Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ca nương tài hoa đất Phủ Diễn

Thứ Tư 19/06/2019 | 10:04 GMT+7

VHO- Sẽ ngạc nhiên khi biết ca nương Cao Bích Lâm đã là nghệ nhân dân gian khi mới ở tuổi 50, vừa là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diễn Mỹ. Và điều khiến mọi người bất ngờ hơn nữa khi chị là kẻ ngoại đạo đoạt giải nhất toàn tỉnh Tiếng hát Làng Sen về thể loại ca trù và đoạt đến 2 lần giải bạc khi tham dự Liên hoan ca trù toàn quốc.

Chúng tôi đến thăm Nghệ nhân dân gian ca nương Cao Bích Lâm. Vừa đến đầu ngõ đã nghe vang lên điệu ca: “Hồng hồng tuyết tuyết/ Mới ngày nào chửa biết cái chi chi/Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu...”. Chị say sưa với lối nhịp phách mà không chú ý có những vị khách xa đến đang mê mẩn thả hồn trôi theo giọng điệu, câu tứ.

 Nghệ nhân dân gian Cao Bích Lâm biểu diễn ca trù

Biết chúng tôi muốn được nghe nói chuyện về ca trù để hiểu hơn về môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, chị say sưa kể lại những ngày đầu bén duyên với ca trù. Ngay từ thưở bé mình đã thấm đẫm trong những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, đặc biệt ảnh hưởng từ bố vốn là chiến sĩ tham gia đoàn văn công nghệ thuật quân đội từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1980, khi đang ở tuổi đôi mươi, với lòng nhiệt tình, nhiệt huyết tuổi trẻ mình tham gia đoàn văn nghệ đội nghệ thuật quần chúng xã Diễn Mỹ rồi làm cộng tác viên của Trung tâm văn hóa huyện. Là dân không chuyên nên những ngày đầu tham gia hoạt động văn nghệ, mình phải tự mày mò, học hỏi thêm cách hát và tập các làn điệu ca trù qua các loại băng đĩa đã sưu tầm được và từ những người bạn đồng nghiệp. Theo tuổi đời người hát ca trù, số tuổi 50 của chị còn khá trẻ so với các nghệ nhân ca trù dân gian khác.

Theo lời chị Lâm kể, năm 2005, chị may mắn được tham gia lớp tập huấn đầu tiên về ca trù. Mới đầu tiếp xúc ca trù, chị chưa cảm được hết nhưng càng nghe các nghệ nhân truyền dạy và nghe nhiều băng đĩa, niềm đam mê ca trù ngấm vào chị lúc nào không hay. Với chị ca trù có rất nhiều kỉ niệm, nhưng kỉ niệm đáng nhớ nhất là lần đầu tiên khi học gõ phách toàn bị gõ phách ngược... Qua tập huấn, học hỏi nghệ nhân, qua các cuộc hội thi, giao lưu văn nghệ chị đã tích lũy nhiều kinh nghiệm về cảm quan âm nhạc. Những lần tham dự tập huấn là mỗi lần chị học thêm, hiểu thêm và niềm đam mê lớn dần theo đó. Năm 2011, chị tham gia lớp đào tạo dạy truyền nghề 10 ngày tại Hà Nội, may mắn được học những nghệ nhân có tiếng hàng đầu về ca trù như nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Thúy Hà, nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Văn Khuê... Năm 2012 chị tham gia lớp học ca trù tại Học viện Âm nhạc Hà Nội và cũng trong năm này chị được công nhận là học viên xuất sắc của lớp. Sau khi tiếp thu lĩnh hội kiến thức về ca trù, chị còn tham gia truyền dạy cho những ai muốn học. Từ năm 2011- 2018, chị tham gia truyền dạy 5 lớp, mỗi lớp thu hút được 20-30 hội viên theo học. Qua những lần đó đã giúp cho nhiều người hiểu về ca trù, đồng thời góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Với năng khiếu “trời cho” kết hợp sự trải nghiệm trước ánh đèn sân khấu không chuyên đã đem lại cho chị giọng hát cũng như khả năng biểu hiện biểu cảm và nhiều thành công ở các thể loại ca trù… Chị được coi như một ca nương “tài hoa”, mỗi khi chị hát ca trù, không gian đêm diễn càng thêm lắng đọng, mênh mang, da diết “xoáy” vào lòng khán giả và chị đã đoạt được huy chương bạc khi Ban giám khảo dành cho tại hội thi hát ca trù toàn quốc lần thứ 2 năm 2009 với ca khúc Cảo thơm lần dở, hát về Đại văn hào Nguyễn Du do tác giả Cao Xuân Thượng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Diễn Châu sáng tác. Là diễn viên không chuyên nhưng chị Lâm nhạy cảm với nghệ thuật, chị thả hồn theo nhịp phách trong không gian trầm lặng, tĩnh mịch khi hát ca trù để rồi lần nữa chị được nhận thêm tấm huy chương bạc tại hội thi hát ca trù toàn quốc với bài hát Đại thạch (hát cổ) năm 2012. Ngoài ra, trong các cuộc thi hát trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng Lễ hội làng Sen, ngoài phần thưởng giải nhất tập thể, trong nhiều năm liền cá nhân chị đoạt giải nhất toàn tỉnh về hát ca trù. Chị Lâm chia sẻ: Mỗi giải thưởng đều đáng quý nhưng quý hơn hết đó là nhận được sự đón nhận của người nghe. Chị nhớ có lần sau cuộc thi toàn quốc, có nhiều bà con kiều bào đến tặng hoa, xúc động cảm ơn chị đã giúp họ nhớ về cội nguồn, nét đẹp văn hóa dân tộc. Và đó cũng chính là động lực để chị theo đuổi niềm đam mê của mình.

Hiện nay chị vừa đảm đương chức vụ Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diễn Mỹ, chị cũng là hạt nhân năng nổ tham gia phong trào văn nghệ quần chúng lôi cuốn được nhiều chị em phụ nữ tham gia. Trong những buổi sinh hoạt phụ nữ, bằng lời ca tiếng hát thủ thỉ tâm tình, chị dễ dàng tuyên truyền chính sách, đường lối cho chị em một cách hiệu quả. Chị là một trong những thành viên đầu tiên phát triển phong trào đàn hát ca trù ở xã Diễn Mỹ và huyện Diễn Châu. Từ những hạt nhân như chị, CLB ca trù không chỉ dừng ở 30 hội viên mà phong trào đàn hát ca trù ở Diễn Châu ngày càng được nhân rộng và phát triển. Câu lạc bộ ca trù của huyện Diễn Châu luôn đại diện cho tỉnh dự các kỳ liên hoan ca trù cấp khu vực và toàn quốc.

Nói về Nghệ nhân dân gian Cao Bích Lâm, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Diễn Châu cho biết: Ca nương Cao Bích Lâm là Nghệ nhân dân gian tiêu biểu, luôn tìm tòi, sáng tạo, cống hiến hết mình để đem lại cho ca trù Diễn Châu những thành công nhất định. Rồi ca trù Diễn Châu sẽ còn được biết đến nhiều hơn nhờ những tấm lòng, những con người tâm huyết, đam mê như chị với loại hình nghệ thuật đặc sắc này. 

 PHẠM NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top