Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Dạy học trực tuyến: Hiệu quả chưa cao, khó đủ bề

Thứ Sáu 17/04/2020 | 09:44 GMT+7

Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh tổ chức dạy học qua truyền hình, dạy học online cho học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Không thể phủ nhận việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhưng sau một thời gian triển khai, nhiều hạn chế, bất cập của phương thức dạy học này đã dần bộc lộ. Những nỗ lực của thầy và trò là chưa đủ để có được giờ học online chất lượng và thực sự hiệu quả.

 Học sinh, sinh viên quá tải

“Việc học đối với con ngày càng trở nên áp lực và đôi khi nó biến thành nỗi ám ảnh. Nhiều lúc con có chút thời gian nghỉ cuối tuần nhưng trong đầu vẫn không thể không nghĩ đến số bài tập về nhà vẫn đang chờ con.

Những lúc như thế thì tâm trạng rất tệ, ám ảnh không còn muốn học bất cứ cái gì. Có quá nhiều bài phải làm cũng như áp lực và kỳ vọng từ nhà trường, gia đình. Những thi đua thành tích trong việc học online càng ép bọn con phải vào guồng học và đang dần mất đi thời gian cho bản thân mình”. 

Đây là những dòng tâm sự của em Nguyễn Thu Thảo (học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) gửi cho giáo viên chủ nhiệm của mình. Cô Kim Anh, sau khi nhận được lá thư, đọc những lời tâm sự của trò, đã khóc. Sau khoảng 1 tháng dạy học online kiến thức mới theo thời khóa biểu, rồi học qua truyền hình, luyện đề thi trên hệ thống học trực tuyến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cả cô và trò đều quay cuồng, không còn cảm giác hào hứng như những ngày đầu triển khai.  

Hơn nữa tại Hà Nội, hiện chưa có quyết định giảm tải môn thi vào lớp 10, cũng như thông tin về độ khó, dễ của đề thi, nên giáo viên và học sinh lớp 9 càng áp lực hơn. Học sinh cuối cấp mỗi ngày dành khoảng 10 tiếng ngồi trước máy tính cho việc học online, luyện đề thi. Buổi tối cũng phải thức khuya làm bài tập, để kịp gửi cho giáo viên, nhà trường “nghiệm thu kết quả”.

“Học online vất vả hơn học trực tiếp trên lớp rất nhiều” - là đánh giá của nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên sau khi ngành giáo dục đẩy mạnh việc triển khai dạy học từ xa để phòng chống dịch Covid-19. Còn hiệu quả của việc dạy học theo phương thức này, hiện các địa phương, cơ sở giáo dục đang bắt đầu làm những khảo sát, đánh giá.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Nha Trang, mới đây trường đã làm khảo sát với gần 4.000 sinh viên. Kết quả thu được là những con số khá sốc. 90% sinh viên tham gia suốt lớp học, có nhiều ý kiến cho rằng học trực tuyến giúp nâng cao kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin, rèn tính chủ động trong việc học… Tuy nhiên có tới 85% sinh viên cho rằng, việc học trực tuyến có hiệu quả thấp hơn so với học truyền thống. Gần 80% nói học trực tuyến nhưng mạng yếu, thường xuyên bị ‘văng’ khỏi hệ thống zoom hoặc không nghe rõ, nghe liền mạch lời giảng viên. Nhiều sinh viên nói “bị đau đầu, đau tai, đau mắt do ngồi học quá lâu và nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại quá nhiều, liên tục… Điều này ít nhiều khiến dạy học online, dù cả người dạy và người học dù đã  rất nỗ lực, nhưng hiệu quả thu về chưa cao.

Các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia)… cũng nhận được phản ánh của sinh viên về việc bị quá tải trong thời gian học online vì bị giao làm quá nhiều bài tập. Trong khi đó, tại các trường phổ thông, cả học sinh, lẫn phụ huynh cũng có những than phiền tương tự. 

Dạy học online ở vùng khó: Khó trăm bề

Khắc phục khó khăn mà dịch bệnh gây ra, Bộ GDĐT đã phát động trong toàn ngành phong trào “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Thời gian qua, cả 63 tỉnh, thành trên cả nước đều hưởng ứng, triển khai đẩy mạnh dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh còn đặt mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học trực tuyến trong mùa dịch. 

Ở vùng sâu, vùng xa, nhiều học sinh, sinh viên đã dựng lán giữa đồi để “bắt sóng”, tham gia học online. Tinh thần, nỗ lực đó rất đáng được biểu dương, nhưng theo nhiều giáo viên, sau một thời gian triển khai, ngành giáo dục cần đánh giá khách quan hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, để có những quyết sách; tránh đặt quá nhiều kỳ vọng vào phương thức dạy học này, khi  giáo viên và học sinh mới dừng ở việc bắt đầu làm quen...

Ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La - cho biết, ngày 16.4, tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ GDĐT với các địa phương để khảo sát việc triển khai hoạt động dạy học qua Internet, trên truyền hình, rất nhiều khó khăn đã được các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chỉ ra. Với Sơn La, ngay khi Bộ GDĐT có hướng dẫn về việc dạy học từ xa trong mùa dịch, Sở GDĐT đã tiến hành khảo sát đến từng trường, từng học sinh, gia đình về khả năng có thể cho con em học trực tuyến. Kết quả, chỉ có khoảng 40% học sinh ở Sơn La có phương tiện để học online, học qua truyền hình. Nhưng trong số học sinh có phương tiện để học online thì lại xảy ra nhiều trường hợp, như có điện thoại nhưng không có mạng Intenet, hoặc sóng 3G kém. Hoặc có thiết bị nhưng không có điện. 

“Trước thực tế này, chúng tôi đã đi kêu gọi các tổ chức, phụ huynh tạo điều kiện cho con học trực tuyến, phối hợp với Viettel, VNPT để cung cấp hạ tầng đường truyền. Rồi giáo viên ở địa phương cũng rất vất vả khi về từng bản, từng thôn để chia học sinh theo các nhóm nhỏ kèm, giao bài tập cho các em. Hoặc vận động phụ huynh, nhà nào có tivi thì tạo điều kiện để học sinh trong thôn, trong bản được học qua truyền hình. Với điều kiện của địa phương, chúng tôi xem học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, chứ không thể thay thế việc dạy học trực tiếp” - ông Nguyễn Duy Hoàng nêu thực tế tại địa phương. 

Không chỉ ở Sơn La, mà nhiều địa phương khác, nếu xem dạy học trực tuyến là giải pháp để hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học là điều vô cùng khó. Để “gỡ khó” cho đội ngũ giáo viên và học sinh, Thứ trưởng Bô GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, dạy học trực tuyến có hiệu quả cần đảm bảo 5 yếu tố, trong đó trước hết là cơ sở hạ tầng, từ máy tính, phần mềm, đến đường truyền. 

Về vấn đề này, Bộ GDĐT đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông để có thể hỗ trợ địa phương. Các địa phương cần rà soát, phân loại học sinh để đưa ra những phương án dạy và học phù hợp, học sinh nào được học trực tuyến đều đặn, chưa đều hoặc chưa được học thì phải có phương án án dạy bù khi các em quay lại trường học. Ngoài ra, Bộ GDĐT sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ đội ngũ chuyên gia để bồi dường trực tuyến cho giáo viên các địa phương về dạy học trực tuyến đạt chất lượng và hiệu quả.

LAODONG.VN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top