Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hướng tới môi trường không có lao động trẻ em

Thứ Hai 20/07/2020 | 08:56 GMT+7

VHO- Trẻ em lao động sớm có thể bị tổn thương về thể chất và tâm lý, chưa kể nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột... Điều này sẽ hạn chế các cơ hội học tập cũng như ảnh hưởng đến cơ hội việc làm bền vững của các em khi trưởng thành.

Không khó để bắt gặp cảnh nhiều em bé mưu sinh bằng cách biểu diễn phun lửa nuốt dao lam ở nhiều quán nhậu tại TP.HCM

Do đó ngăn chặn, hướng đến giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) là điều hết sức cần thiết. Theo pháp luật của Việt Nam, LĐTE được hiểu là trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động, cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách của trẻ em.

Tại TP.HCM, thực tế nhiều gia đình nhập cư có con em từ 12-16 tuổi tham gia lao động mà không hề hay biết vi phạm các tiêu chí LĐTE. Đơn cử như cháu Nguyễn Thanh Hậu, sinh năm 2003, quê Cà Mau cùng cha mẹ và em gái lên TP.HCM sinh sống và làm việc gần 5 năm nay. Qua tìm hiểu được biết Hậu đã nghỉ học nhiều năm nay, trước đây làm phụ việc ở một nhà hàng ở quận Tân Bình. Tuy nhiên do dịch bệnh, nhà hàng đóng cửa nên em xin chuyển sang làm việc tại một xưởng may gia công từ 7h sáng đến 17h chiều. Sau đó từ 18h đến 22h, em tham gia làm thêm ở một quán cà phê. Điều này pháp luật nghiêm cấm, bởi Hậu chưa đủ 18 tuổi nhưng phải làm việc hơn 8h mỗi ngày và vượt quá 40h mỗi tuần.

Mặc dù vậy khi được hỏi về luật LĐTE thì bản thân Hậu và cha mẹ của em đều không hay biết. Chia sẻ về điều này, mẹ của Hậu cho hay trước giờ không biết gì về quy định LĐTE. Mặt khác gia đình khó khăn nên mỗi người trong gia đình ai cũng phải làm việc từ khi lên TP.HCM. Trong nhà chỉ duy nhất con gái mới 8 tuổi là còn đang đi học. Hơn nữa thấy con siêng năng, chăm chỉ nên cha mẹ động viên và đồng ý cho con đi làm chứ không hề hay biết vi phạm pháp luật về LĐTE. Tại TP.HCM, số liệu của Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE đến năm 2020 cho thấy, thành phố có dân số hơn 10 triệu người, là vùng kinh tế lớn phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã thu hút một lượng người đến sinh sống, học tập và làm việc… Trong đó có trẻ em đi cùng gia đình, người thân hoặc di dân tự phát. Thống kê cho thấy thành phố có khoảng 1,4 triệu trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 14% dân số) và gần 350 nghìn người đăng kí tạm trú là dưới 15 tuổi.

Báo cáo của Dự án phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE (Enhance) giai đoạn 2019 -2020 tại TP.HCM cho thấy, ở 9 phường, xã thuộc 4 quận, huyện được triển khai dự án là Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú và Củ Chi có đến 1.490 trẻ em tham gia lao động. Trong số này tỉ lệ bỏ học khá cao gồm 1.207 trẻ được đi học, 211 trẻ từng đi học và 62 trẻ chưa bao giờ đi học. Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), dịch bệnh Covid-19 có thể khiến cho LĐTE gia tăng trở lại sau 20 năm có những tiến triển trong lĩnh vực này. Theo ước tính hiện có khoảng hơn 1 triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động tại Việt Nam. Đặc biệt hơn một nửa trong số đó đang tham gia những công việc nguy hiểm. Thậm chí do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, nên nhiều em còn phải làm việc thêm giờ hoặc làm việc trong điều kiện tồi tệ.

Trước thực trạng trên, để ngăn chặn và hướng đến môi trường không có LĐTE, UBND TP.HCM vừa phê duyệt Dự án phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE trên địa bàn các quận Gò Vấp và huyện Nhà Bè, Củ Chi từ tháng 7.2020 cho đến hết tháng 6.2024. Các dự án này do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SCI) tài trợ. Thông qua việc triển khai các dự án này hi vọng sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới một môi trường không có LĐTE năm 2025. Qua đó tạo điều kiện cho trẻ em học tập trong môi trường giáo dục chính quy và chất lượng. Trước đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó trong năm 2020, Quốc hội yêu cầu Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra còn có bộ tiêu chí thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em, cũng như rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách pháp luật mới liên quan đến trẻ em nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

N.HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top