Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khởi công dựng kịch “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”: Sẽ kết hợp những ưu thế của sân khấu truyền thống

Thứ Hai 17/06/2019 | 16:49 GMT+7

VHO-Sau thành công của các vở diễn Chí Phèo, Tấm Cám, Sân khấu Lệ Ngọc lại tiếp tục dàn dựng vở thứ 3 trong năm 2019 với vở kịch Huyền thoại Gò Rồng Ấp, một vở kịch lịch sử. Đây là vở diễn thứ 5 của cặp đôi tác giả, đạo diễn: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (tác giả), NSƯT Triệu Trung Kiên (đạo diễn) cùng hợp tác dàn dựng. Rất nhiều những ý tưởng sáng tạo cũng như mong muốn đổi mới mà ê kíp sáng tạo đặt ra tại lễ khởi công Huyền thoại Gò Rồng Ấp vào sáng ngày 17.6 tại rạp Đại Nam. Đây sẽ là vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu Trung Quốc – ASEAN vào tháng 9.2019 và dự kiến tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế tại Việt Nam vào tháng 10.2019.

Lễ khởi công vở vào sáng 17.6, không chỉ có ê kíp sáng tạo mà còn có đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và nhiều nhà báo, nghệ sĩ quan tâm tới dự

Huyền thoại Gò Rồng Ấp là kịch bản sân khấu được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phóng tác dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn, vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý - người đã tạo dựng nên kinh đô Thăng Long nghìn năm rạng rỡ. Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, Huyền thoại Gò Rồng Ấp là vở kịch đề tài dân gian sẽ như một bức tranh mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập. Không gian của vở diễn được xác định là nền văn minh châu thổ sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc. Vở diễn sẽ được xây dựng trên cơ sở kết hợp hai phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện. Thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Đông sẽ được đưa vào vở diễn với mức độ hợp lý để tạo nên một vũ trụ đậm chất huyền thoại, cổ tích.

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ về ý đồ dàn dựng vở 

Đã có nhiều tác phẩm sân khấu xây dựng thành công hình tượng vị vua Lý Công Uẩn nhưng vở kịch lần này, ê kíp sáng tạo tập trung lý giải sự ra đời của vua Lý Công Uẩn trên mảnh đất thiêng khẳng định: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ tinh anh và linh khí nghìn đời để hun đúc và sản sinh ra những vĩ nhân mang thiên mệnh làm rạng danh cho giống nòi, tiên tổ. Vở diễn cũng khẳng định cái ác, cái xấu xa luôn phải lùi bước trước cái chân, cái thiện, lòng nhân ái và tình yêu thương vô bờ của con người. Hình ảnh “Rồng Ấp” sẽ được sử dụng như là biểu tượng của vở diễn. Nó sẽ được hiển hiện thông qua thiết kế mỹ thuật cũng như trong các ý định dàn dựng.

 Hình tượng trung tâm của vở sẽ là mẹ vị vua Lý Công, bà Phạm Thị Ngà, xuất thân là một người dân thường, giúp việc ở chùa Tiêu; kế tiếp là Thiền sư Vạn Hạnh. Xung đột của vở kịch được các tác giả khai thác mâu thuẫn giữa tầng lớp quan lại, phú hộ, cường hào áp bức dân nghèo.

Đạo diễn "bật mí" NSND Lệ Ngọc sẽ đóng vai bà Phạm Thị Ngà, nhân vật trung tâm của vở, đây là một thử thách đối với Lệ Ngọc khi đóng một vai diễn rất trẻ, hiền lành, khác với sở trường chuyên đóng vai tính cách của bà

NSND Lệ Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi mời đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, một đạo diễn của sân khấu  kịch nói với mong muốn đạo diễn sẽ mang được những thủ pháp của sân khấu truyền thống áp dụng vào vở để làm giàu cho ngôn ngữ sân khấu kịch đương đại. Những thủ pháp dàn dựng diễn xuất của sân khấu truyền thống sẽ phù hợp với một kịch bản mang nhiều yếu tố huyền thoại như Huyền thoại Gò Rồng Ấp. Chúng tôi muốn những nghệ sĩ kịch nói của sân khấu Lệ Ngọc tiếp thu được ngôn ngữ biểu hiện của sân khấu truyền thống. Ngôn ngữ của sân khấu tuyền thống sẽ rất phù hợp đối với việc tiếp cận khán giả, đặc biệt là đối với khán giả quốc tế”.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc cho biết: “Chúng tôi muốn các tác phẩm của mình sẽ hướng khán giả trong nước quen với một lối dàn dựng của sân khấu hiện đại đó là giảm bớt những lời thoại trong kịch, tăng yếu tố hành động cũng như dùng các thủ pháp, đặc trưng của sân khấu truyền thống như ước lệ, cách điệu, khai thác các yếu tố văn hóa dân tộc. Sân khấu kịch Lệ Ngọc thành công khi ra biểu diễn phục vụ khán giả nước ngoài cũng là nhờ sự đổi mới trong tư duy dàn dựng này.

"Cuộc chơi nghệ thuật của một sân khấu xã hội hóa như sân khấu kịch Lệ Ngọc rất đáng được trân trọng. Với một ê kíp sáng tạo với những tên tuổi sáng giá của làng sân khấu hiện nay như: Tác giả, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên; NSND Hoàng Anh Tú (Âm nhạc); họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng; cố vấn nghệ thuật và truyền thông PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái; NSND Lệ Ngọc... chắc chắn công chúng yêu sân khấu sẽ có một tác phẩm nghệ thuật thực sự đáng để chờ đón".

(Ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn)

HIỀN LƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top