Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016

VHO - Sáng 4.12, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016.

Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 - Anh 1

Tại Hội nghị, đại diện nhiều Bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí nhận xét: Sau 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập.

Luật Báo chí 2016 quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên. Các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí cho biết các cơ quan hành chính nhà nước đã bước đầu tích cực phản hồi thông tin của cơ quan báo chí.

Nhiều cơ quan báo chí đồng thuận cho rằng, Luật Báo chí 2016 phù hợp với tình hình đất nước, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, tạo hành lang pháp lý cần thiết đê xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Luật Báo chí 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo; quan trọng hơn, các nhà báo được làm việc trong môi trường pháp luật có kỷ cương, các nhà báo và cơ quan báo chí phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định trong Luật báo chí 2016. Ngoài ra, quy định tại Luật Báo chí 2016 cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động báo chí phải tuân thủ theo quy định.

Mặc dù Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý và các hoạt động liên quan cho báo chí phát triển, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập. Qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí và từ thực tiễn công tác quản lý, cho thấy vẫn còn không ít bất cập. Cụ thể, chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý; Luật cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí. Nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cho chặt chẽ hơn. Vấn đề bản quyền báo chí, nộp lưu chiểu báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí... cũng được nhiều đại biểu đưa ra phân tích.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, qua thực tiễn quản lý, ý kiến của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Bộ TT&TT nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc