sách... Mục tiêu của chiến dịch là thay đổi quan niệm nhiễm HIV không còn “án tử” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và quản lý được; tăng cường sự tham gia của các địa phương trong chỉ đạo, giảm kỳ thị và đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS…

            Q.HOA

Ý kiến bạn đọc