Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Báo Văn Hóa có nhiều bài viết tốt về văn hóa

Thứ Tư 12/08/2020 | 11:01 GMT+7

VHO- Cách đây đúng 22 năm, thứ Tư, ngày 12.8.1998, ngay trang đầu của Báo Văn Hóa (số báo 390, thứ Tư, ngày 12.8.1998) có bút tích của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Tôi thường đọc Báo Văn Hóa, thấy báo cónhiều bài viết tốt về chủ đề văn hóa - mong các đồng chí tiếp tục phát huy tốt hơn nữa”.

Những lời động viên, khích lệ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trên Báo Văn Hoá số 390, xuất bản vào thứ Tư, ngày 12.8.1998

Những lời nhắn gửi đầy khích lệ và động viên kịp thời của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Văn Hoá trong công cuộc đấu tranh, góp một phần vào việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hoá của dân tộc.

Trở lại câu chuyện của 22 năm trước, số báo 390 vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư động viên, cổ vũ. Đó là những ngày đầu tháng 5.1998, Báo Văn Hóa nhận được thông tin khu di tích Yên Tử ở Quảng Ninh đang bị tàn phá ghê sớm bởi nạn khai thác than “thổ phỉ” và cả những đơn vị khai thác than nhà nước. Thông tin này được Ban Biên tập kiểm tra, xác minh qua cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Tuy nhiên, việc xâm hại di tích Yên Tử cũng được Ban Biên tập cân nhắc vì sự việc khá nhạy cảm và phức tạp. Nhạy cảm ở chỗ, khu Di tích lịch sử văn hoá Yên Tử là nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ, kinh đô Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - danh thắng cấp Quốc gia. Báo lại là cơ quan ngôn luận của Bộ, nếu thông tin việc di tích bị tàn phá bởi mục đích kinh tế (khai thác than), rất có thể sẽ gây bất bình trong dư luận. Thứ hai, khai thác than là hoạt động kinh tế chính của địa phương, nếu báo chí lên tiếng, phản ánh việc khai thác than ảnh hưởng tới di tích, cảnh quan môi trường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của địa phương, chắc chắn sẽ có những ý kiến không đồng tình từ lãnh đạo địa phương. Nếu chính quyền địa phương không hợp tác; phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường sẽ rất khó khăn, rất khó có những số liệu, những thông tin chính xác… Hơn nữa, theo phản ánh, các đơn vị tham gia khai thác tại khu vực này đã được cấp phép và đã đầu tư trang thiết bị khai thác tới hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, hàng trăm công nhân, những người lao động sẽ bị ảnh hưởng tới đời sống do không có việc làm. Và còn nữa là biết bao quan hệ chìm có, nổi có xung quanh vụ việc này.

Qua phân tích, Ban Biên tập báo nhận định: Việc lên tiếng bảo vệ Yên Tử chắc chắn sẽ được Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, một người rất am hiểu văn hoá, ủng hộ Báo đấu tranh trước những vụ việc xâm phạm di sản văn hoá. Nếu xin ý kiến để đồng chí Bộ trưởng có tiếng nói xuống dưới chắc sẽ được nhưng nghĩ đi nghĩ lại, không nên “đẩy khó” cho lãnh đạo Bộ bằng cách “xin ý kiến”… mà cứ chủ động triển khai.

Đúng như dự liệu, khi tổ phóng viên tác nghiệp trực tiếp được cử xuống địa phương, nơi đầu tiên tiếp cận là Văn phòng UBND tỉnh thì nhận được trả lời tỉnh queo: “Các đồng chí lãnh đạo địa phương bận, không thể tiếp các nhà báo. Còn việc khai thác than trên địa bàn Uông Bí có vi phạm hay không, đề nghị tới làm việc với Sở Văn hoá và Thông tin Quảng Ninh…”. Khổ nỗi, khi làm việc với Sở Văn hoá và Thông tin Quảng Ninh, lãnh đạo Sở cho biết: “Sở chưa được báo cáo về vấn đề này. Đây là vấn đề nhạy cảm, tốt nhất các nhà báo cứ đi tìm hiểu thực tế”.

“Phải tự lực cánh sinh thôi”, anh em phóng viên Báo Văn Hoá động viên nhau và quyết không bỏ cuộc. Mất khá nhiều thời gian mà không có được thông tin cần thiết, tổ phóng viên về thị xã Uông Bí. Rất may, Trưởng ban Quản lý di tích Trần Trương là một người vô cùng tâm huyết với Yên Tử. Suốt một tuần, khi thì đích thân ông đưa các phóng viên Báo Văn Hóa đi vào rừng, khi thì giao cho nhân viên quản lý đi cùng. Qua một thời gian gặp gỡ, sưu tầm, tổ phóng viên đã có khá nhiều tư liệu, bằng chứng về việc khai thác than của hai công ty than nhà nước và những lò than “thổ phỉ” đang hủy hoại nghiêm trọng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Yên Tử.

Trở về Hà Nội, loạt bài điều tra về những vi phạm nghiêm trọng tại khu Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Yên Tử do khai thác than được khởi đăng. Sau khi Báo Văn Hóa lên tiếng, các cơ quan thông tin đại chúng (báo viết, báo nói, báo hình…) cũng vào cuộc, dư luận có nhiều tiếng nói đồng tình.

Cũng sau khi Báo Văn Hóa khởi đăng loạt bài về “Xâm phạm di tích Yên Tử”, những đơn vị đang khai thác than trong vùng Yên Tử và lãnh đạo địa phương đã thành lập một đoàn thanh tra liên ngành đi khảo sát thực địa, nhưng không mời các cơ quan báo chí tham gia. Dường như mọi hoạt động của phóng viên Báo Văn Hóa trên địa bàn đều bị “theo dõi sát sao”. Ban Biên tập báo quyết định sử dụng “ngón” đặc tình, đề nghị nhà báo Sơn Công Khôi (báo Quảng Ninh) tìm cách “chui” vào đoàn kiểm tra liên ngành để cung cấp thông tin và viết bài cho Văn Hóa.

Đối với Báo Văn Hóa đấu tranh với những đơn vị kinh tế chủ lực của một Bộ, một địa phương khá được ưu ái là việc làm chưa từng có tiền lệ. Nhưng đã “cưỡi lưng cọp” thì phải nghĩ cách “chiến đấu tới cùng” và trong “cuộc chiến” ấy, sát cánh cùng Báo Văn Hóa bảo vệ di tích là rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, sử học nổi tiếng như GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Kính, Tổng Thư ký Hội KH lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc… Loạt bài này kéo dài nhiều kỳ, Ban Biên tập Báo Văn Hoá chịu rất nhiều áp lực, thậm chí có ý kiến từ trên đề nghị Báo dừng ngay vấn đề này.

Kỳ thực lúc đó Ban Biên tập rất phân vân. Đúng lúc đó nhà báo Nguyễn Văn Anh, Phó Tổng Biên tập nhận được “cú” điện thoại từ Văn phòng Trung ương Đảng: “Chúc mừng các đồng chí! Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa có ý kiến bút phê loạt bài về Yên Tử của Báo Văn Hóa”.

Với những tiếng nói đầy tâm huyết qua sự vào cuộc quyết liệt của Báo Văn Hóa trong đấu tranh với những xâm phạm Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Yên Tử đã được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặc biệt quan tâm. Thể hiện sự động viên cán bộ, phóng viên, ông trực tiếp để lại bút tích trên số báo 390, ra thứ Tư, ngày 12.8.1998 với nội dung: “Tôi thường đọc Báo Văn Hóa, thấy báo có nhiều bài viết tốt về chủ đề văn hóa - mong các đồng chí tiếp tục phát huy tốt hơn nữa”.

Giờ đây, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, những người làm Báo Văn Hoá vô cùng đau xót nhận được tin, trái tim đồng chí Lê Khả Phiêu đã ngừng đập. Trong niềm đau thương sâu sắc, khi đọc lại, nghiền ngẫm thêm về những lời tâm huyết của đồng chí căn dặn những người làm Báo Văn Hoá 22 năm trước, chúng tôi càng khâm phục sự quan tâm sâu sắc của đồng chí đối với Báo Văn Hoá nói riêng, sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá dân tộc nói chung.

Chúng tôi xin nguyện ghi nhớ và làm theo những lời dặn tâm huyết của đồng chí, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa, đưa tờ báo ngày càng phát triển vững mạnh, như đồng chí hằng mong muốn.

  Tôi thường đọc Báo Văn Hóa, thấy báo có nhiều bài viết tốt về chủ đề văn hóa - mong các đồng chí tiếp tục phát huy tốt hơn nữa.

(Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU)

 PHẠM NAM GIANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top