Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nhường nhịn trong giao thông: (Bài 1) - Khi xe cấp cứu không được nhường đường

Thứ Bảy 27/06/2020 | 21:00 GMT+7

VHO- Có lẽ người dân ở thành phố đã quen với hình ảnh xe cấp cứu bị bủa vây giữa các luồng xe cộ, len lỏi hoặc bất lực dừng lại vì không thể nhúc nhíc. Nhưng ít ai biết, các bác tài xế lại quen với những tiếng ca thán của người đi đường vì cho là lạm dụng còi ưu tiên.

Nửa xe dưới đường, nửa xe trên vỉa hè

Ông Vũ Huy Thành (sinh năm 1962) có 25 năm là lái xe của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, ông sẽ tiếp tục gắn bó với công việc của mình 2 năm nữa cho tới lúc nghỉ hưu. 25 năm qua là 25 năm ông Thành đến đón và chở những người bệnh đến bệnh viện an toàn, nhưng cũng chừng ấy năm ông phải nghe lời chửi bới của một số người dân vì cho rằng xe cấp cứu không có người mà vẫn đòi ưu tiên, hay có chỗ đâu mà đòi nhường đường.

Dù có thể nhưng người tham gia giao thông không có ý nhường đường cho xe cấp cứu

Hằng ngày, ông Thành phải có mặt ở Trung tâm cấp cứu 115 để sẵn sàng nhận lệnh, lái xe chở ekip bác sĩ điều dưỡng tới nhà người bệnh. Nếu được thông báo bệnh nhân khó thở hay có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng thì ông hiểu đây là thời gian “vàng” để đưa bác sĩ đến với người bệnh, ông cố gắng lái cho thật nhanh, nếu hụ còi ưu tiên mà người đi đường không tránh, ông Thành lại phải luồn, lách , tận dụng từng góc đường còn trống để đến cho kịp. Trong khi đó, trái ngược với nỗ lực của người cầm lái thì những chiếc ô tô, xe máy cứ thản nhiên dàn hàng trên đường phố, mặc kệ xe cấp cứu hụ còi, xin vượt khiến tiếng là xe ưu tiên  nhưng không nhanh hơn xe thường bao nhiêu.

“Khi cần đến nhà người bệnh thật nhanh, tôi còi, nháy đèn xin nhường đường, nhưng nhiều người không cho vượt, thậm chí còn cố tình đi nghênh ngang. Họ còn hạch hoẹ lái xe chúng tôi là lạm dụng xe cấp cứu, không có bệnh nhân mà cũng đòi phóng nhanh. Đến nhà bệnh nhân muộn cũng bị mắng, quát nạt là đi có 1 đoạn đường, không bị tắc mà mất bao nhiều thời gian. Tôi bị ca thán quen rồi, họ còn dùng những từ tục tĩu nữa nhưng việc của mình thì mình phải làm thôi”, người lái xe già phân trần.

Xe cấp cứu nhưng cũng không đi nhanh hơn xe thường bao nhiêu

Cũng theo ông Thành, nhờ công tác tuyên truyền, hiện nay ý thức của người dân đã tốt hơn trước, nhưng vẫn còn một số bộ phận vì không hiểu Luật về nhường đường cho xe ưu tiên hoặc họ cho rằng làm gì có chỗ mà nhường đường nên họ không nhường. Nhiều lần, vì sự cấp bách về tính mạng bệnh nhân mà người lái xe 25 năm kinh nghiệm phải lái xe 1 nửa xe dưới lòng đường, 1 nửa trên vỉa hè; cũng có khi còi hụ xin ưu tiên mà xe cũng không đi được, người nhà phải xuống đường để điều khiển thì người dân mới nhường đường cho xe qua.

Trao thêm cơ hội sống cho bệnh nhân

Thời gian qua\ đã có nhiều clip chia sẻ trên mạng xã hội về việc người tham gia giao thông không nhường đường cho xe cấp cứu, xe cứu hỏa… nhưng cũng có những clip chia sẻ một xe cấp cứu đang bị tắc cứng trên đường cao tốc và các lái xe không ai bảo ai đã trở lại xe mình và lần lượt đánh lái một cách gọn nhất có thể để xe cấp cứu được đi qua. Nhiều ý kiến cho rằng, không phải không có chỗ để cho xe ưu tiên đi mà ý thức nhường đường chưa cao, thậm chí là thờ ơ, vô cảm trước người bệnh.

Là điều dưỡng tại Trung tâm cấp cứu 13 năm qua, không ít lần chị Nguyễn Thanh Huyền (sinh năm 1983) phải tiếc nuối vì không đến kịp để cấp cứu cho bệnh nhân, một phần vì đường xa, một phần vì xe cấp cứu không thể đi nhanh được. Với một số bệnh nhân, chị hướng dẫn người nhà sơ cứu để kéo dài thời gian chờ ekip đến, có bệnh nhân chờ được, nhưng cũng có bệnh nhân không qua khỏi. “Xe đến với bệnh nhân còn cần thiết và quan trọng hơn khi xe chở bệnh nhân tới bệnh viện. Bởi vì khi xe chở bệnh nhân là đã có y bác sĩ và người bệnh đã được sơ cấp cứu, còn khi xe trên đường đến với người bệnh thì bệnh nhân chưa được người có chuyên môn cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, xe cấp cứu không có bệnh nhân nên không muốn nhường đường”, chị Hạnh chia sẻ.

Người đi đường thờ ơ với tiếng còi xe ưu tiên là thờ ơ với sinh mệnh người bệnh

Cũng không ít lần, chị Hạnh sốt ruột, xót xa khi đón được bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, phải ép tim, bóp bóng liên tục mà xe mãi vẫn chưa đến bệnh viện, chặng đường vài km mà dường như dài gấp 5 -10 lần. Có bệnh nhân phải tiêm truyền nên xe cấp cứu không thể luồn lách được, hoặc buộc phải dừng lại để ép tim. Chị mong rằng ý thức người dân tốt hơn, nhường đường cho xe ưu tiên để nhiều bệnh nhân được trao thêm cơ hội cứu sống.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, anh cũng từng ngồi trên xe cấp cứu cùng ekip đưa đón người bệnh, anh hiểu được tình trạng cơ sở hạ tầng, cũng như ý thức của người dân. Dù các phương tiện truyền thông đã cảnh báo nhiều lần, vấn đề đã được đưa ra tại nhiều cuộc họp, nhưng cũng không thay đổi được nhiều, vì nhường đường cho xe ưu tiên đã được quy định trong Luật, nhưng dường như xử lý vi phạm còn hạn chế, không đủ sức răn đe. “Chỉ mong rằng, mỗi người đi đường nghĩ đến người bệnh, nghĩ rằng lúc nào đó người nhà, người thân của mình nằm trên xe cấp cứu kia để thay đổi ý thức, hành vi, nhường đường cho xe cấp cứu, xe ưu tiên”, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 nói.

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top