Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện về thầy Tào​​​​​​​ trẻ nhất ở Cao Bằng

Thứ Sáu 07/08/2020 | 10:38 GMT+7

VHO- Nhiều người những tưởng thầy Tào trong nghi lễ Cấp sắc phải là những bậc từ trung đến cao niên với phong thái uy nghiêm, trang trọng và “bí ẩn”, nhưng ở Cao Bằng, có một thanh niên trẻ mới ngoài đôi mươi đã được trao cho trách nhiệm nắm giữ “công việc” mang tính chất thực hiện và truyền nối các lễ nghi có ý nghĩa nhân văn cao cả trong cộng đồng người Tày.

 Thy Tào ch trì bui l và cũng là sư ph ca thy Tào tr Lãnh Sinh Trưởng

 Đã từng nghe và xem qua báo đài chứ chưa được tận mắt chứng kiến, nên khi nhận được thông tin có một lễ Cấp sắc thầy Tào của người dân tộc Tày tại xóm Nà Đỏm, xã Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng), chúng tôi lập tức chuẩn bị đồ nghề lên đường ngay.

Nghi lễ văn hóa mang tính cộng đồng

Con đường đến xóm Nà Đỏm, Xuân Trường chỉ khoảng gần một trăm cây số nhưng đã xuống cấp, lại là địa hình núi đồi quanh co nên phải mất gần hai giờ đồng hồ chúng tôi mới đến nơi, nhưng có lẽ vì quá hồi hộp và thích thú mong được mắt thấy tai nghe nghi lễ linh thiêng này nên không ai thấy mệt. Nà Đỏm là một xóm nhỏ của người dân tộc Tày, đẹp như một bức tranh cổ tích với những ngôi nhà sàn rêu phong, mái lợp ngói âm dương, nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi núi non trùng điệp.

Khách tham dự rất đông, chủ yếu là người thân và láng giềng đến phụ giúp cho buổi lễ. Đón tiếp chúng tôi, bác chủ nhà Lãnh Trọng Huyến và cũng là bố của người đang được Cấp sắc bước ra tay bắt mặt mừng như đã quen biết từ lâu: “Hôm nay là lễ Cấp sắc để con trai tôi chính thức được hành nghề thầy Tào. Các anh ở xa đến, xin mời vào uống rượu ăn cơm rồi làm việc sau”. Chúng tôi cũng uống một ly để tỏ lòng kính trọng chủ nhà rồi xin phép được tác nghiệp và cam kết sẽ không làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của buổi lễ.

Tranh thủ lúc thầy Tào nghỉ ngơi sau khi đọc sớ dâng lên tổ tiên, tôi tiếp cận phỏng vấn và thật sự bất ngờ khi biết nhân vật chính chỉ mới hai mươi sáu tuổi. Trong suy nghĩ của tôi, thầy Tào là những bậc trung và cao niên có phong thái uy nghiêm, trang trọng và có phần bí ẩn. Khi tôi tò mò hỏi tại sao lại chọn một nghề “đặc biệt” như vậy, thầy Tào trẻ tuổi Lãnh Sinh Trưởng tâm sự: “Mình đã đi theo thầy phụ việc từ năm mười ba tuổi, đến nay mới được làm lễ Cấp sắc để có thể trở thành một thầy Tào chính thức. Từ giờ mình có thể thay thầy chính làm những việc quan trọng, còn nếu chưa Cấp sắc thì không thay thầy làm lễ được đâu. Những người trẻ như mình làm thầy Tào rất ít, nhưng có lẽ đãlà duyên rồi thì mình không thể tránh được”.

Trong đời sống văn hóa của người Tày, những vị thầy Tào có khả năng kết nối với thế giới tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con có vụ mùa bội thu, xua tan đi những năng lượng tiêu cực và những điều không tốt đẹp trong cuộc sống... Chính vì vậy, thầy Tào được xem như những bậc “đức cao vọng trọng” và kể cả khi mất đi họ vẫn được coi là những vị thần có nhiều “binh lính” để giúp đỡ người dân. Thầy Tào chính chủ trì buổi lễ chia sẻ: “Để làm nghề cũng cần rất nhiều yếu tố, quy định nghiêm ngặt và tuyệt đối không được vi phạm nên không phải ai cũng theo được, có thể được truyền từ gia đình, dòng họ, nhưng cũng phải có “duyên” và tín tâm nữa. Theo quan niệm của người Tày, nếu số mệnh “có căn” làm thầy thì bắt buộc phải theo, nếu không bản thân hoặc gia đình sẽ gặp rắc rối. Lãnh Sinh Trưởng là người trẻ hiếm hoi theo nghề và thực sự tâm huyết”.

Thầy Tào trẻ nhất đất Cao Bằng Lãnh Sinh Trưởng (ngoài cùng bên phải)

Ngày càng ít người trẻ theo nghề

Buổi lễ diễn ra cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của họ hàng gần xa, hàng xóm láng giềng, mỗi người đều mang đến quà tặng cho gia chủ như tiền hoặc chùm gạo buộc kèm lá bưởi tươi treo trên giàn tre sát mép cửa để chúc phúc. Trong khi dự tiệc vui, bác Lãnh Trọng Huyến còn cao hứng chia sẻ thêm câu chuyện: “Ngày còn nhỏ, thấy thầy Tào làm lễ gần nhà, thằng Trưởng rất chăm chú xem rồi còn tò mò cầm dụng cụ của thầy gõ thử. Mọi người nhắc thì thầy bảo cứ kệ nó. Có lần nó còn cầm vung nồi bắt chước thầy ngồi gõ trước bàn thờ trong nhà khiến tôi sợ quá, đuổi đánh nhưng nó vẫn không chừa. Chắc đó cũng là cái duyên nên nhiều người khuyên tôi cứ cho nó theo, đừng cấm cản”.

Nghi lễ diễn ra với rất nhiều người hỗ trợ, ngoài sư phụ chủ trì lễ còn có thầy phụ việc và đặc biệt là các “bà bụt” người Tày cầm quạt múa phe phẩy, lắc chuông theo giai điệu, miệng đọc những câu từ “bí truyền” khiến buổi lễ trở nên huyền ảo. Không gian chính của nghi lễ gồm ba ban thờ, mỗi vị trí có chức năng, ý nghĩa riêng biệt, vật cúng tế cũng khác nhau. Trải qua nhiều nghi thức, cuối cùng là khi đã được xóa bỏ mọi tội lỗi, những điều chưa tốt của bản thân và gia đình thì chiếc áo màu đỏ, đôi giầy vải, chiếc khăn đỏ sẽ được bố mẹ trang trọng khoác lên người thầy Tào trẻ và đó là lúc nhân vật chính được công nhận là thầy Tào thực thụ.

Đặc biệt, bàn thờ chính là nơi dành riêng cho Lãnh Sinh Trưởng ngồi học tập các sách Tày cổ trong vòng bốn mươi ngày, không được tùy tiện ra ngoài, không dùng điện thoại hay giao tiếp với người lạ. Mọi việc phát sinh phải có sự đồng ý của sư phụ mới được phép làm. Sau buổi lễ, tất cả những bùa chú được dán trên nhà và gạo người nhà tặng sẽ được gỡ xuống, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ và kèm theo đó tiếng xóc chuông bạc kêu leng reng đồng điệu theo nhịp múa, điệu hát rộn ràng, vui vẻ.

Được tận mắt chứng kiến và tham dự một buổi lễ linh thiêng như vậy thật sự là một điều may mắn và là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời chúng tôi. Có lẽ những người trẻ tuổi tiếp nối nghề thầy Tào như anh Lãnh Sinh Trưởng sẽ ngày càng ít đi vì nghề này có nhiều quy định nghiêm khắc mà không phải ai cũng có thể tuân theo được. Hơn nữa, trong sự phát triển của xã hội hiện đại, các bạn trẻ lại có nhiều cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp yêu thích. Thầy Tào trẻ tuổi như Lãnh Sinh Trưởng thật đáng trân trọng vì đã “dũng cảm” dấn thân vào khó khăn để góp phần giữ gìn bản sắc độc đáo của dân tộc của mình, thực hiện và truyền nối các lễ nghi có ý nghĩa nhân văn cao cả trong cộng đồng người Tày. 

VĂN TIỆP

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top