Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sắp có quy định thế nào là hàng hóa made in Vietnam

Thứ Năm 01/08/2019 | 09:52 GMT+7

VHO-Để làm rõ thế nào là hàng hóa made in Vietnam, Bộ Công thương vừa ban hành và lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8.3.2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 14. 4. 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) về nhãn hàng hóa. Theo quy định của Nghị định, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 1 của Nghị định.

Điều 10 Nghị định 43 quy định nhãn hàng hóa phải thể hiện một số nội dung bắt buộc, bao gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Riêng về xuất xứ hàng hóa, Điều 15 Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Quy định về ghi nhãn hàng hóa đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng và các doanh nghiệp, góp phần vào việc xây dựng và duy trì một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa cũng đã làm phát sinh một số bất cập. Theo Bộ Công thương, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

 Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43. Trong khi đó, các mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng hoang mang và cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.

Tại dự thảo Thông tư, Bộ Công thương quy định hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó khi đáp ứng quy định tại Thông tư. Ngoài ra, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ "sản phẩm của Việt Nam" hoặc "sản phẩm Việt Nam", "hàng hóa của Việt Nam" hoặc "hàng hóa Việt Nam" hoặc "hàng Việt Nam", "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất", "chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác" để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Theo quy định hiện hành, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa. Doanh nghiệp được tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Để khắc phục tình trạng “nhập nhèm” khi ghi nhãn cho hàng hóa, tại dự thảo Thông tư quy định hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam sẽ được áp dụng khi hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” và tiêu chí “Hàm lượng giá trị gia tăng” đối với nguyên liệu sản xuất đầu vào có xuất xứ Việt Nam.

Các công đoạn gia công, chế biến đơn giản khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn như: bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho, lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại, sơn, chia cắt ra từng phần, thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.

Hàng hóa cũng bị coi không phải hàng của Việt Nam khi chỉ dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự hay lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Bộ Công thương cũng cho biết, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

HOÀNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top