Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Công nghệ và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành Du lịch

Thứ Tư 21/08/2019 | 11:27 GMT+7

VHO- Hội thảo “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức ngày 20.8 tại Hà Nội đã thảo luận nhiều giải pháp, đề xuất các định hướng phát triển du lịch Việt Nam phù hợp với xu hướng và nhu cầu du lịch mới của thế giới.

 Du khách muốn trải nghiệm văn hoá địa phương nhiều hơn

Xu hướng du lịch và chi tiêu thay đổi lớn

Hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực du lịch và liên quan, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính gồm: Cập nhật những xu hướng phát triển mới trên thế giới và những xu hướng có ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam; Đánh giá ảnh hưởng, tác động của những xu hướng mới trên thế giới đối với ngành du lịch Việt Nam; Định hướng, giải pháp cho sự phát triển của ngành du lịch trong xu hướng phát triển của du lịch thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh: “Ngành Du lịch thế giới đang chứng kiến sự phát triển của nhiều xu hướng du lịch khách như: tour tự thiết kế, tour cao cấp, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm du lịch giải trí với các thiết bị hiện đại. Xu hướng tiêu dùng du lịch cũng có thay đổi mới mẻ từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Sự phát triển của công nghệ thông tin đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của du khách; hoạt động đầu tư kinh doanh du lịch. Đồng thời đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý hoạt động du lịch phù hợp với xu thế mới. Từ đó có những giải pháp, định hướng phát triển cho du lịch Việt Nam bắt kịp với sự thay đổi của du lịch thế giới”.

Theo tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) số lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2018 đã vượt lên mốc 1,4 tỉ lượt khách, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017, đạt mức tăng trưởng gần 6%. Dự báo đến năm 2030, số lượng khách du lịch đạt 1,8 tỉ lượt; trong đó, châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ đón 535 triệu lượt khách quốc tế, đứng đầu thế giới. Đông Nam Á cũng sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 thế giới và Việt Nam là một trong 10 quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất so với khu vực và thế giới. Nếu như năm 2015 Việt Nam mới đón được gần 8 triệu khách quốc tế thì đến năm 2018 đã đón 15,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong 3 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng gần gấp đôi.

Cần thay đổi để phù hợp du khách thế hệ mới

Thực tế hiện nay, xu hướng khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương. Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy, xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang thịnh hành. Du lịch công nghệ cao như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử… thông qua các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên, tổ hợp giải trí cũng ngày càng thu hút số lượng lớn khách du lịch.

Khách đi du lịch theo phương thức trả sau với 82% ứng từ lương cũng đang là xu hướng được ưa chuộng. Các dịch vụ đặt chỗ vé máy bay, khách sạn thông qua điện thoại thông minh tăng mạnh. Nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được đặt trực tuyến (booking online) và 87% thế hệ trẻ cho rằng điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch. Theo các chuyên gia trong ngành dịch vụ, công nghệ thông tin và mạng xã hội sẽ là tương lai của ngành Du lịch.

Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch đang thay đổi rõ rệt. Những năm trước đây, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho dịch vụ cơ bản (ăn, uống, vận chuyển….) chiếm phần lớn. Đến nay, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho các dịch vụ (mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan giải trí…) tăng lên. Theo các nhà kinh tế học, nếu trước đây du khách dành cho ăn, ở, đi lại là 7 phần chi tiêu thì nay chỉ còn 3 phần và ngược lại, có đến 7 phần dành cho vui chơi giải trí, mua sắm.

Xu hướng các loại hình du lịch cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Sự lựa chọn của khách du lịch trên toàn cầu cho thấy, những loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch phục vụ nhu cầu sức khỏe, làm đẹp ngày càng được ưa chuộng hơn. UNWTO nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.

Những xu hướng trên đặt ra yêu cầu các nhà quản lý, nhà đầu tư nhìn nhận và phân tích đúng tình hình, có giải pháp và phương án, cách vận hành phù hợp để có thể phát triển du lịch phù hợp với xu thế mới.

Trong khi đó, các loại hình và sản phẩm du lịch phổ biến của Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính truyền thống như tham quan, nghỉ dưỡng, lễ hội và tâm linh... Sản phẩm du lịch của các địa phương còn nhiều trùng lặp, chưa thật sự phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch nói chung chưa tập trung khai thác được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Việc cập nhật xu hướng mới cũng chưa có hoặc cập nhật chưa đồng đều.

Các đại biểu đã đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới và Việt Nam, trong đó nhấn mạnh giải pháp về đầu tư, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ (đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển du lịch thông minh), xúc tiến quảng bá và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Đồng thời có những định hướng chiến lược trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá, cụ thể và có tính thực tiễn cao, phát huy, khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền.

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top