Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nơi kể chuyện báo chí Việt Nam

Thứ Tư 17/06/2020 | 11:20 GMT+7

VHO- Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ khánh thành vào ngày 19.6 tới đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 Một góc không gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam Ảnh: THỦY NGUYỄN

 Với trên 700 hiện vật, tài liệu quý hiếm, không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử Báo chí Việt Nam từ những dấu mốc đầu tiên cho tới nay.

Trên 20.000 hiện vật, tài liệu được sưu tầm

Báo chí Việt Nam, mà nòng cốt là báo chí cách mạng, trong suốt quá trình hình thành và phát triển luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước, là công cụ hữu hiệu mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, cổ vũ tự cường dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng con người và văn hóa Việt Nam. Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Căn cứ đề nghị của Bộ VHTTDL, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là “Bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý” và “bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020”.

Theo Giám đốc Bảo tàng Trần Thị Kim Hoa, từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần là Dự án Trưng bày Bảo tàng, Dự án Sưu tầm hiện vật và tài liệu, Dự án Tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng. Dự án Sưu tầm hiện vật và tài liệu hiện đã và đang tiếp tục triển khai sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu, được tập hợp và bảo quản tại Kho cơ sở của Bảo tàng. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử Báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.

Dự án Trưng bày triển khai đồng thời với Dự án Sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công. Nội dung trưng bày gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.

Tiệm cận với xu hướng bảo tàng hiện đại

Các không gian trưng bày của Bảo tàng được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 và được khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau: bằng giải pháp đồ họa trên đại vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay... và thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng khi đến với bảo tàng.

Một số điểm nhấn quan trọng trong các không gian trưng bày có thể kể đến Hình tượng Bút sen ở gian Khánh tiết, Bục kim cương ở gian 1865-1925, Báo chí Chiến khu gian 1945-1954; ba chủ đề trung tâm gian Báo chí đổi mới; hoặc Khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình; Khu vực Tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân, vì Sự nghiệp báo chí Việt Nam...

Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cố vấn Bảo tàng chia sẻ: “Bảo tàng trưng bày 95% là hiện vật gốc, còn hiện vật phục chế chủ yếu ở giai đoạn 1865-1925. Trong không gian trưng bày, Bảo tàng cũng phục dựng buồng tối của Báo ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam). Hiện vật của người làm trong buồng tối thời kỳ chiến tranh trước những năm 1975 được thu thập đầy đủ, một kỹ thuật viên đã từng làm buồng tối đã giúp bày biện lại đúng theo những gì đã có”. Khu vực làm báo dưới hầm của báo Nhân Dân cũng được tạo dựng nhằm phản ánh không khí làm báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, bất chấp Thủ đô bị bom đạn đe dọa, tòa soạn đặc biệt này vẫn “không một ngày ngừng xuất bản”.

Cùng với đó, tiệm cận với xu hướng xây dựng bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng triển khai theo hướng trưng bày kỹ thuật số. Các hệ thống màn hình từ gian đầu tiên cho đến gian Đương đại đều được tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống báo chí, các hoạt động báo chí, sự cống hiến của báo chí trong các thời kỳ lịch sử của đất nước. Bên cạnh trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh, Bảo tàng còn có hệ thống màn hình công chiếu 26 bộ phim giới thiệu về Lịch sử Báo chí và các nhà báo tiêu biểu của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam…

Theo nhà báo Trần Thị Kim Hoa, để sưu tầm đầy đủ các hiện vật gốc về cả quá trình phát triển của lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam là điều rất khó. Nhưng với sự cố gắng của cả một tập thể những người làm Bảo tàng cũng như cả giới báo chí, ngày hôm nay có được tương đối đầy đủ hiện vật về các thời kỳ để trưng bày là điều vô cùng đáng quý. Bên cạnh trưng bày thường xuyên, sắp tới, Bảo tàng dự kiến có các hoạt động trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động… nhằm thu hút mọi tầng lớp công chúng tham quan, tra cứu và tiếp cận hiện vật. 

 HOÀNG NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top