Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bị dư luận phản đối, "cha đẻ" : “Đây chỉ là một ứng dụng mới trến internet”

Thứ Sáu 10/04/2020 | 11:41 GMT+7

VHO_ Dư luận mấy ngày qua đang “dậy sóng” với công bố: “Chữ VN song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình. Hầu hết các ý kiến đều phản đối gay gắt, thậm chí nhiều người còn cho rằng tác giả có “đầu óc không bình thường”, “hội chứng bệnh tâm thần”, cố tình làm một việc vô bổ, ngớ ngẩn…

 Tác giả Kiều Trường Lâm và một đoạn lời bài hát “Ghen Cô Vy” được dịch sang Chữ VN song song 4.0

Trước các ý kiến phản hồi tiêu cực của dư luận về bộ chữ mới được cho là cải tiến chữ Quốc ngữ truyền thống, mới đây, ngày 4.4, trên trang cá nhân của mình, tác giả Kiều Trường Lâm đã đăng dòng trạng thái giải thích, tuy nhiên, ngay lập tức lại nhận thêm “gạch đá”. Theo đó, Chữ VN song song 4.0 kết hợp từ hai công trình Chữ Việt nhanh Ký hiệu dấu của các tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình. Kiều Trường Lâm (34 tuổi) hiện đang là nhân viên bán hàng cho một công ty xuất khẩu về gỗ ở Hà Nội. Còn ông Trần Tư Bình hiện sinh sống và làm việc tại Úc. Đây là bộ chữ Việt chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ.

Ngay khi công bố, bộ chữ cải tiến này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Một số ý kiến cho rằng sáng tạo một hệ thống ký âm tiếng Việt mới này là “vô thưởng vô phạt”, hoàn toàn chẳng liên quan gì tới tiếng Việt chúng ta đang sử dụng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, rất nhiều ý kiến đánh giá bộ chữ này quá phức tạp, chẳng giống ai, không khoa học và vì thế mà không có khả năng ứng dụng…

Giới chuyên gia cho rằng về cơ bản nó cũng giống như nhiều bộ chữ đã được các tác giả khác đề xuất trước đây (bộ chữ của ông Bùi Hiền là một ví dụ), nghĩa là nó được đề xuất một cách chủ quan, không tính đến cơ sở khoa học của chữ viết, thói quen và tâm lý người sử dụng, vì vậy không có khả năng áp dụng trong thực tế. Về khách quan, các nhà ngôn ngữ học cho rằng, chữ Quốc ngữ hiện nay cũng có một số khiếm khuyết và nhiều người đã từng muốn cải tiến. Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ đã quá phổ biến, đã được gắn liền với văn hóa Việt Nam hàng thế kỷ, trở thành một phần tâm hồn người Việt… Vì vậy, việc cải tiến chữ Quốc ngữ không còn cơ hội thành công, và các hệ thống chữ viết mới chỉ cần dùng cho những mục đích rất cụ thể, như tốc ký hay bảo mật, hoặc có thể coi là một thứ bài tập để dạy về tín hiệu học…

Thế nhưng, ngay cả khi dùng cho mục đích nói trên thì Chữ VN song song 4.0 cũng không thể là một lựa chọn vì sự rắc rối của nó, nên việc tác giả cho rằng để bộ chữ của mình có thể tồn tại “song song” chữ Quốc ngữ như tên gọi - cũng là một tham vọng viển vông.

Trước các ý kiến - phần lớn là phản đối của dư luận xung quanh Chữ VN song song 4.0, tác giả Kiều Trường Lâm giải thích: “Chữ VN song song 4.0 là một ứng dụng giống như bao nhiêu ứng dụng khác mà các bạn đang sử dụng trên điện thoại chứ không phải là chữ cải tiến để thay thế chữ Quốc ngữ. Các bạn có thể lựa chọn sử dụng hoặc không. Sáng tạo là quyền của mỗi người. Việc nó có ứng dụng được trong cuộc sống hay không là một câu chuyện khác”.

Trước thông tin tác giả công trình sẽ mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thẩm định, trao đổi với chúng tôi vào sáng 5.4, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, tác giả có đề nghị nhưng Viện đã từ chối việc thẩm định này. GS Hiệp cho rằng, chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm tương đối khoa học. Tuy nhiên nó vẫn có nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác. Đây chính là một trong những lý do mà thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ Quốc ngữ trên nhiều phương diện khác nhau.

“Các nhà nghiên cứu ai thích cải cách thì cứ việc nghiên cứu, mày mò thêm cái này bớt cái kia, nhưng chỉ nên thảo luận trong nhóm nhỏ học thuật, như một thú vui “cải cách chữ viết”, giống như thú vui sưu tầm đồ cổ mà thôi. Bởi lẽ cải cách chữ viết là vấn đề của thực tiễn và xã hội, các dự án cải cách chữ Quốc ngữ hiện nay đều không có cơ sở thực tiễn và cơ sở xã hội”, GS Hiệp phân tích và nhấn mạnh, “Xin hãy nhìn lại lịch sử những đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ hơn 100 năm qua để đừng bàn đến cải cách chữ Quốc ngữ nữa, có chăng thì chỉ có thể bàn về chuẩn chính tả, một việc rất cần thiết trong giai đoạn này”. 

 Bộ GD&ĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết tiếng Việt

Bộ GD&ĐT vừa chính thức thông tin về bộ “Chữ Việt Nam song song 4.0” đang gây nhiều tranh cãi. Theo đó, thông báo của Bộ GD&ĐT cho biết, gần đây trên báo chí và mạng xã hội có đưa tin và bàn luận về tác phẩm “Chữ Việt Nam song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm. Hiện nay Chính phủ, Bộ GD&ĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết tiếng Việt. P.V

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top