Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sắp có không gian văn hóa Trần Văn Khê tại TP.HCM

Thứ Tư 29/07/2020 | 11:36 GMT+7

VHO- Trường ĐH Văn Lang và Ban thân hữu của GS Trần Văn Khê gồm các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nhà báo… vừa cho biết như vậy.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh chia sẻ về tiến độ xây dựng không gian văn hoá Trần Văn Khê và quỹ học bổng mang tên ông

Còn vì sao đến nay vẫn chưa có Quỹ học bổng mang tên Trần Văn Khê, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, đại diện Ban thân hữu Trần Văn Khê cho hay các công việc đang được xúc tiến mạnh mẽ, dự kiến sẽ hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS 24.7.2021.

Cũng theo bà Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, trên cơ sở tâm nguyện của GS Trần Văn Khê là được sống và làm việc những năm cuối đời tại quê hương, Sở đã khởi thảo đề án nhà Trần Văn Khê vào tháng 11.2003, đã lập một biên bản mang tính pháp lý giữa Giáo sư và Sở VHTT TP.HCM vào ngày 14.5.2004. Theo các căn cứ đó, Nhà nước đã bố trí ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để làm nơi sống và làm việc cho GS Trần Văn Khê những năm cuối đời, quản lý theo chế độ công sản. Sở này cũng đã thực hiện quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 5.2.2006 tổ chức tiếp nhận, phân loại 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quý mà ông chuyển từ Pháp về, trong đó có hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Năm 2006, GS Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai và tại đây, hàng loạt hoạt động văn hóa mà ông là linh hồn đã được tổ chức khiến cho ngôi nhà vượt ra khỏi cái tầm của một tư gia. “Chỉ sử dụng một phòng ngủ nhỏ ở tầng trệt phía sau, GS Khê đã dành toàn bộ không gian đẹp nhất của ngôi nhà làm nơi tiếp đón mọi người. Tại đây, những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước, những học trò cũ và mới, những bạn bè tri âm tri kỷ và công chúng yêu mến ông đã đến đây. Tại đây đã diễn ra gần 100 buổi sinh hoạt về đàn tranh, đàn đá, hát bội, vọng cổ, ca trù, múa bóng rỗi, nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam… Thư viện Trần Văn Khê đã được khánh thành ở tầng trên của nhà phụ phía sau để những ai cần nghiên cứu thêm về âm nhạc dân tộc trong sự đối sánh với các quốc gia trên thế giới đều có thể đến”, bà Thanh cho hay.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh cũng cho biết, ngôi nhà chứa đầy những hiện vật cả đời, những kỷ niệm ấm áp và sống động gắn với những năm tháng cuối đời của GS Trần Văn Khê tại Việt Nam đã hiện ra dáng dấp mà nó cần có khi đề án nhà Trần Văn Khê được phác thảo gần 10 năm về trước. Khi còn minh mẫn, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, GS Trần Văn Khê bày tỏ một trong những ước mơ cuối cùng của ông trong bản di nguyện, đó là: “Khi tôi vĩnh viễn ra đi, ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm nhà lưu niệm Trần Văn Khê, là nơi gặp gỡ, giao lưu của văn nghệ sĩ quan tâm đến văn học nghệ thuật nước nhà. Tất cả hiện vật gắn với đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về: Sách vở, báo chí, phim ảnh, sổ ghi chép, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh đều giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ để phục vụ cộng đồng”. Ước mơ ấy không hề khác với lời ông nói trong biên bản buổi làm việc tại Sở VHTT năm 2004: “Sau khi tôi ‘trăm tuổi’, căn nhà và các hiện vật trong ngôi nhà sẽ giao toàn bộ lại cho Nhà nước quản lý”…

“Đã 5 năm trôi qua kể từ khi GS Trần Văn Khê nằm xuống, vì nhiều lý do, nhà 32 Huỳnh Đình Hai đã được TP bố trí vào việc khác. Sách vở, tài liệu của GS đã được đưa về Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM để lưu giữ. Hiện vật của ông một phần gia đình gìn giữ, một phần nằm trong kho lưu trữ của Bảo tàng TP.HCM để trưng bày mỗi dịp kỷ niệm liên quan đến GS... Quỹ học bổng mà GS Trần Văn Khê căn dặn dùng tiền phúng điếu (và các nguồn khác) để lập và xét trao cho các sinh viên âm nhạc dân tộc có thành tích học tập, các nghệ sĩ xuất sắc trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật dân tộc, các công trình nghiên cứu có giá trị về âm nhạc dân tộc mãi đến nay mới tạo được nền móng bước đầu để xin phép ra đời. Nền móng bước đầu ấy của Quỹ học bổng Trần Văn Khê có được là từ sự kiên trì tâm huyết của nhóm thân hữu Trần Văn Khê và đặc biệt là từ sự quan tâm của Trường ĐH Văn Lang về lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, về sự gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, về sự trân trọng đúng mức đối với những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho đất nước”, bà Thanh bày tỏ.

Được biết, không gian văn hóa Trần Văn Khê sẽ tọa lạc trong khuôn viên Trường ĐH Văn Lang, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Dự kiến đây sẽ là không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về GS.TS Trần Văn Khê đến công chúng và sinh viên, đồng thời còn là nơi giao lưu, gặp mặt của các nhà trí thức, nhà văn hóa, âm nhạc trong và ngoài nước yêu mến ông… “Chúng tôi cũng chưa biết đến khi nào sẽ có được không gian văn hóa Trần Văn Khê như chúng ta mong muốn, cũng như để trả lời cho câu hỏi vì sao đến nay vẫn chưa có quỹ học bổng? Trước đây do một vài lý do nhưng đến nay thì đã thuận lợi nhiều, dự kiến cuối năm nay hồ sơ sẽ xong để sang năm 2021, đúng 100 năm ngày sinh Giáo sư thì chúng ta sẽ có được Quỹ học bổng Trần Văn Khê và không gian Trần Văn Khê tại trường, nhằm thể hiện mong muốn hình ảnh Giáo sư còn mãi trong lòng những người trân quý ông”, nhà báo Nguyễn Thế Thanh nói.

 TÙNG THƯ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top