Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nhiều nước tăng cường hỗ trợ ngành văn hóa trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

Chủ Nhật 19/04/2020 | 09:30 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, chính phủ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã đưa ra một loạt các chính sách, các hình thức hỗ trợ cuộc sống hàng ngày và sinh kế của những người làm việc, hoạt động của doanh nghiệp trong ngành văn hóa, từ các gói kích thích kinh tế và giảm thuế, đến hỗ trợ thu nhập và chính sách an sinh xã hội.

Đức

Chính phủ Đức triển khai một gói viện trợ sâu rộng cho các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo của đất nước. Theo đó, khoản hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do, bao gồm cả những người thuộc lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và truyền thông.

Phát biểu về gói cứu trợ này, bà Monika Grutters, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức khẳng định: “Chúng tôi biết về những khó khăn mà ngành văn hóa hiện đang gặp phải. Ngành văn hóa có tỷ lệ cao những người lao động tự do, do vậy những lao động này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống. Chính quyền liên bang hiểu rõ tầm quan trọng của ngành văn hóa và công nghiệp sáng tạo, vì vậy sự hỗ trợ sẽ đến rất nhanh và giảm bớt thủ tục hành chính”.

Gói viện trợ gồm ba phần, bao gồm hỗ trợ cho những lao động tự thân và các doanh nghiệp nhỏ, và mở rộng cho các nghệ sĩ và doanh nghiệp văn hóa nhỏ, thông qua việc giảm các chi phí như cho thuê địa điểm, cho vay giúp các doanh nghiệp khắc phục các khó khăn tài chính. Ngoài các cá nhân và tổ chức liên quan đến nghệ thuật, nguồn tài trợ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thông, bao gồm cả báo chí.

Nhà hát Semperoper, bang Dresden, Đức. Toàn bộ hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nhà hát này đã bị hủy vì Covid-19. (Nguồn: EPA)

Pháp

Ngày 27.3, Nhà nước và Bộ Văn hóa Pháp đã công bố một loạt các hành động cụ thể đầu tiên để hỗ trợ ngành văn hóa: 

- Các biện pháp ngoại trừ đặc biệt cho phép những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là những người làm việc không liên tục, tiếp tục hoạt động cho đến khi kết thúc thời gian phong tỏa trong xã hội.

- Một quỹ hỗ trợ khẩn cấp 23,5 triệu Euro cho lĩnh vực văn hóa.

- Thiết lập địa điểm cung cấp thông tin và hỗ trợ cho các chuyên gia văn hóa.

Chính quyền các vùng đang phối hợp với các văn phòng khu vực của Bộ Văn hóa Pháp (DRAC) và các cơ quan văn hóa khác để xác định và đánh giá nhu cầu hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa. Hầu hết các vùng quyết định duy trì trợ cấp đã được cung cấp, ngay cả khi các sự kiện văn hóa bị hủy bỏ. Một số vùng đã bỏ phiếu cho một quỹ khẩn cấp để bổ sung cho các biện pháp của nhà nước.

Prodiss, tổ chức công đoàn quốc gia về nghệ thuật biểu diễn và giải trí, ước tính thiệt hại doanh thu ở mức 590 triệu Euro đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn tư nhân và khoảng 378.000 người bị ảnh hưởng bởi sự đình trệ gây ra bởi dịch bệnh.

Một số tổ chức thu thập và phân phối quyền tác giả (SPRD), Sacem, Adami và Spedidam, đã tuyên bố họ sẽ duy trì hỗ trợ tài chính mặc dù thu nhập từ tiền bản quyền giảm.

Nhóm Facebook “Solidarité spectacle vivant – Covid-19” cho phép các bên liên quan trong lĩnh vực văn hóa theo dõi các diễn biến, chia sẻ thông tin về các hình thức hỗ trợ và thúc đẩy sự đoàn kết, tương hỗ.

Italia

Các biện pháp khẩn cấp được thực hiện để chống lại đại dịch Covid-19 với việc phong tỏa hoàn toàn tất cả công dân trong cả nước - đã ảnh hưởng xấu đến ngành văn hóa ở Italia.

Tất cả các địa điểm văn hóa - nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, bảo tàng - cùng với các di tích lịch sử thường xuyên đón khách tham quan - đã thực sự bị đóng cửa, dẫn đến việc hủy bỏ tất cả các sự kiện văn hóa và thiệt hại nặng nề nguồn thu nhập của ngành văn hóa và lĩnh vực thương mại liên quan, cũng như cho lực lượng lao động.

Do đó, Sắc lệnh ngày 17.3 “Cura Italia” - nhằm mục đích giúp tái khởi động đất nước - được công bố trong số các biện pháp đầu tiên của Chính phủ để cứu trợ cho ngành văn hóa:

- Hỗ trợ 600 Euro trong tháng 3 cho mỗi một lao động tự do làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, được ghi vào giấy tờ an sinh xã hội của chính họ;

- Thành lập một quỹ trị giá 130 triệu Euro để hỗ trợ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và lĩnh vực nghe nhìn;

- Miễn trừ, đến ngày 30.4, các địa điểm nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, di tích lịch sử...không phải chi trả các khoản phí an sinh xã hội.

- Vé cho các buổi biểu diễn nghệ thuật, vé vào cửa bảo tàng, di tích lịch sử…sẽ được chuyển thành các voucher có giá trị tương đương và được sử dụng trong vòng một năm.

Đồng thời, theo quyết định của Bộ Di sản và Hoạt động Văn hóa, các nhà hát và nhà hát opera nhà nước chuyển các chương trình sang các kênh trực tuyến miễn phí. Các bảo tàng đang cung cấp các bộ sưu tập và triển lãm miễn phí dưới hình thức trực tuyến.
Các biện pháp hỗ trợ khác đã được áp dụng ở cấp khu vực.

Các hiệp hội văn hóa nghệ thuật, báo chí Italia cũng đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một quỹ cứu trợ đặc biệt cho nghệ thuật và văn hóa, nhằm hỗ trợ ngành văn hóa đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid - 19.

Tây Ban Nha

Ngày 31.3, Hội đồng Bộ trưởng đã phê chuẩn một số biện pháp bổ sung cho bảo vệ kinh tế và xã hội và tiếp tục cho phép áp dụng các biện pháp trước đây liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Hai đặc điểm chính được tính đến: tính thời vụ và sự gián đoạn của hoạt động văn hóa và thu nhập của người lao động trong lĩnh vực văn hóa. Theo hai đặc điểm này, các biện pháp liên quan đến Quy định tạm thời về kế hoạch tuyển dụng (ERTE) áp dụng cho các công ty tạm thời giảm cường độ, thời gian làm việc do “yếu tố bất khả kháng”, và trợ cấp đặc biệt cho người lao động tự thân/ tự làm chủ để bù đắp cho việc họ phải dừng hoạt động đột ngột dự kiến sẽ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cấp thiết của ngành văn hóa. Do tính chất không liên tục của các hợp đồng cho người lao động tự thân trong lĩnh vực văn hóa, thời gian mà họ sẽ được bồi thường có thể được kéo dài. 

Ngoài ra, người lao động trong lĩnh vực văn hóa sẽ được hoãn thanh toán các khoản thế chấp cho hoạt động kinh tế; các khoản đóng góp an sinh xã hội; việc thanh toán tiền điện và các vật tư cơ bản khác. Một khoản trợ cấp thất nghiệp đặc biệt cho người lao động tạm thời cũng sẽ được cung cấp.

Trước đó, ngày 25.3, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố chính sách bảo lãnh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực văn hóa và thể thao với giá trị lên tới 20 triệu Euro, theo đó tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế cho các công ty thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao ở Tây Ban Nha giải quyết khó khăn về tài chính liên quan đến tiền lương, trả các hóa đơn, thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuế.

Bộ Văn hóa và Thể thao tuyên bố sẽ làm việc với các Bộ, ngành khác, cũng như với các tổ chức và các hiệp hội liên quan, nhằm đảm bảo rằng các chương trình và các biện pháp tương lai trong các lĩnh vực lao động, kinh tế và thuế sẽ phù hợp với ngành văn hóa và thể thao.

Các cuộc trao đổi, phối hợp kể trên nhằm mục đích triển khai với các nội dung hỗ trợ và tài trợ hiện có từ Bộ Văn hóa và Thể thao Tây Ban Nha cho hoàn cảnh mới. Ví dụ, Viện Nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc quốc gia (INAEM), cơ quan Nhà nước phụ trách các nhà hát quốc gia và phòng biểu diễn âm nhạc, đang xem xét việc lên chương trình trở lại tất cả các hoạt động bị gián đoạn. Chương trình PLATEA trước đây được thiết lập để thúc đẩy tính cơ động của các buổi biểu diễn trên khắp Tây Ban Nha đang được cải tổ để đảm bảo sự bền vững của các công ty biểu diễn sân khấu, âm nhạc, múa và xiếc. Những hành động khẩn cấp tương tự sẽ được xem xét để đẩy nhanh các khoản trợ cấp không cạnh tranh đối với một số tổ chức văn hóa quốc gia có liên quan nhất.

Nhìn về phía trước với sự lạc quan, Bộ Văn hóa và Thể thao Tây Ban Nha khẳng định đang thiết kế một chiến dịch mới để hỗ trợ các công dân yêu thích văn hóa sẽ tiếp tục thưởng thức các sản phẩm, giá trị văn hóa khi dịch bệnh kết thúc. 

Bộ Văn hóa và Thể thao đang phát triển các chương trình truyền thông xã hội #Văn hóa trong Ngôi nhà Bạn / #LaCulturaEnTuCasa để khuyến khích người dân ở nhà, thực hiện các biện pháp cách ly xã hội và giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện nay, các bảo tàng và thư viện, Viện phim Tây Ban Nha đang trong quá trình hoàn thiện các chương trình, sản phẩm giới thiệu các sản phẩm văn hóa trực tuyến đến người dân Tây Ban Nha.

Bảo tàng New Orleans, Louisiana, Mỹ, đóng cửa trong bối cảnh dịch Covid -19 lan rộng. Ảnh: TTXVN

Anh

Cùng với lĩnh vực du lịch và khách sạn, lĩnh vực văn hóa được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng Covid - 19. Các tác phẩm sân khấu, buổi hòa nhạc, triển lãm, thuyết trình phim, liên hoan và các sự kiện khác ở Anh đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại vì các nhà hát, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng trưng bày và các địa điểm / sự kiện khác đã bị buộc phải đóng cửa. Một phân tích của Arts Professional cho thấy việc đóng cửa các địa điểm có thể khiến ngành văn hóa thiệt hại hơn 1 triệu bảng doanh thu mỗi ngày. Kết quả này được dựa trên một cuộc khảo sát tại các địa điểm công cộng và thương mại ở London và các khu vực lân cận.

Cả Hiệp hội các Bảo tàng Độc lập (AIM) và Hiệp hội các Bảo tàng đều bày tỏ sự lo ngại về tác động đối với các bảo tàng, trong đó AIM chỉ ra rằng nhiều bảo tàng độc lập chỉ có nguồn lực hạn chế và cuộc khủng hoảng đe dọa sự sống còn của các thiết chế văn hóa này.

Bộ trưởng Tài chính Anh thừa nhận rằng lĩnh vực văn hóa sẽ là một trong những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của dịch bệnh và cam kết các biện pháp hỗ trợ trị giá 330 tỷ bảng cho các doanh nghiệp, bao gồm cả những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo. Điều này sẽ bao gồm các khoản vay, miễn thuế doanh nghiệp trong một gian đoạn và, trả cho các công ty tới 80% tiền lương của nhân viên trong ba tháng nếu không sa thải nhân viên. 

Người lao động tự do, chiếm khoảng 40% lực lượng lao động sáng tạo và văn hóa, nhận được sự quan tâm đặc biệt. Theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Quốc hội,  Bộ trưởng Văn hóa đã đề xuất những hỗ trợ tài chính dành cho những người lao động tự do trong lĩnh vực này. Sau đó, Bộ trưởng Tài chính khẳng định người lao động tự do trong lĩnh vực này sẽ được hưởng, trong ba tháng, với 80% thu nhập trung bình hàng tháng của họ trong ba năm tài chính vừa qua, nhưng với mức trần 2.500 bảng mỗi tháng. Chính phủ kỳ vọng 95% người làm việc tự do trong lĩnh vực này sẽ được bảo vệ bởi quy định nêu trên.

Ngày 25.3, Hội đồng nghệ thuật Anh đã ra mắt Gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 160 triệu bảng cho các tổ chức và nghệ sĩ sáng tạo. Gói cứu trợ này bao gồm 20 triệu bảng dành riêng cho cá nhân các nghệ sĩ và lao động tự do. Hội đồng nghệ thuật Anh cũng đã hướng dẫn trên trang web của mình đối với các tổ chức, cá nhân trong ngành văn hóa tận dụng các sáng kiến ​​của Hội đồng, cũng như hỗ trợ rộng hơn của chính phủ. Hội đồng đã công bố hai vòng tài trợ trong tháng 4 được thiết kế để hỗ trợ các cá nhân và tổ chức văn hóa độc lập, bao gồm các biện pháp cụ thể để đảm bảo công bằng, đa dạng và tiếp cận; và Ủy ban Điện ảnh Anh (BFC) đã xác nhận họ đang hợp tác chặt chẽ với Viện phim Anh (BFI), chính phủ Anh và các đối tác để giảm thiểu tác động ngày càng lớn của đại dịch Covid - 19 đối với lĩnh vực này. Ngày 24.3, BFI đã công bố một quan hệ đối tác mới với Tổ chức từ thiện  “Phim và Truyền hình” để tạo ra một Quỹ cứu trợ khẩn cấp dành cho điện ảnh và truyền hình ngăn ngừa ảnh hưởng của Covid - 19. Được thành lập với số tiền quyên góp 1 triệu bảng từ Netflix, quỹ mới sẽ cung cấp cứu trợ ngắn hạn, khẩn cấp cho những người làm việc tự do và lao động trong ngành ở Anh, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid - 19.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ khác

Hội đồng Nghệ thuật Canada đã cung cấp trên trang web của Hội đồng thông tin và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa có thể tiếp cận những hỗ trợ từ Hội đồng, cũng như một loạt các sáng kiến ​​của Chính phủ Canada. Trong khi đó, Hội đồng nghệ thuật Ireland - An Chomhairle Ealaíon đã chuẩn bị hướng dẫn chi tiết về cách tiếp cận một loạt hỗ trợ của chính phủ cho chủ lao động và người lao động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; và Hội đồng nghệ thuật Na Uy đã công bố tổng quan về các biện pháp được thực hiện bởi các cấp chính quyền và các chủ thể khác, bao gồm cả các biện pháp đặc biệt hướng đến lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật.

Bên cạnh các các biện pháp hỗ trợ kinh tế và xã hội của các chính phủ, các cơ quan Nhà nước cũng đã công bố các quỹ mới và chuyển hướng hỗ trợ cho các lĩnh vực văn hóa.

Tại Canada, Hội đồng Nghệ thuật Canada đã tuyên bố sẽ cung cấp khoảng 60 triệu đô la (39 triệu euro) tiền tài trợ - tương đương với 35% tài trợ tài trợ hàng năm - cho hơn 1.100 tổ chức.

Tại Litva, Hội đồng Văn hóa Litva đã công bố một loạt các biện pháp tài trợ mới bao gồm học bổng cho các nhà sáng tạo nghệ thuật và hỗ trợ số hóa nội dung. Tại Nam Phi, Bộ Thể thao, Nghệ thuật và Văn hóa tuyên bố sẽ phân bổ 7,3 triệu euro để làm giảm tác động về kinh tế của cuộc khủng hoảng và hỗ trợ các nghệ sĩ, vận động viên, nhân viên kỹ thuật và các hệ sinh thái liên quan.

Tại Thụy Điển, Ủy ban Tài trợ Nghệ thuật Thụy Điển có kế hoạch phân phối lại quỹ của mình để cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các nghệ sĩ, bao gồm thông qua 100 khoản trợ cấp bổ sung. Tại xứ Wales, Cygnor Celfyddydau Cymru - Hội đồng nghệ thuật xứ Wales đã tuyên bố sẽ quản lý một quỹ trị giá 7,95 triệu euro do Chính phủ và Hội đồng nghệ thuật xứ Wales tài trợ để hỗ trợ ngành văn hóa.

Các cơ quan Nhà nước cũng đã bắt đầu tiết lộ thông tin về các chương trình, cơ sở và phương pháp tiếp cận các quyết định tài trợ. Hội đồng nghệ thuật Malta đã mời nộp đơn cho các dự án giải quyết các tác động cụ thể của cuộc khủng hoảng đối với lĩnh vực này (xác định ranh giới và chủ đề). Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Paraguay đã công bố một nền tảng văn hóa trực tuyến miễn phí, qua đó các nghệ sĩ có thể cung cấp các khóa học và hội thảo, và yêu cầu quyên góp hoặc thanh toán từ những người tham gia; và Bộ Văn hóa ở Tunisia đã công bố Quỹ phục hồi văn hóa bao gồm các khoản tài trợ từ các khu vực công và tư nhân, sẽ được Bộ lãnh đạo và bao gồm các nhà tài trợ và đại diện xã hội dân sự trong việc ra quyết định.

Ngoài ra, các cơ quan chính quyền địa phương cũng đóng một vai trò quan trọng để hỗ trợ ngành văn hóa vượt qua khủng hoảng và nhiều khu vực và địa phương đã công bố hỗ trợ tài chính và cá nhân khẩn cấp trong những tuần gần đây.

Tại Úc, Thành phố Sydney đã tăng gần gấp đôi kinh phí cho các chương trình hiện có, thêm gần 4 triệu đô la Úc (2,23 triệu euro) vào khoản đầu tư hiện tại là 4,8 triệu đô la Úc (2,68 triệu euro); ra mắt gói phục hồi trị giá 2,5 triệu đô la Úc (1,25 triệu euro) để hỗ trợ cứu trợ khủng hoảng cho các nghệ sĩ; và công bố miễn sáu tháng tiền thuê nhà cho các nghệ sĩ.

Tại Trung Quốc, Hội đồng Phát triển Nghệ thuật Hồng Kông đã công bố tăng ngân sách gấp 10 lần từ 5 triệu đô la Hồng Kông (60.000 euro) lên 55 triệu đô la (6,56 triệu euro) cho Chương trình hỗ trợ văn hóa và nghệ thuật; và tại Tây Ban Nha, Hội đồng Văn hóa và Nghệ thuật Catalonia đã đề xuất các biện pháp hỗ trợ cá nhân và khuyến nghị hỗ trợ cá nhân thông qua Kênh khẩn cấp của họ.

QUỐC ANH

Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top