Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Hợp tác hiệu quả từ việc "trùng tu khảo cổ học" phế tích đền tháp Chăm tại Mỹ Sơn

Thứ Sáu 07/12/2018 | 22:15 GMT+7

VHO- Hội thảo “Quy trình kỹ thuật trùng tu phế tích đền tháp Chăm Mỹ Sơn, qua trường hợp tu bổ, bảo tồn phế tích tháp E7 và nhóm G” vừa diễn ra tại Khu đền tháp Mỹ Sơn không đơn thuần chỉ là giới thiệu kết quả các dự án mà còn ghi nhận sự chuyển tiếp giai đoạn trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính cùng phương pháp trùng tu khảo cổ học trong trùng tu di tích đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn. Đây còn là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả ba bên UNESCO-Việt Nam-Italia.

Hội thảo do Viện Bảo tồn di tích (Viện BTDT) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL DSVH) tổ chức vào ngày 7.12 tại Mỹ Sơn. 
Thông qua đánh giá, khảo sát điền dã tại thực địa, các chuyên gia đã trao đổi những vấn đề đã được áp dụng trong thực tiễn trùng tu tại tháp E7; kết quả nghiên cứu khảo cổ và sự đóng góp của khảo cổ học tại nhóm tháp G và E7. Qua đó  một lần nữa củng cố vững chắc quy trình kỹ thuật, các giải pháp can thiệp đã được thực nghiệm qua thực tế trùng tu, theo phương pháp trùng tu khảo cổ học kết hợp tái định vị, gia cố tại hai dự án nhóm tháp E7 và G. 
Khu di tích Mỹ Sơn là nơi ghi nhận rõ rệt nhất các dấu ấn kỹ thuật của quá trình phát triển và định hình phương pháp trùng tu kiến trúc đền tháp Chăm qua các giai đoạn khác nhau.

my son-thuc dia thap E7

 Các đại biểu tham gia khảo sát thực địa tại tháp E7

Từ năm 1981-1985, chương trình hợp tác Việt Nam- Ba Lan với sự tham gia của Trung tâm Bảo quản, Tu bổ di tích Trung ương (Viện BTDT hiện nay) được thực hiện tại Mỹ Sơn. Phương pháp tái định vị và gia cố các thành phần bị đổ nát được thực hiện thời kì này đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn di sản kiến trúc Chăm, góp phần để Mỹ Sơn trở thành DSVHTG. Gia cố tôn tạo, trùng tu nhóm tháp B, C, D.
Những năm 1997-2000, các chuyên gia Italia đã khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau (điều kiện vật lý, địa chất, thủy văn,…) tới thực trạng bảo tồn của khu di tích tại Mỹ Sơn. Đặc biệt là các nghiên cứu khám phá về gạch xây, chất kết dính và kỹ thuật xây dựng gốc. Trên cơ sở các nghiên cứu này, dự án hợp tác ba bên UNESCO-Việt Nam-Italia đã được triển khai với dự án “Bảo vệ di sản thế giới Mỹ Sơn-Thuyết trình và Tập huấn ứng dụng các chuẩn mực quốc tế trong trùng tu tại Nhóm tháp G-khu di tích Mỹ Sơn” (gọi tắt dự án trùng tu nhóm tháp G).

my son- chuyen gia Italia nghien cuu vat lieu
Các chuyên gia Italia nghiên cứu về vật liệu tại Mỹ Sơn

“Có thể nói, dự án trùng tu nhóm tháp G trở thành sự kiện đánh dấu sự chuyển tiếp giai đoạn của công tác trùng tu đền tháp ở Mỹ Sơn”,  TS Mauro Cucarzi, Giám đốc Quỹ Lerici, nhấn mạnh. 
Dự án bắt đầu từ năm 2003-2013,  góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G đồng thời đã tìm ra  vật liệu thay thế cho việc trùng tu các tháp Chăm nói chung, đó là đã nghiên cứu sản xuất thành công gạch phục chế có tính năng tương đương với gạch Chăm cổ và đặc biệt là chất kết dính có nguồn gốc thực vật.Cùng với việc tiến hành nghiên cứu và phát lộ khảo cổ học trên diện tích hơn 1800m2, hơn 3000 hiện vật khảo cổ và mảnh vỡ kiến trúc được thống kê, phân loại.  
TS.KTS Hoàng Đạo Cương- Phó Viện trưởng Viện BTDT cho biết: Mặc dù có sự khác biệt trong việc sử dụng vật liệu trùng tu song các giải pháp trùng tu cơ bản áp dụng ở dự án vẫn là gia cố, tái định vị, bảo quản tu sửa nhỏ và phục hồi chừng mực. Về cơ bản, những quan điểm và định hướng áp dụng bảo tồn, trùng tu các di tích tại Mỹ Sơn được áp dụng từ giai đoạn trước vẫn được thống nhất và tiếp nối.

my son-thuc dia tai thap G

Các đại biểu thực địa tại tháp G

 Song song với việc hợp tác với chuyên gia Italia, từ năm 2011-2015, Viện BTDT cũng đã tiến hành thực hiện dự án trùng tu bảo tồn tháp E7, một trong số các kiến trúc Kosa grha có mái cong hình thuyền còn nguyên vẹn nhất về hình dáng kiến trúc. Dự án này là bước thực tiễn hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính do Viện BTDT thực hiện, tiếp nối kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu chung với các chuyên gia Italia. 
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá kết quả và quy trình kỹ thuật trùng tu đã áp dụng tại dự án tháp E7, tham chiếu dự án trùng tu nhóm tháp G. 

my son-thap E7 khi chua phuc dung
 Tháp E7 trước khi bảo tồn

Hầu hết ý kiến tại hội thảo đều cho rằng phương pháp trùng tu với những kỹ thuật và vật liệu trùng tu dựa trên nguyên tắc “Trùng tu khảo cổ học” được áp dụng đã thể hiện hiệu quả và sự thành công trong trùng tu bảo tồn tháp E7. Kết quả này trở thành cơ sở thực tiễn quan trọng giúp đánh giá và khẳng định sự phù hợp của phương pháp “Trùng tu khảo cổ học” cùng với các kỹ thuật gia cố, tái định vị-anastilosis trong trùng tu đền tháp tại Mỹ Sơn mang lại hiệu quả cao về bảo tồn. Đồng thời khẳng định công tác trùng tu các đền tháp Mỹ Sơn sang một giai đoạn mới,  ở một cấp độ cao hơn về khoa học.
Ở góc độ khảo cổ học, nhà khảo cổ Patrizia Zolese- Giáo sư Đại học Bách khoa Milano, cố vấn về văn hóa của UNESCO, người đã gắn bó với công tác trùng tu, bảo tồn tại Mỹ Sơn thời gian qua, đã đánh giá cao công tác nghiên cứu khảo cổ và sự tham gia, đóng góp của khảo cổ học trong việc tiếp cận, tái tạo lại ý nghĩa lịch sử trong công tác trùng tu, bảo tồn tháp E7 và nhóm tháp G. 
Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đã từng tham gia dự án ở nhóm tháp G như TS M. Cucarzi;  GS P. Zolese đánh giá cao chính là việc qua hợp tác, một đội ngũ chuyên gia của cả Italia và Việt Nam trở thành những chuyên gia, cán bộ, kỹ thuật viên Việt Nam có chuyên môn cao trong trùng tu tháp Chăm “được đào tạo” thông qua dự án và những người thợ địa phương lành nghề phục vụ cho việc trùng tu. 

my son-chuyen gia Italia va VN trong qua trinh trung tu thap G

Các chuyên gia Italia và Việt Nam trong quá trình trùng tu tại nhóm tháp G

Từ những kết quả trên, hội thảo cũng tập trung thảo luận, đề xuất biện pháp duy trì và phát huy hiệu quả đã đạt được của hai dự án tại nhóm tháp G và E7. 
Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, qua 40 năm, kể từ thời điểm năm 1980 đến nay, chúng ta đã nắm vững được đối đầy đủ tình trạng kĩ thuật và tình trạng bảo tồn của các di tích đền tháp Chăm trên mặt đất, hầu như loại bỏ được tình trạng đổ nát của chúng, đã cải thiện cơ bản tình trạng tồn tại và khôi phục từng phần các di tích bài bản và giải pháp kĩ thuật tương đối phù hợp, không làm tổn hại đến tình trạng bảo tồn. Một số di tích đã phát huy tốt, trở thành những điểm tham quan du lịch hấp dẫn. 
Tuy nhiên, dù đã đạt kỹ thuật chế tác gạch và kỹ thuật gắn kết không mạch tương tự kỹ thuật cổ xưa của người Chăm thì vẫn nên hạn chế ở chừng mực hợp lý những phần việc phục hồi và nếu nhất thiết phải làm việc ấy thì nên tạo ra sự khác biệt, như là một tín hiệu để phân biệt cái “gốc” với cái “bổ sung”. 

 

my son-tham quan thap G sau khi trung tu
 Du khách tham quan nhóm tháp G sau trùng tu

KHÁNH CHI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top