Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Xung quanh chuyện đào được chiếc bình, bán 400 triệu đồng ở Nghệ An: Ai dám khẳng định đó là cổ vật?

Thứ Hai 10/12/2018 | 10:15 GMT+7

VHO-  Thông tin cặp vợ chồng nghèo “bỗng dưng” đổi đời nhờ phát hiện (hay nhặt, đào được) một chiếc bình cổ và bán ngay sau đó với giá 400 triệu đồng, được nhiều báo chí phản ánh khá chi tiết trong những ngày qua. Nhưng cá nhân người viết lại thấy rằng, trong câu chuyện này có điều gì đó chưa thật sự minh bạch, nói cách khác ở đây đang tồn tại những nghi vấn cần giải đáp...

 

 Tổng hợp từ nhiều bài báo phản ánh việc phát hiện chiếc bình cổ ở Nghệ An cho thấy xuất hiện nhiều tình tiết khác nhau, nhất là địa điểm, nằm lộ thiên hay đào xuống mới xuất lộ...

Không biết giá trị nhưng vẫn ra giá 250 triệu

Cụ thể, theo lời ông Ngân Văn Xuân ở bản Bon (xã Tiền Phong, Quế Phong-Nghệ An), kể lại: Sáng ngày 28.11, vợ ông đi vào khu vực lán rẫy ở Huồi Xa (thuộc bản Bon) để làm cỏ đồi keo. Khi đến gần đoạn đường mà máy xúc đã làm đường chuyển keo trước đó, bà Xuân cuốc thấy cái bình trồi lên nhưng không dám xem nên chạy về gọi ông Xuân ra xem. Ông Xuân lên rẫy và đào chiếc bình gốm đem về nhà trong chiều cùng ngày. Về đến nhà ông Xuân vội vàng đưa chiếc bình mới đào được ra lau rửa. Dân bản thấy vậy kéo đến xem rất đông, người thì chụp ảnh, người khác quay clip tung lên mạng xã hội Facebook.

Đến tối cùng ngày, có mấy người đến hỏi mua và đặt cọc tiền khi đọc được thông tin trên mạng xã hội. Mặc dù chưa biết giá trị nhưng ông Xuân cũng “phát” giá bán bình cổ này với 250 triệu đồng. Càng về sau thấy nhiều người đến hỏi mua và có người đàn ông ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) trả giá 400 triệu đồng và ông Xuân đã đồng ý bán. Khoảng 8 giờ ngày 29.11 ông Xuân đã giao bình gốm cổ và nhận 400 triệu đồng.

Có báo lại phản ánh, ngày 28.11 trong lúc đi rẫy, vợ chồng ông Ngân Văn Xuân may mắn tìm thấy một chiếc bình gốm lộ thiên ở cùng bản. Ông Xuân đào chiếc bình lên rồi đem về nhà chùi rửa. Rất nhiều người dân tò mò kéo đến xem, chụp ảnh, quay clip tung lên mạng xã hội Facebook. Cũng theo báo chí, ông Xuân cho biết 4 ngày trước đó (28.11), vợ chồng ông lên rẫy trồng keo của gia đình để cuốc cỏ. Khi đang cuốc cỏ, vợ chồng ông bất ngờ phát hiện một vật lạ nằm sâu dưới lòng đất nên tiếp tục đào để xem. Đào sâu xuống nửa mét, vợ chồng ông đưa lên được 1 chiếc bình màu vàng nhạt. Thấy có hoa văn lạ mắt, vợ chồng ông Xuân sau đó đưa về nhà. Sau khi rửa sạch, ông nghi đó là bình cổ nên báo cho hàng xóm xung quanh đến xem.

“Tôi cũng không biết bình này là bình cổ hay gì mà sau khi họ đăng lên mạng, rất nhiều người đã về xem bình rồi trả giá hỏi mua”, ông Xuân nói và cho biết, sau đó ông đã quyết định bán cho một người ở TX Thái Hòa (Nghệ An) với giá 400 triệu đồng. Cũng theo ông Xuân, số tiền bán được từ chiếc bình này ông đã đưa đi trả các khoản nợ sửa nhà. Ngày 3.12, ông Hà Sỹ Quế, Trưởng Công an xã Tiền Phong xác nhận thông tin, những ngày qua người dân trên địa bàn xã xôn xao thông tin vợ chồng ông Ngân Văn Xuân đào được chiếc bình cổ và bán với giá 400 triệu đồng. “Tôi xuống gặp ông Xuân nhiều lần nhưng chưa gặp được vì vợ chồng ông đi rừng rẫy suốt. Tôi có hỏi dân bản thì một số nói có biết và một số nói không biết. Vì sau khi đào được bình, có người hỏi mua nên ông Xuân bán luôn lúc đó”, Trưởng Công an xã Tiền Phong nói và cho biết sẽ tiếp tục xuống gặp ông Xuân để xác minh thông tin.

Việc người dân trong lúc đi làm đồng, đào mương... phát hiện cổ vật không phải là chuyện hiếm. Nhưng thông tin một cặp vợ chồng ở huyện miền núi cao Quế Phong vô tình nhìn thấy (lộ thiên), đào xuống mới xuất lộ hay cuốc sâu xuống nửa mét đất mới phát hiện được toàn bộ chiếc bình như đã đề cập ở trên thì cần phải xem là chuyện... hơi bị lạ. Xem qua ảnh đăng trên báo chí, người viết bước đầu đoán định hiện vật là chiếc bình đó có khả năng thuộc dòng gốm cổ hoa nâu Việt Nam (kiểu dáng, màu sắc, hoa văn), song thấy làm lạ là, vì sao người dân lại “cuốc siêu” như cán bộ khảo cổ khiến cho chiếc bình không có một tỳ vết nứt, nẻ. Hơn nữa, nếu là bình cổ thật thì vì sao nó lại bóng lộn như vậy. Và chỉ sau chưa đến một ngày, cái bình cổ ấy đã có người đến mua với giá 400 triệu đồng.

Bằng những mối quan hệ và qua những nguồn tin khác nhau, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa thể biết đích danh người đàn ông ở thị xã Thái Hoà (huyện Nghĩa Đàn) mua được chiếc bình cổ trên là ai. Nói theo ngôn ngữ của một dân “anh chị” trong giới sưu tầm cổ vật, “đây có khả năng là một kịch bản được dàn dựng khá vụng về”.

Nuột nà, chải chuốt quá!

Để xác thực thêm ở góc độ chuyên môn, chúng tôi đã liên hệ với TS Phạm Quốc Quân, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về gốm hoa nâu Việt Nam. Sau khi đã xem ảnh và clip về việc phát hiện bình gốm ở huyện Quế Phong mới đây, TS Phạm Quốc Quân cho biết: “Tôi đã xem kỹ clip và nhiều bức ảnh của hiện vật này trên báo mạng. Có thể nói, mới xem qua thì dễ thấy rằng từ kiểu dáng, hoa văn, màu men... của hiện vật ấy có phảng phất dòng gốm hoa nâu Việt Nam. Nếu ai có một chút kiến thức về gốm hoa nâu Việt Nam cũng có thể nhận ra. Nhưng điều làm cho tôi ngạc nhiên là màu men của hiện vật này không hề bị bong tróc hay ràn rạn như những hiện vật gốm cổ mà chúng tôi đã nghiên cứu trong suốt hàng chục năm qua. Trong khi đó màu men hiện vật của cái gọi là mới được tìm thấy ấy lại rất “nuột nà”, “chải chuốt”, không hề có dấu hiệu của sự thăng trầm thời gian qua hàng trăm, thậm chí nghìn năm”.

Cũng theo TS Quân, hoa văn trang trí trên hiện vật này được “copy” từ dòng gốm cổ hoa nâu Việt Nam nhưng lại thể hiện sự ngớ ngẩn và gần như không có trong hệ gốm cổ hoa nâu. Thứ nhất, cánh sen rất dại, hình cách điệu rồng không rõ ràng. Qua nghiên cứu cho thấy, hình rồng xuất hiện trên trang trí loại nắp hộp tròn gốm hoa nâu. Rồng chạm nổi, mang đặc điểm của hình rồng thời Lý bố cục trong hình tròn; hai hình rồng trên thành ngoài chậu. Điều đáng chú ý ở đây là hình rồng không chỉ phản ánh niên đại thế kỷ 11-13 cho các hiện vật mà còn cho thấy sự tồn tại tương đồng cùng mô típ vòng tròn nhỏ, vạch thẳng song song, văn mây hình khánh. Với hình rồng Lý trên nắp hộp, trên chậu chúng ta có những mốc chuẩn về niên đại Lý của gốm hoa nâu.

Sang thời Trần, có hình rồng khắc trên mặt khiên của hai võ sĩ đấu giáo trên thạp. Đặc biệt hình rồng chạm khắc nổi trên mô hình tháp gốm chùa Chò, cho thấy thấy 2 kiểu: Kiểu 1, rồng trong khung hình chữ nhật, đầu ngẩng cao, thân uốn thắt túi. Toàn thể dáng rồng vận động theo hình nửa lá đề. Kiểu 2, rồng trong tư thế vận động theo phương nằm ngang, khoảng giữa uốn khúc hình “yên ngựa”. Ngoài ra còn thấy hình rồng trên liễn, rồng trên thạp gốm hoa nâu mới phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long.

Còn ở hiện vật này lại không cho thấy những điều đó. Hơn nữa, ở giữa hiện vật này có hai con thú, nhìn qua tưởng là hổ đang tranh cướp hoặc vờn nhau nhưng đó không phải là hổ. Hổ của gốm hoa nâu hoàn toàn khác, theo đó hổ cũng giống như sư tử là tượng trưng cho sức mạnh. Trên thạp gốm hoa nâu mới thấy chạm khắc tô nâu 2 hình hổ đuổi nhau. Trên một chiếc liễn hoa nâu cao 21cm, đường kính miệng 16,5cm, thành ngoài khắc tô nâu 1 hình hổ ngồi. Còn nếu cho rằng hai hình thú trên hiện vật ấy là hình thú lạ, khó nhận biết loài thú nào thì nó cũng chưa từng xuất hiện trong mô típ của gốm cổ hoa nâu. Cuối cùng, ở chân hiện vật có hoa văn sóng nước nhưng nó hoàn toàn xa lạ với hình thức gốm hoa nâu cổ mà chúng tôi đã nghiên cứu.

“Tóm lại, hiện vật mà báo chí phản ánh chưa đủ cơ sở để xác định nó là cổ vật. Nói cách khác hiện vật trên trong thuật ngữ chuyên môn gọi là thạp, mang phong cách gốm hoa nâu Việt Nam nhưng đó không phải là gốm hoa nâu cổ mà chúng tôi đã từng tiếp cận, nghiên cứu trong hàng chục năm qua”, TS Phạm Quốc Quân nhận định.

Hiện vật mà báo chí phản ánh chưa đủ cơ sở để xác định nó là cổ vật. Nói cách khác hiện vật trên trong thuật ngữ chuyên môn gọi là thạp, mang phong cách gốm hoa nâu Việt Nam nhưng đó không phải là gốm hoa nâu cổ mà chúng tôi đã từng tiếp cận, nghiên cứu trong hàng chục năm qua.

(TS Phạm Quốc Quân)

 

LÂM SƠN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top