Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái):  Bao giờ cảnh đẹp này chỉ để ngắm

Thứ Sáu 04/10/2019 | 10:36 GMT+7

VHO- Mấy tuần nay, nhìn từng đoàn du khách kéo lên Mù Cang Chải (Yên Bái) “sống ảo” với mùa vàng trên danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, người viết thực sự chạnh lòng và nhớ tới ruộng bậc thang ở Nguyên Dương (Châu Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc), rồi “thèm” cái cách người ta đưa ra rất nhiều biện pháp bảo vệ di sản không bị xâm hại để phát triển du lịch.

 Cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Yên Bái cần vào cuộc một cách tích cực, theo đó đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xâm phạm ngày một nghiêm trọng đối với danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Trong ảnh: Du khách và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh "vô tư" làm tổn thương di sản Ruộng bậc thang Ảnh: HỒNG VĨNH

Còn nhớ năm 2012, chúng tôi được tham gia đoàn khảo sát đầu tiên của Tổng cục Du lịch trong hành trình kết nối các danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Việt Nam) và Nguyên Dương (Trung Quốc) theo hình thức caravan (du lịch bằng xe tự lái).

Mù Cang Chải với những chữ “NẾU”

Ngay từ những ngày đó, Tổng cục Du lịch đã nhận ra những tiềm năng để phát triển du lịch từ danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách đến những điểm du lịch nổi tiếng này của hai nước, nên đã xây dựng kế hoạch kết nối điểm đến, làm việc với Châu Hồng Hà, Vân Nam để trao đổi khách giữa hai bên.

Buổi sáng mùa Thu tháng 9 vừa qua, chúng tôi tới khu danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đang vào mùa lúa chín. Những thửa ruộng chỗ xanh sẫm, chỗ vàng nhạt, chỗ vàng đậm như một bảng màu lớn, rực rỡ điểm tô bởi những bộ váy xúng xính của các cô gái Mông đi làm đồng. Trong vùng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ, ruộng bậc thang Mù Cang Chải yên bình, tinh khiết, đẹp trong trẻo lạ thường. Thành viên trong đoàn đến từ cả 3 miền của cả nước, đều là những người làm du lịch chuyên nghiệp, đi du lịch chuyên nghiệp mà cũng không khỏi bật lên những tiếng trầm trồ, ngây ngất trước vẻ đẹp vùng cao Tây Bắc; khâm phục trước sức lao động, sáng tạo, chinh phục thiên nhiên của bà con trong vùng.

 Vẻ đẹp vô cùng quyến rũ của ruộng bậc thang Mù Cang Chải… Ảnh: TRẦN QUYỀN

Nhưng cũng thành thật mà nói với nhau điều này, ở Mù Cang Chải, không có trung tâm hướng dẫn nào, khách thường tự hỏi đường đến những điểm đẹp để ngắm cảnh, hỏi không ra có khi còn đi lạc. Đến nơi, cũng chẳng có sơ đồ chỉ dẫn đường đi, không mất tiền vé, khách thích đi đâu thì đi, vào đâu thì vào, người dân không thu được gì mà Nhà nước cũng không được đồng nào.

Năm 2007, danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia với diện tích 330 ha trên địa bàn 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Sau đó, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo, hướng dẫn việc bảo vệ và xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, gắn việc bảo tồn ruộng bậc thang Mù Cang Chải với các hoạt động du lịch, qua đó quảng bá, giới thiệu hình ảnh cảnh đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Mới đây nhất, cũng khi lúa đang chín vàng rực rỡ, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội thảo Đánh giá giá trị danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, sự tham dự của lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, các nhà khoa học của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia văn hóa, lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và đại diện 6 xã có ruộng bậc thang đề nghị lập hồ sơ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

 … và sau lễ hội, ruộng bậc thang đã bị “tan chảy” thế này Ảnh: HỒNG VĨNH

Là mong muốn thì như thế, ước mơ như thế chứ làm thật thì như thế nào? Tóm lại là còn vô vàn việc phải làm để bảo vệ và phát huy giá trị danh thắng này. Giá trị của danh thắng thì ai cũng thấy rõ, nhu cầu của khách du lịch cũng ngày càng tăng nhưng quy chế quản lý, khai thác thì chưa có, hoạt động du lịch gần như tự phát hoàn toàn. Nhìn cái cách dân mình ứng xử với danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải mấy mùa lúa chín gần đây mà không khỏi xót xa, dù biết những hành động đó đều xuất phát từ việc yêu quý cái đẹp.

Được công nhận là danh thắng quốc gia cách đây hơn mười năm nhưng đến nay tại Khu di sản Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gần như chưa có biện pháp bảo vệ nào để nó không bị tổn thương bởi sự xâm lấn của du khách. Người ta không ngần ngại chen chúc, giẫm đạp nhau ở tận bờ ruộng để chụp được một bức ảnh đẹp. Hàng trăm, thậm chí nghìn du khách cứ vô tư xâm phạm lên di sản, đến mức nhiều bờ ruộng mỏng như lá lúa bị sạt lở. Vậy nhưng không ai đến nhắc nhở hoặc tuyên truyền. Nói cách khác, các khu vực bảo vệ danh thắng quốc gia giống như “vườn không nhà trống”, du khách muốn chạy vào đâu thì tùy… Nếu như chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không đưa ra khuyến cáo, không có biện pháp bảo vệ thực địa nhằm ngăn chặn du khách thoải mái giẫm đạp lên di sản ruộng bậc thang…, một ngày không xa danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ bị trả giá…

Mù Cang Chải cũng giống như Nguyên Dương đẹp cả 4 mùa. Không phải chỉ mùa lúa chín hay mùa nước đổ với vẻ đẹp rực rỡ hoặc ma mị ruộng bậc thang mới đẹp. Mùa đông, khi cây cối khẳng khiu, trút lá, Nguyên Dương tuyết phủ trắng, như ở chốn thần tiên thì Mù Cang Chải lại buồn man mác, bụi đỏ bay nhè nhẹ, đẹp mơ màng. Đã nhiều lần danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải lọt vào danh sách những ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Năm tháng qua đi, sức hút của Mù Cang Chải chưa bao giờ lịm tắt mà còn rạng rỡ hơn theo những tia nắng mặt trời mỗi sớm mai. Chỉ có điều, phải làm gì để danh thắng do đồng bào dân tộc miền núi cao này từ ngàn đời nay khai hoang, đắp bờ, lấy nước làm ra được bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ lại đời sống của bà con. Và để bức tranh thiên nhiên kì vĩ này còn lại với đời sau.

Khi nào Mù Cang Chải làm được như Nguyên Dương?

Còn du khách tham quan ruộng bậc thang ở Nguyên Dương chỉ đứng từ rất xa để ngắm và chụp ảnh Ảnh: HÀ NHI

Nguyên Dương cũng trồng lúa một vụ một năm như ở Mù Cang Chải nhưng khách đến tham quan ruộng bậc thang này thì quanh năm. Đặc biệt là cứ vào mùa nước đổ hay khi lúa bắt đầu chín, du khách, các nhiếp ảnh gia ở khắp nơi lại đổ về vùng Nguyên Dương chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy, mênh mông, bạt ngàn, như một tuyệt tác của tạo hóa này.

Nhìn từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang ở Nguyên Dương mênh mông, trải từ chân núi lên đỉnh núi, mây bay lượn ôm ấp, như thể đường lên trời thẳm. Cùng trong một ngày nhưng ruộng bậc thang Nguyên Dương lại mang vẻ đẹp lôi cuốn khác nhau, sớm tinh mơ, sương mờ bao phủ như bức tranh thủy mặc; khi hoàng hôn, ruộng ánh lên những sắc màu kỳ ảo. Vùng trung tâm của ruộng bậc thang nằm ở Nguyên Dương. Khu vực này có tổng diện tích 1 triệu ha và 16.600 ha đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2013. Người quản lý khu vực này nói với chúng tôi: “Trước khi đưa vào khai thác du lịch, chúng tôi mất cả chục năm để quy hoạch, đầu tư, tôn tạo, cải thiện hạ tầng khu vực này. Tiền vé tham quan chúng tôi dùng để đầu tư trở lại cho di sản này và khuyến khích người dân trong vùng tham gia bảo vệ, khai thác di sản. Cảnh đẹp này chỉ để ngắm chứ không được phép xâm phạm”.

Vùng Nguyên Dương khá rộng lớn và được quy hoạch rất bài bản. Đường giữa các thôn được lát đá, nhà cửa, vườn tược quy củ, toát lên nét cổ kính. Từ khu vực tiếp đón, khách sẽ được nghe giới thiệu chung về điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, văn hóa của vùng này, các dân tộc sinh sống ở đây; giới thiệu về di sản thế giới Ruộng bậc thang Nguyên Dương; chỉ dẫn bản đồ tham quan. Giữa các điểm ngắm cảnh trong khu vực ruộng bậc thang Nguyên Dương rất xa, có những điểm cách nhau nửa tiếng đến 1 tiếng di chuyển bằng xe ô tô, giá thuê xe là 400 nhân dân tệ/ ngày (tương đương 1.300.000 đồng/ ngày). Nguyên Dương có 4 điểm tham quan, ngắm cảnh chính là: Bada và Tiger mouth ngắm hoàng hôn, Dioyishu và Qingkou để ngắm bình minh. Giá vé tham quan 4 điểm, mỗi điểm một lần là 100 nhân dân tệ/ người (tương đương 330.000 đồng/người).

Nói chung, toàn bộ vùng này đã được quy hoạch để phát triển du lịch khá chuyên nghiệp chứ không phải sự phát triển tự phát của một huyện miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc. Và để bảo vệ tính nguyên vẹn của di sản, du khách không được đặt nửa bước chân lên ruộng. Nhìn cách họ bảo vệ di sản ruộng bậc thang mà thấy buồn cho Mù Cang Chải. 

 

Nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không đưa ra khuyến cáo, không có biện pháp bảo vệ thực địa nhằm ngăn chặn du khách thoải mái giẫm đạp lên di sản ruộng bậc thang…, một ngày không xa danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ bị trả giá…

 


 LẠI THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top