Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, trách nhiệm

Thứ Sáu 16/08/2019 | 10:50 GMT+7

VHO- Đã có 15 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào hôm qua 15.8, tại Nhà Quốc hội. 


 Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát lại các nội dung đã được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. 
Youtube đã thực hiện 80-85% yêu cầu 
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu lên thực trạng nhức nhối của mạng xã hội khi nhiều đối tượng sử dụng nó để chống chế độ, kích động người dân, tổ chức đánh bạc, lừa đảo qua mạng, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Vậy Bộ đã làm gì để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng có cam kết chấm dứt được tình trạng sim rác không và khi nào sẽ có trang mạng xã hội uy tín thay thế trang mạng xã hội hiện nay? Bộ trưởng Hùng cho rằng, thời gian qua Bộ đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có khả năng một ngày xử lý 100 triệu tin, có thể phân loại, đánh giá được thông tin tiêu cực, thông tin tích cực. 
Trước đây trên không gian mạng, tỉ lệ thông tin tiêu cực là trên 30% và thường những thông tin trên 30% sẽ được coi là tin chính nhưng đến giờ, thông tin tiêu cực đã giảm xuống còn dưới 10%. Liên quan đến giải pháp với các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Bộ trưởng Hùng cho biết với facebook, trước đây cơ quan quản lý nhà nước đưa ra yêu cầu họ chỉ thực hiện khoảng 30% nhưng giờ đã là 70-75%. Youtube trước đây khoảng 60% nhưng giờ là 80 – 85%... Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng Hùng cũng cho biết từ bây giờ tới tháng 9, Bộ sẽ tập trung giải quyết sim rác trên kênh bán hàng bằng việc nhà mạng phải mua lại. Bộ sẽ giao trách nhiệm tới Tổng giám đốc các công ty viễn thông. Nếu còn tồn tại sim rác, nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới như mobile money. 
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu các mạng xã hội trong nước sẽ có số người dùng tương đương mạng xã hội nước ngoài. Hiện các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu người dùng, còn mạng xã hội nước ngoài khoảng 90 triệu. Bộ trưởng Hùng dự đoán đến cuối năm 2020 hoặc trong năm 2021, với sự tăng trưởng hiện tại của các mạng xã hội trong nước, chúng ta có thể đạt được mục tiêu trên. 
Tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đã giảm mạnh 
Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, thời gian qua việc kiện toàn nâng cao chất lượng các Trung tâm dịch vụ việc làm đã được thực hiện, tuy nhiên cử tri phản ánh vẫn có tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải trả tiền môi giới cao hay tình trạng người lao động bỏ trốn ở nước ngoài làm việc bất hợp pháp. 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ siết chặt về vấn đề này. Việt Nam hiện có khoảng 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và về cơ bản doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định. Với một số nước thì doanh nghiệp chỉ môi giới cho người lao động đi xong là hết trách nhiệm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài việc môi giới đưa người lao động đi còn có trách nhiệm quản lý và thậm chí phải tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra. Và việc quy định số tiền môi giới này căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam và căn cứ vào Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước với nhau. 
Về tình trạng người lao động bỏ trốn ở lại lao động bất hợp pháp, Bộ trưởng Dung cho biết, tình trạng này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc, thời điểm cao nhất là 55% . Phía Hàn Quốc cũng xử lý rất nhiều các doanh nghiệp cũng như người lao động. “Đây là lỗi của cả hai bên, lỗi về phía chúng ta có, phía doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có, cá biệt có trình trạng doanh nghiệp bạn thậm chí còn đào hầm cho người lao động trốn trở lại. Nhưng hiện nay, qua 3 năm quyết liệt triển khai các biện pháp của cả hai phía thì tỷ lệ trốn từ 55% đã xuống còn 33%. Đây là tỷ lệ mà phía bạn cho rằng có thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Dung thông tin. 
Kiến nghị Bộ trưởng đi xe buýt… 
Trả lời chất vấn của đại biểu về sáng kiến để tránh ùn tắc giao thông thì Giám đốc Sở đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã hoan nghênh và ông cũng đề ra “sáng kiến”: Nếu Hậu Giang quyết tâm thì Bộ GTVT sẽ chọn Hậu Giang làm thí điểm. “Thí điểm ở Hậu Giang là Chủ tịch thì đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và các cán bộ Trung ương trên địa bàn tỉnh đi xe buýt. Sau khi thí điểm, nếu mô hình của Hậu Giang làm tốt thì sẽ nhân rộng chứ không thể áp dụng đại trà ngay được”, Bộ trưởng Thể nói. 
Trả lời về việc số vụ TNGT có dấu hiệu gia tăng, nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp như ở Hải Dương vừa qua, Bộ trưởng Thể cho biết nguyên nhân khách quan là do hệ thống hạ tầng đã cũ, đường nhỏ, khu dân cư đông đúc. Khi đường được nâng cấp thành quốc lộ thì có nhiều ngõ giao với quốc lộ nên giao thông rất phức tạp, cần có giải pháp để cải tạo. Bên cạnh đó, một số tuyến đường có nhu cầu tăng lưu lượng nhanh, nhất là ở những khu có khu công nghiệp, đô thị lớn nên khi tăng nhanh như thế sẽ dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ quan là một số cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời đưa ra giải pháp để xử lý; công tác đăng ký, đăng kiểm của các phương tiện vận tải, có một số còn chưa đúng qui trình, chất lượng kém, rồi công tác đào tạo và sát hạch lái xe, sẽ được Bộ nâng cao trong thời gian tới. 
“Nguyên nhân sâu xa nữa là ý thức chấp hành của một số lái xe chưa nghiêm, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng bia rượu, chất kích thích trong quá trình vận hành xe, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng”, Bộ trưởng Thể nói và cho biết Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để xử lý, khắc phục tình trạng đáng lo ngại này. 

Tham nhũng vặt như “tổ mối”, có thể làm vỡ đê 
Thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề liên quan đến tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội và nhân dân, liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. “Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, Phó Thủ tướng ví von và cho rằng tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân. 
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế đảm bảo thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo, tránh chuyện sách nhiễu; hoàn thiện qui định về quy trình thực thi công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai minh bạch; tăng cường giám sát bằng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó là việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, có quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện truyền thông…

 THU SÂM 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top