Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tam Đảo là Tam Đảo, không cần giống một nơi nào khác

Thứ Tư 18/12/2019 | 22:00 GMT+7

VHO- Ngày 18.12, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc phối hợp với TCDL tổ chức tọa đàm Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc năm 2019 nhằm bàn thảo giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh/ thành lân cận, từ ngày 17-18.12, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc phối hợp với TCDL tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Vĩnh Phúc” năm 2019.

Chương trình thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh bạn; các doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí. Đoàn khảo sát đã tới những điểm đến, dịch vụ du lịch tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc như: khu di tích danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Tam Đảo, nhà thờ Tam Đảo, khách sạn Venus Tam Đảo…

Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch, trong đó có các dòng sản phẩm mũi nhọn đang được nhiều du khách lựa chọn là du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch lễ hội, văn hóa, tâm linh; thể du lịch golf.

Ngành Du lịch tỉnh cũng đã từng bước xây dựng được thương hiệu và dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách, đến năm 2018, tỉnh này đón trên 5,2 triệu lượt khách du lịch; tức là trong 7 năm, lượng khách tăng trên 3 lần. Tổng doanh thu du lịch năm đạt trên 1.670 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Du lịch phát triển đã giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động trực tiếp và hơn 5.000 lao động gián tiếp tại các địa phương trong tỉnh.

Năm 2019, ước tính lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc đạt 6,1 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2018, trong đó có 43.500 lượt khách du lịch quốc tế, doanh thu ước đạt 1.910 tỉ đồng.

Ông Dương Quang Ứng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cho biết: “Trong tương lai, Vĩnh Phúc tiếp trung phát triển các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng cuối tuần, văn hóa tâm linh, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng), thể thao golf, học đường… Tuy nhiên, khách đến Vĩnh Phúc chủ yếu là khách nội địa, lượng khách du lịch quốc tế còn khiêm tốn, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được sự thu hút với du khách. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu năm 2020 thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa, doanh thu đạt 2.600 tỉ đồng và trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc”.

Trên địa bàn tỉnh có 1.303 di tích, trong đó 488 di tích đã xếp hạng, 3 di tích là di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích quốc gia và 420 di tích xếp hạng cấp tỉnh. So với cả nước, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Những năm gần đây, khu du lịch danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo đã thực sự trở thành điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng với Tây Thiên, chùa Hà Tiên, Văn Miếu tỉnh, đền thờ Trần Nguyên Hãn, đình Thổ Tang, đình Hương Canh… cũng là điểm tham quan được nhiều khách du lịch lựa chọn. Việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua vừa tôn vinh vừa bảo tồn di sản, vừa mang lại sự cải thiện điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Nói về thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Vĩnh Phúc, bà Đàm Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm XTDL Vĩnh Phúc nhận định: “Dù có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng nhưng du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù, dịch vụ phụ trợ còn hạn chế nên chưa hấp dẫn du khách, đội ngũ lao động du lịch chuyên nghiệp còn thiếu, chưa có quà du lịch riêng biệt, công tác quảng bá xúc tiến còn hạn chế”

Có thể nói, Tam Đảo là linh hồn và là thương hiệu để nhận diện du lịch Vĩnh Phúc. Nếu ai đã từng lên Tam Đảo, có thể nhận thấy, điểm đến du lịch này đã có rất nhiều thay đổi. 5 năm trước lên Tam Đảo không hề dễ dàng. Nhưng đến nay, đường lên Tam Đảo khá thuận lợi, cảnh quan đẹp, chỉ một đoạn ngắn trong thị trấn là chưa hoàn thiện lắm.

PGS. TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường ĐH KHXHNV) cho rằng: Thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tăng lên nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Tam Đảo phát triển. Tuy nhiên, cần có một số vấn đề cần lưu tâm về phát triển du lịch Vĩnh Phúc. Khi chú trọng phát triển du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và cần có sự tham gia của các nhà (nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp, nhà trường…). Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cần đầu tư thêm về dịch vụ  mua sắm và các khu vui chơi giải trí, đặc biệt là phát triển kinh tế đêm; tăng cường phát triển sản phẩm lưu niệm từ các sản phẩm OCOP (mỗi làng một sản phẩm) và khai thác giá trị ẩm thực truyền thống”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng Vĩnh Phúc cần chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa vì đây là thị trường có tiềm năng lớn. Vì Vĩnh Phúc rất gần thủ đô Hà Nội, thị trường du lịch hàng đầu cả nước do đó nên phát triển mạnh hơn nữa du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch golf, du lịch MICE. Nếu sản phẩm không đủ hấp dẫn cộng với việc đường sá thuận tiện nên khách du lịch rất ít lưu trú lại Vĩnh Phúc nên tỉnh cần tập trung vào thị trường cao cấp, có mức chi tiêu cao. “Muốn phát triển du lịch cũng cần phải có dự báo về lượng khách và nguồn nhân lực phục vụ số khách đó. Vì thế, Vĩnh Phúc cần phải quan tâm nhiều hơn đến đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ chứ đừng mong thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ Hà Nội”, ông Phạm Hồng Long nói.

Đưa ra hình ảnh “ngọn lửa” để nói đến tình trạng phát triển “nóng”, ông Phạm Hồng Long nói: “Ngọn lửa có thể làm chín nồi cơm nhưng lại có thể làm cháy một ngôi nhà”, phát triển “nóng” có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng cũng có thể sẽ làm tổn thương môi trường, xã hội. Tam Đảo liệu có trở thành một Sa Pa thứ 2 không khi thị trấn mù sương này đang có rất nhiều vấn đề đáng lo về phát triển du lịch bền vững?”

Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 27 dự án du lịch và 9 quy hoạch được điều chỉnh về lĩnh vực du lịch; tập trung nguồn vốn ngân sách để nâng cấp, phát triển hạ tầng du lịch; kiên quyết thu hồi các dự án “treo”. Với những nhà đầu tư chiến lược, tỉnh có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Như trường hợp của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng đã nhận được nhiều ưu đãi, trong đó doanh nghiệp được chỉ định giá đất, không qua đấu thầu. Một trong số các dự án của Lạc Hồng ở Tam Đảo là xây dựng khách sạn Venus Tam Đảo mang kiến trúc châu Âu, với 197 phòng, tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, tổ hợp các dịch vụ khác như nhà hàng, hội thảo, bể bơi bốn mùa, spa, massage, phòng tập gym và khu vui chơi;  tổng kinh phí 400 tỉ đồng. Venus Tam Đảo được các doanh nghiệp lữ hành đánh giá là địa điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời để cảm nhận một Tam Đảo mù sương, lãng mạn với tầm nhìn bao quát, vị trí vàng của thị trấn.

Góp ý về việc cần phải biến giá trị cốt lõi thành giá trị gia tăng thông qua hệ thống dịch vụ, ông Nguyễn Tiến Đạt, giám đốc công ty du lịch AZA cho rằng: “Vĩnh Phúc nên tập trung mạnh hơn nữa khai thác thị trường khách du lịch MICE để phát triển du lịch cả năm vì hiện nay du lịch ở Tây Thiên hoặc Tam Đảo vẫn nặng tính mùa vụ. Thời gian qua, tỉnh cũng có hướng tới việc khai thác du lịch MICE, nghỉ dưỡng cuối tuần, kết hợp nghiên cứu, học tập, tuy nhiên việc phục vụ lượng khách chưa được tốt”.

Ông Hoàng Đình Anh, giám đốc Đình Anh Travel nhận xét: “Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy được hết, chưa đem lại giá trị kinh tế. Với tư cách một người đi du lịch, riêng trong năm nay đã đến Vĩnh Phúc 5 lần, tôi cho rằng trước tiên cần phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường, bên cạnh những cái đẹp, Tam Đảo đang còn rất nhiều cái xấu. Trong khi đó, có những đầu tư không tốn kém nhiều như tạo ra chỗ để khách check in nhưng chúng ta không làm được. Theo tôi, cần nghiên cứu xem những loại cây lá vàng lá đỏ, loài hoa nào hợp với Tam Đảo để trồng và tạo ra cảnh quan riêng biệt. Khách Việt Nam hiện nay đang bỏ nhiều tiền để đi tận Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ để chụp lá vàng lá đỏ, hoa anh đào. Chúng ta thực sự đã dành bao nhiêu đất cho du lịch, có rào cản nào với nhà đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng như thế nào?”

Do địa hình phức tạp, tiểu vùng miền núi khu vực thị trấn Tam Đảo và một số xã lân cận có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình 18C- 19C, độ ẩm cao, quanh năm có sương mù tạo cảnh quan đẹp, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp với các sản vật ôn đới, các loại hoa cây cảnh… Vì thế, địa phương cũng cần đầu tư thêm vào các khu tiểu cảnh, cây xanh, trồng các loài hoa đặc trưng để khách check in.

Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, TCDL cho rằng: "Ngoài việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng, khai thác các loại hình du lịch thế mạnh, văn hóa, ẩm thực truyền thống, vấn đề môi trường ở Vĩnh Phúc, nhất là Tam Đảo cũng được các doanh nghiệp lữ hành đặc biệt quan tâm. Nếu không kiểm soát tốt sẽ khó thu hút được khách du lịch. Các tiêu chuẩn về môi trường hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tam Đảo là Tam Đảo. Vĩnh Phúc cần xác định xây dựng nét riêng biệt và độc đáo cho nơi này chứ không ăn theo danh tiếng một nơi nào khác. Không cần phải giống Sa Pa, Bà Nà hay Đà Lạt".

THÚY HÀ; ảnh: HỒNG LONG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top