Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

LHP Việt Nam: Chưa có danh bởi truyền thông yếu và thiếu

Thứ Sáu 31/07/2020 | 11:00 GMT+7

VHO- Công tác quảng bá yếu đã tác động không nhỏ đến mục tiêu xây dựng thương hiệu của LHP Việt Nam, đó cũng là lý do khiến phần đông khán giả mặc định rằng LHP chủ yếu được tạo ra với mục đích tuyên truyền và sẽ ưu tiên phim do Nhà nước đặt hàng, dù trên thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo

 Đó là ý kiến được phần đông đại biểu đưa ra tại Hội nghị - Hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 29.7 tại Hà Nội. Đã ở thời đại 4.0 mà công tác truyền thông vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ, vấn đề này thực sự cần được nhanh chóng đổi mới...

Nghệ sĩ trẻ vì sao hờ hững?

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh, LHP Việt Nam qua 21 kỳ tổ chức đã trở thành nơi tôn vinh các thành tựu nổi bật của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, nhu cầu và xu hướng phát triển của điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi LHP Việt Nam cần phải có thương hiệu được xây dựng một cách bài bản, khoa học, chuyên nghiệp. “Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh cùng các đơn vị liên quan xây dựng Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam”. Việc xây dựng Đề án là một trong những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Ý kiến của nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Văn Tình khiến nhiều người trong cuộc không khỏi chạnh lòng: “Trong quá khứ, LHP Việt Nam luôn là ngày hội quan trọng nhất của giới nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh. Vài năm trở lại đây, chúng ta thực sự xúc động khi chứng kiến các nghệ sĩ lão thành 70, 80 tuổi vẫn đến dự LHP quốc gia với niềm hứng khởi và say mê, trong khi một bộ phận nghệ sĩ điện ảnh đương thời lại tỏ ra thờ ơ, hờ hững. Đó là một thực tế đòi hỏi các nhà quản lý phải lưu tâm”.

Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cho rằng, LHP là dịp quý giá để tổng kết mỗi chặng đường 2 năm của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ: “Đã từng làm phim Nhà nước đặt hàng và phim do các NSX tư nhân bỏ vốn, nói về thương hiệu LHP, điều đầu tiên tôi nhận thấy là sự quảng bá cho LHP còn rất nhiều hạn chế. Nó cũng giống như những bộ phim Nhà nước, dù có chất lượng tốt nhưng khâu truyền thông, marketing gần như không có. Điều này gây ra hệ lụy lớn đến nỗi cứ nhắc tới phim Nhà nước là khán giả mặc định đó là những bộ phim tuyên truyền, khô cứng, thậm chí giáo điều…”. LHP Việt Nam đang ở một tình thế gần giống như vậy khi đang bị coi là tổ chức ra để tuyên truyền cho những phim do Nhà nước đặt hàng, mặc dù sự thật hoàn toàn ngược lại. Ví dụ sống động là phim Em chưa 18 hay Song Lang, những bộ phim đoạt giải Bông Sen Vàng tại 2 kỳ LHP gần đây, đều là phim của các NSX tư nhân.

Dù chúng ta đang ở thời kỳ 4.0 nhưng công tác truyền thông của LHP vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn đề tạo dựng thương hiệu LHP quốc gia bị ảnh hưởng và không được nhiều nghệ sĩ trẻ mặn mà. Cũng theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, tại các kỳ LHP trước, công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu từ trước khi Liên hoan diễn ra vài tháng. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để người dân có thể biết, tiếp nhận, chứ chưa nói đến việc tò mò và háo hức về LHP.

Chất lượng là cốt lõi của thành công

“Cần phải có những chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc đưa LHP Việt Nam tới gần nhất với khán giả. Tôi lấy ví dụ, tại sao trong vài năm gần đây, những bộ phim của VTV lại “hot” đến như vậy? Đó không chỉ bởi nội dung hấp dẫn hay vì lợi thế giờ vàng, mà còn là cả một chiến dịch lớn vô cùng táo bạo, bài bản và toàn diện mà họ đã làm. Đó là Facebook, những clip Viral tràn ngập trên mạng xã hội, trên YouTube, trên những cổng thông tin điện tử đa dạng, đặc biệt, họ có một App riêng dành cho thiết bị di động để khán giả có thể xem lại các bộ phim bất cứ lúc nào...”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương, để LHP quốc gia có thương hiệu, uy tín thì phải có nền điện ảnh mạnh, nhiều tác phẩm mang giá trị cao về nội dung, tư tưởng nghệ thuật và có sức lay động tới khán giả. Đây là một trong những vấn đề then chốt. Về vấn đề này, đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng cũng nhận định, có những kỳ LHP Việt Nam không có phim để trao giải cao nhất, đồng nghĩa với việc chúng ta không có nhiều phim hay, phim tốt. Mà chất lượng phim mới chính là cốt lõi của một LHP. Khi phim hay được trao giải, công chúng trong nước quan tâm, các LHP quốc tế, nhà phát hành nước ngoài đánh giá tốt sẽ khẳng định chất lượng và sự lựa chọn đúng đắn của LHP Việt Nam.

Làm sao để có phim hay lấp đầy giữa 2 kỳ LHP là một câu hỏi khó được đặt ra cho điện ảnh Việt Nam. Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, một LHP cần phải có Ban giám đốc cố định, hoạt động tốt và liên tục thì công việc chuẩn bị, chào mời, giới thiệu mới có thể diễn ra không bị gián đoạn. Và cũng cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên LHP để họ tiếp cận các LHP khác, vừa là quảng bá cho mình vừa mời các nhà làm phim quốc tế mang phim tới tham dự tại LHP Việt Nam. Nếu có nhiều phim lớn hay các nhà làm phim lớn tham dự thì LHP sẽ thu hút được sự quan tâm, chất lượng phim chiếu tại LHP cũng tăng lên và được coi là địa chỉ đáng tin cậy.

Nhiều người trong nghề cho rằng, dù mục tiêu cần có nhiều phim hay, phim tốt tham dự các kỳ LHP Việt Nam đang là một thách thức, song không phải là không làm được. Chẳng hạn, LHP Việt Nam có quỹ đầu tư cho các dự án và cá nhân thực sự có năng lực, tạo ra các phim tốt, làm tăng uy tín của LHP Việt Nam và điện ảnh nước nhà. Bên cạnh đó, LHP Việt Nam có thể tổ chức chợ phim với sự tham gia của các nhà phát hành quốc tế, tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất, các bộ phim Việt Nam có thể bước ra thị trường nước ngoài. Địa điểm tổ chức cũng nên giới hạn và cố định tại một hoặc vài tỉnh, thành để các khâu tổ chức, cơ sở vật chất và khán giả đều chuyên nghiệp và bảo đảm chất lượng. Ban giám khảo cũng cần có thêm các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế đến tham gia chấm giải để chọn lựa được các tác phẩm mang đậm bản sắc, nhưng cũng hội nhập được với nghệ thuật điện ảnh thế giới.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, trên cơ sở lắng nghe những ý kiến tại Hội nghị, trong thời gian tới, Cục Điện ảnh, BTC LHP Việt Nam sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đặc biệt là đổi mới về công tác quảng bá, tuyên truyền. Đội ngũ BGK cũng sẽ được đổi mới, trẻ hóa cả về quan điểm và tư duy nghệ thuật. Xu thế chung là hướng tới vận hành LHP Việt Nam một cách chuyên nghiệp, hiện đại và bài bản. 

HOÀNG VY; ảnh: THANH TÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top